Triết lý sâu xa của mâm ngũ quả
Từ xưa đến nay, trong việc bài trí bàn thờ gia tiên để đón Tết, việc đầu tiên cần làm là bày mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả xưa gồm 5 thứ quả. Vì sao chỉ là 5 mà không là 6 hay 4? Bởi vì ngũ là gợi đến ngũ hành. Đặt nó trong mối liên hệ với các đồ thờ thì khi nhìn lên bàn thờ ngày tết ta thấy cả một hệ thống triết lý và văn hóa Á Đông hiện ra trước mắt.
|
Một mâm ngũ quả. Ảnh minh họa. |
Bởi vì theo dẫn giải của cuốn sách "Phong tục thờ cúng của người Việt" thì hai ngọn đèn thờ tượng trưng cho nhật nguyệt, hương khi thắp lên là các vì tinh tú, cái lư hương tròn tượng trưng cho bàn thái cực. Ngoài ra có người lại nói thêm rằng cái chân cắm hương vòng là trục vũ trụ và cái 3 bát hương trên bàn thờ tức là tam tài (thiên, địa, nhân). Rồi đồ cúng lại có bánh chưng vuông tượng trưng cho đất, bánh dầy tròn tượng trưng cho trời. Cộng với mâm ngũ quả là đại diện ngũ hành. Thế là bàn thờ có cả thái cực, vũ trụ, nhật nguyệt, tinh tú, trời đất và người cùng với ngũ hành sinh khắc chế hóa lẫn nhau.
Trong ý nghĩa như thế, mâm ngũ quả xưa thường được chọn 5 loại quả có 5 màu sắc khác nhau. Mỗi màu đại diện cho một hành trong ngũ hành. Chẳng hạn ở miền Bắc, mâm ngũ quả phổ biến là dùng chuối xanh để đại diện hành mộc, bưởi vàng hoặc quả phật thủ vàng đại diện cho hành thổ, quýt đỏ hoặc đào đỏ đại diện hành hỏa, lê trắng đại diện hành kim, mận hoặc hồng xiêm đại diện hành thủy.
Bởi vậy, nhà văn Băng Sơn viết trong sách "Thú ăn chơi của người Hà Nội" rằng: “Mâm ngũ quả đâu chỉ riêng là cây trái vườn nhà. Đó là sự sum xuê kết tụ. Hương thơm của bưởi, của cam, ngan ngát của quả phật thủ, màu đỏ của trái cà chua, trái ớt, màu vàng đậm của cam sành, vàng chanh của bưởi, xanh ngát của nải chuối xanh... màu ấy, hương ấy như một máy phát sóng, loang ra trong không gian gia đình, trong thời gian xuân tết, cùng với hương trầm, hương vòng, ánh nến lung linh trong chiếc đèn lồng đỏ...
Mâm ngũ quả trên bàn thờ thật trang trọng mà cũng bình dị. Hoa trái ngày thường thôi, nhưng được nằm trong mâm ngũ quả nó thành thiêng liêng, thành tượng trưng cho tấm lòng thành của con cháu đối với ông bà tiên tổ...”.
Những mong cầu qua cách xếp mâm ngũ quả
Bên cạnh ý nghĩa triết lý sâu xa như nói trên, mâm ngũ quả cũng thể hiện những mong cầu của người dân Việt cho một năm mới an khang, tốt lành hơn năm cũ. Nhà văn Băng Sơn viết: “Suốt 3 ngày tết, bàn thờ không được để hương khói lạnh tàn. Hương trầm, hương đen, hương vòng, hương sào... cứ nghi ngút, ngào ngạt hòa cùng hương hoa gồm hoa hồng, hoa huệ... hòa với hương của mâm ngũ quả nào hương bưởi, hương cam, hương phật thủ... làm căn nhà thiếu thốn nhiều thứ cũng vẫn đầy phong vị tết, tràn ngập màu sắc mùa xuân chứa chan niềm hy vọng mới...”.
|
Một mâm ngũ quả kiểu miền Bắc. Ảnh minh họa. |
Người miền Bắc chú trọng vào màu sắc của quả trong mâm ngũ quả vừa để đảm bảo yếu tố ngũ hành đồng thời cũng quan niệm ngũ quả thể hiện cho 5 điều mong ước cơ bản của con người mỗi khi năm mới sang. Năm điều mong ước đó là: Phú (giàu có) - quý (sang trọng) - thọ (sống lâu) - khang (khỏe mạnh) - ninh (bình yên). Mặt khác cũng có ý kiến nói rằng miền Bắc hay dùng chuối và phật thủ, các loại quả này hình dáng như những bàn tay, ngón tay ôm ấp các quả khác. Thông qua đó cầu mong con người trong năm mới cũng được thần phật che chở cho.
Trong khi đó, người ở miền Nam ít chú trọng vào màu sắc của mâm ngũ quả mà chú trọng vào tên gọi của các loại quả để sao cho 5 loại quả khi đọc tên lên sẽ thành một điều mong ước. Ví dụ mâm ngũ quả miền Nam thường có mãng cầu, sung, dừa, đu đủ và xoài. Các tên hoa quả này được đơn tiết hóa và theo cách phát âm Nam bộ sẽ thành câu cầu chúc là “cầu sung vừa đủ xài” (nghĩa là cầu mong sung túc vừa đủ tiêu xài).
Mặt khác có hai loại quả ở miền Bắc dùng nhưng Nam không dùng là chuối và cam. Người Nam phát âm chuối như “chúi” nên kiêng không dùng vì sợ vận xui, đi xuống không phát lên được. Còn cam thì để tránh câu “quýt làm cam chịu” nên cũng không dùng.
|
Mâm ngũ quả kiểu miền Nam với sung, dừa, xoài. Ảnh minh họa. |
Chịu ảnh hưởng của cả văn hóa Bắc và Nam, miền Trung bày mâm ngũ quả đơn giản hơn, có gì dùng nấy không câu nệ nên trong mâm ngũ quả có cả dừa, đu đủ, mãng cầu và lại cũng có thể có chuối, bưởi, cam quýt...
Ngoài ra, còn có một số loại quả khác cũng được sử dụng và cũng có những ý nghĩa riêng. Chẳng hạn, quả lựu thể hiện mong muốn đông con, nhiều cháu; quả đào là thăng tiến, quả táo to, đỏ là phú quý, quả hồng, quả quýt, quả cam canh chín đỏ là mạnh mẽ, thành đạt, quả thanh long là rồng mây gặp hội, quả dưa hấu, quả bưởi căng tròn hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn, quả trứng gà (lekima) là lộc trời.
Ngày nay, do thị trường rộng mở, các loại hoa quả rất nhiều, ngoài quả trong nước còn có nhiều loại quả nhập khẩu nên người dân có nhiều lựa chọn để trang trí mâm ngũ quả hơn. Mâm ngũ quả ngày nay có thể không chỉ còn 5 quả mà đến 10 loại quả hoặc hơn thế. Tuy vậy các loại quả truyền thống cơ bản như trên vẫn là chủ đạo.
Khi chuẩn bị quả để sắp mâm ngũ quả, mọi người lưu ý nếu rửa thì nên để thật khô nước hoặc lấy khăn lau nước đi rồi hãy bầy mâm để tránh quả vì bị ướt mà dễ thối trong ngày tết thì thật không vui chút nào. Một điểm nữa là mâm ngũ quả thường chuẩn bị từ trước tết vài ngày cho nên đừng mua các loại quả đã chín hẳn để các quả không bị chín quá thành nẫu ngay trên bàn thờ ngày tết.