Ngày còn con gái, Phượng xinh xắn, ăn nói duyên dáng, hoạt bát nên có nhiều chàng theo đuổi. Anh hơn Phượng một con giáp. Ở tuổi 36, vừa xấu lại già, người thì gầy nhẳng như cây tre miễu nên hồi đó anh bị xếp vào diện “ế”. Mỗi ngày sau giờ làm, anh đều ghé qua nhà Phượng. Vừa về nhà, mở cửa ra đã thấy anh ngồi uống nước, nói chuyện với bố mẹ, Phượng giận đỏ mặt tía tai. “Người đâu mà lì lợm, chai mặt”, Phượng nghĩ thầm. Nhưng cô chẳng có lý do nào để đuổi anh. Vì rõ ràng anh đến chuyện trò với cha mẹ chứ không hề ngỏ lời hay bóng gió tán tỉnh Phượng.
Mỗi ngày Phượng đều nghe bố mẹ khen anh là người hiền lành, tốt bụng. Mẹ cô còn ngâm nga: “Cha mẹ cho con thúng lúa quan tiền. Không bằng lấy được chồng hiền sướng thân”. Mưa dầm thấm lâu, Phượng cũng dần dà có tình cảm với anh. Từ khi yêu cho đến khi lấy, anh chưa một lần nói câu “anh yêu em”. Quen được gần năm, anh thưa với bố mẹ Phượng chuyện cưới xin. Phượng gật đầu, vậy là về làm vợ anh.
|
Ảnh minh họa. |
Tính anh ít nói, ngược lại Phượng lại là người nhanh miệng. Mỗi lần đi đâu, cô cũng phát rầu vì cái miệng luôn ngậm tăm của chồng. Anh là người giỏi kiếm tiền, nhưng không biết làm bất cứ việc gì trong nhà. Từ cơm nước, giặt giũ đến việc chăm sóc cho con cái đều một tay vợ lo liệu. Đến cả việc anh đi tắm, vợ cũng phải chuẩn bị sẵn bộ quần áo cho chồng. Những khi Phượng vắng nhà, anh và cô con gái chỉ biết ra tiệm ăn. Sửa nhà hay mua sắm bất cứ cái gì, nói chung tất tần tật mọi chuyện trong gia đình Phượng đều phải tự mình cáng đáng, lo liệu. Nhiều khi Phượng bảo thấy mệt mỏi và chán nản vô cùng. Không ít lần vì chuyện này mà hai vợ chồng hục hặc.
Nhiều lần Phượng nặng nhẹ so bì. Cô bảo chồng người ta yêu thương, quan tâm vợ hết mực. “Ông Xuân râu đầu hẻm sắm cho vợ từ quần áo đến giày dép. Vợ đi làm về là nhà cửa, cơm nước tươm tất, ai giống như anh”. Anh cười buồn, chống chế: “Thì anh đưa hết tiền lương cho em đó. Em thích gì thì lấy mua, anh đâu có cấm”. Phượng hờn dỗi, trách: “Cứ đưa ít tiền là xem như xong chuyện à?”. Anh im lặng. Hôm sau, Phượng thấy chồng xách về một cái bịch đen. Anh lẳng lặng bỏ dưới góc giường. Cô tò mò giở bịch ra xem. Một đôi dép nhựa. Cô khẽ mỉm cười, xỏ đôi dép mang thử. Cô nhăn mặt, cau có: “Mua đôi dép cũng không xong”. Phượng giở hai chiếc lên xem kỹ thì ra cùng một loại giống nhau nhưng chiếc to, chiếc nhỏ. Đến bữa cơm, cô nhỏ nhẹ nhắc chồng: “Sao anh mua dép mà không để ý số?”. Anh cười hiền lành, gãi đầu: “Đi vô chợ mua dép cho em ngại muốn chết. Đi cho lẹ chứ hơi đâu mà để ý”.
Phượng đem chuyện chồng “gà mờ” kể cho mấy cô bạn nghe, các chị cười vui vẻ. Nhưng sau đó, ai cũng gật gù, tấm tắc khen ngợi chồng Phượng. Tính ra, Phượng may mắn hơn đám bạn thân. Người than thở chồng lăng nhăng, người bảo chồng nhậu nhẹt, người thì chê chồng “kẹo”, người lại rầu vì chồng gia trưởng. Họ khen chồng Phượng siêng làm, hiền lành, lại yêu thương vợ con. Ngẫm lại, Phượng thấy đám bạn nói cũng có lý. Dù anh không giỏi việc nhà, không thể kề vai sát cánh với vợ lo toan những việc nhỏ to trong gia đình, chuyện con cái học hành hay ứng xử nội ngoại, nhưng gần mười năm chung sống, anh chưa bao giờ làm điều gì có lỗi với vợ. Một người chồng chung thủy, đi làm về là chỉ biết có vợ con, đối xử hiếu thuận với nội ngoại. Những lúc Phượng nóng nảy, vung vít, anh thường im lặng, nín nhịn vợ. Chờ khi vợ nguôi giận mới nhỏ nhẹ phân tích cho vợ hiểu đúng sai.
Sau khi “tám” xong với lũ bạn, Phượng về với một tâm trạng nhẹ nhàng. Trong góc nhà, anh đang cặm cụi bên cái máy tính cũ. Rõ ràng về chuyên môn, anh chẳng thua kém ai. Về độ siêng năng cũng thuộc dạng “cày ngày không đủ, tranh thủ cày đêm”. Nhìn chồng ngày làm việc ở công ty, tối lại nhận thêm máy tính về nhà sửa, Phượng thấy mình có lỗi khi bấy lâu luôn hằn học, trách móc chồng. “Anh có muốn ăn gì không để em đi chợ?”. Nghe vợ hỏi anh giật mình, nhìn vợ ngạc nhiên. Phượng cười tủm tỉm đi vào bếp. Trên đời chẳng ai sinh ra là thập toàn thập mỹ, điều quan trọng là cô có nhìn thấy những điểm “hoàn hảo” trong tính cách của một người chưa hoàn hảo như anh.