Nghẹn lòng vì một lời chào của con cháu

Google News

(Kiến Thức) - "Mình ngồi đây, chúng nó về chào ông, nhưng mắt đâu có nhìn mình, mà để ở nơi khác. Nhận một lời chào như vậy, còn buồn hơn cả việc không được chào...".

Đến thăm một người bạn vong niên, tôi ngạc nhiên thấy ông dựng một tấm bình phong nhỏ vừa đủ che khuất chỗ ngồi của ông bên bàn uống nước, ngăn cách với khoảng sân rộng, cũng đồng thời là lối đi chung của mấy gia đình con cái ông phía trong. Tôi thắc mắc, sao ông không để như cũ cho thoáng, ngồi thưởng trà có thể nhìn ra bên ngoài, trông thấy các con cháu đi về, vui chơi, ông lặng im một lúc rồi mới chậm rãi: "Tôi không muốn người khác phải miễn cưỡng chào tôi, còn tôi lại phải trả lời những điều miễn cưỡng".

Ảnh minh họa. 

Tôi sững sờ nhìn ông, vì thực tình, tôi chưa bao giờ nghĩ, việc chào hỏi bố mẹ, ông bà lại là một điều miễn cưỡng, ép buộc. Như đoán được suy nghĩ của tôi, ông khẽ mỉm cười, nhưng giọng bất chợt khàn đi, nghèn nghẹn: "Mình ngồi đây, chúng nó về chào ông, nhưng mắt đâu có nhìn mình, mà để ở nơi khác. Nhận một lời chào như vậy, còn buồn hơn cả việc không được chào. Có nghĩa là, vì ông là bậc trên, ông ngồi đó, về chạm mặt chẳng lẽ lại không chào hỏi, sẽ bị coi là mất dạy, bất hiếu. Thôi thì cứ hỏi một câu, mất gì. Cho nên, tôi chắn tấm màn này, để các cháu khỏi phải làm điều mình không thích, mà tôi cũng khỏi phải trả lời những câu chào rỗng tuếch, đau lòng lắm".

Tôi chợt nhớ tới bà cụ hơn trăm tuổi ở bên cạnh nhà tôi. Ngày ngày, cụ ngồi bên hiên nhà trông ra cổng. Chiều tới, các con cháu ríu rít đi về. Nhưng có người chào cụ, có người không. Mỗi lúc bị "lờ" đi như thế, cụ lại lẩm bẩm: "Có nặng nhọc câu chào đâu mà cũng chẳng thèm hỏi bà lấy một lời". Mọi người nghe, chỉ cười, bảo cụ tai nặng, chào cụ cứ phải nói to, lại thêm hỏi chuyện này chuyện kia mệt lắm".

Người trẻ vẫn thường cho rằng, tuổi già hay nghĩ ngợi, nhạy cảm quá mức, làm con cháu khó sống. Nhưng ngẫm lại, cái khát khao về tình cảm, nỗi sợ bị ngay chính người thân của mình lãng quên... đâu chỉ ở người già. Có điều, ở cái tuổi cận kề, đối diện với nỗi cô đơn, người ta mới thấm thía được điều đó. Và tôi luôn cảm thấy chua xót mỗi khi cụ bà nhà bên đọc câu ca: "Cười người chi lắm ngươi ơi, rồi mai tới tuổi 80 ngươi già". Giá mà, chẳng đợi đến già, chúng ta đã hiểu được...

TIN BÀI LIÊN QUAN:








ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Mai Nguyên

Bình luận(0)