Chẳng lẽ trộm vô nhà lấy cái xích đu, vốn được “trồng” vững chắc mấy tháng qua trên khoảnh sân gạch tàu? Thấy vết gạch lấp vội vàng sơ sài, Hồng hiểu ngay vấn đề. Cô định bấm điện thoại cho chồng, nhưng rồi ngán ngẩm cất máy đi. Nhổ cả cái xích đu đem cho ai đó, người rộng rãi, nhiệt tình với thiên hạ đến mức đó thì chỉ có Linh - chồng cô. Và cô chỉ có nước kêu trời.
Nhớ lại, đã nhiều lần những vụ việc kiểu như thế này xảy ra rồi. Bức tranh đang yên đang lành treo trên tường nhà, vợ chồng cũng phải bàn mãi mới quyết định mua vì nó tuy hợp với màu tường phòng khách nhưng giá quá đắt, thế mà khi một ông bạn đến chơi khen đẹp, Linh hỏi: “Ông thích không?”, ông khách gục gặc đầu nói thích, Linh gỡ ra tặng ngay. Ông bạn miền Bắc đi du lịch theo đoàn tranh thủ ghé nhà vợ chồng Hồng, định tối ra ga lên tàu theo đoàn về Hà Nội. Bạn cũng không thân lắm, nhưng chục năm mới gặp, ngay lập tức Linh giữ lại, bắt trả vé tàu, sai cậu em book vé máy bay - bằng tiền của mình, cho ông bạn ở chơi thêm, “miễn là mai ông có mặt ở nhà đúng giờ, vợ ông không thể nào trách được! Đêm nay phải nhậu với tôi...”, Linh đắc chí với tính toán “hợp lý hợp tình” của mình.
|
Ảnh minh họa. Văn Nguyễn |
Rồi lần khác, Hồng đi tìm chiếc máy may mới toanh còn chưa khui hộp, tính đem ra rảnh tự may mấy bộ váy mặc ở nhà cho vui, tìm mãi chẳng thấy đâu. Hỏi ra thì Linh đã đem cho bà ô sin nghỉ việc từ đời nảo đời nào. “Tưởng em không dùng thì cho người ta, có thấy đem ra may vá đâu?! Mà thời buổi này ai còn ngồi tự may đồ nữa”. Bộ ly để dành, cái quạt điện Hồng rút thăm trúng thưởng ở công ty hồi tết, bánh trung thu đối tác vừa tặng chưa kịp để dành phần ngon biếu ông bà... quay đi quay lại Linh đã cho “ai đó” chẳng biết. Chuyện những món đồ trong nhà được đem cho đi dễ dàng cả lúc “khuất mắt” lẫn lúc có mặt Hồng như thế đã là chuyện thường.
Không phải Hồng không phản ứng cái “tội” rộng rãi đến mức vô tư vô tâm của chồng, nhưng ban đầu anh còn thanh minh “nhà không dùng, cho khỏi phí”, rồi đến “nhà ít dùng, cho cho gọn nhà”, rồi tiếp tục “mình có thiếu đâu, cho người ta là quý”. Ban đầu Linh gãi đầu chống chế “anh không biết em còn cần đến nó”, sau đến “cho rồi, nói nhiều ích gì”, rồi tiếp “sống phải rộng rãi chứ cứ khư khư thế, của cải mà bằng tình cảm à”. Hồng dỗi, rồi đuối lý; giận, rồi cũng phải chịu. “Mà anh cho người thân thiết không sao, người chẳng mấy quen cũng sẵn lòng “nhà tôi có, để tôi mang cho, như thế là bao đồng”, Hồng nói vậy, anh gạt đi: “Thế người ta còn làm từ thiện với người không quen thì sao?!”.
“Vụ” nhổ cái xích đu này cũng vậy. “Bạn anh đang sửa lại cái sân cho con có chỗ chơi, anh cho cậu ấy, chứ nhà mình, từ hồi có cái xích đu ấy, có thấy em ngồi mấy đâu!”. Hồng chẳng biết nói sao...
Cho đi là điều tốt, Hồng nghĩ. Cô không phải người ích kỷ, nhưng không tránh khỏi chạnh buồn khi nhiều lần gặp những người biết tính Linh thế nên hay xin và lợi dụng. Còn anh, sự hào phóng ấy không ít lần là bởi tính sĩ diện, vô tâm.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: