Cụ ông truân chuyên “yêu lần nữa“

Google News

Chặng cuối cuộc đời, hai người đều lẻ chiếc, tình xưa trỗi dậy, họ tìm đến với nhau, mong muốn được bên nhau...

Chuyện các cụ góa vợ, góa chồng muốn đi bước nữa dường như là điều nghịch lý, khó chấp nhận với con cháu. Nhưng tình yêu luôn có lý lẽ riêng của nó… Nhu cầu chính đáng của các cụ mâu thuẫn với định kiến của con cháu, của xã hội và bao cảnh cười ra nước mắt cũng từ đó mà phát sinh.
Yêu lần nữa
Ở vùng miền núi A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) có những người già cô đơn, dù con cháu đề huề nhưng vẫn băng rừng, vượt suối về ở với người tình để gần gũi, chăm sóc nhau khi tuổi xế chiều… Chuyện của bà Tuyết – ông Quỳnh Hoàng là một ví dụ.
Một ngày sau khi đi chợ về, bà Tuyết họp các con, tuyên bố là không ở nhà nữa, sẽ về nhà ông Quỳnh Hoàng - một nghệ nhân làm khèn nức tiếng ở xã A Ngo để “tiện bề chăm sóc nhau”.
 Ảnh minh họa.
Ông Quỳnh Hoàng là một nghệ nhân làm khèn nổi tiếng không chỉ ở huyện A Lưới mà còn được các nghệ nhân vùng khác biết đến. Ông tâm sự: “Miềng biết Kăn Tuyết (bà Tuyết) đã lâu, từ hồi trai trẻ. Vợ miềng mất sớm, miềng ở vậy nuôi con khôn lớn. Hôm đó, miềng ngồi ở nhà, buổi chiều buồn mang khèn ra thổi, Kăn Tuyết nghe rồi theo về”.
Bà Tuyết giãi bày cũng mến ông Quỳnh Hoàng từ thời trẻ. Nhà bà với ông Quỳnh Hoàng vốn gần nhau. Rồi chiến tranh phiêu bạt, họ xa cách từ ấy. Chặng cuối cuộc đời, hai người đều lẻ chiếc, tình xưa trỗi dậy, họ tìm đến với nhau, mong muốn được bên nhau...
Tương tự, chuyện tình của cụ Mai Trọng Điệp (85 tuổi, trú xóm 6, xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) và người vợ ít hơn mình 35 tuổi cũng gây xôn xao một thời. Giữa năm 2010, trong một lần đi đám giỗ nhà hàng xóm, cụ Điệp gặp bà Cao Thị Thủy (50 tuổi). Vẻ hiền hậu, đoan trang của bà Thủy đã “hút hồn” cụ. Kể từ đó cụ ngày đêm “thầm thương, trộm nhớ” người phụ nữ này. Biết cụ Điệp có tình cảm đặc biệt với bà Thủy nên lũ trẻ con trong xóm thường xuyên trêu đùa, gán ghép hai người với nhau.
Con cháu cụ Điệp phản đối kịch liệt nhưng họ hàng của bà Thủy lại tán thành chuyện tình cảm của bà với cụ ông 85 tuổi. Được sự ủng hộ đó, cụ Điệp mừng rỡ chuyển hẳn đến ở nhà bà Thủy. Tuy nhiên, các con cụ Điệp vẫn không chịu, họ kéo đến nhà bà Thủy ép bố về. Để con cháu không thể ngăn cản mình nữa, cụ Điệp quyết định ra xã đăng ký kết hôn với “người thương”.
Qua hơn hai năm trời sóng gió, cụ Điệp và bà Thủy tổ chức một đám cưới nhỏ ấm cúng trước sự chứng kiến, chúc phúc của hàng xóm láng giềng. Hàng ngày, người dân thấy hai người cùng làm vườn, nấu ăn và chăm sóc nhau, rủ rỉ chuyện trò không khác gì các cặp vợ chồng trẻ.
Trân trọng những gì đã có trong tuổi xế chiều, nên các cung bậc tình cảm dành cho bà Thủy và những khó khăn, trở ngại hai người phải vượt qua trong quá trình xây dựng hạnh phúc, đều được cụ Điệp ghi lại trong nhật ký. Với cụ Điệp và bà Thủy, cuốn nhật ký chính là bằng chứng về tình yêu đẹp của hai người.
Lang thang… miễn có nhau trong đời
Cộng đồng từng xót xa khi hình ảnh đôi bạn tình co ro đón Tết ở gầm cầu vượt Ngã Tư Vọng (Hà Nội) vì bị các con “cấm duyên”. Câu chuyện mà cụ ông Chu Quang Hậu (SN 1933) chia sẻ khiến không ít người ngậm ngùi.
"Tổ ấm” dưới gầm cầu của cụ Chu Quang Hậu dịp Tết Nguyên đán 2014.
Sau khi người vợ qua đời, các con lớn khôn, cụ Hậu bán toàn bộ gia sản, đất đai và chia đều cho các con. Cụ về ở với con cả được một thời gian thì quen bà Nguyễn Thị Hợp (SN 1958). Hai người lẻ đôi đến với nhau bằng tình thương, sự cảm thông, chia sẻ nhưng khi hay tin, họ bị các con cụ Hậu phản đối quyết liệt. Những người con còn tuyên bố, nếu cụ lấy bà thì sẽ phải tự lo, tự chịu trách nhiệm.

Thế nên, suốt 14 năm, đôi vợ chồng già rời mảnh đất chôn nhau cắt rốn Sơn Tây, lang thang phiêu bạt, khi Hà Nội, lúc Hòa Bình. Công việc của họ là làm mướn, nhặt rác... Nhưng chân bà Hợp ngày càng bị sưng tấy và đau nặng, không đi lại được nên cụ Hậu phải ở cạnh trông nom bà, không đi nhặt rác, làm thuê nữa. Tết Nguyên đán Giáp Ngọ vừa qua, hai ông bà quyết định đưa nhau ra khu vực cầu vượt Ngã Tư Vọng sống qua ngày. Trước cảnh ngộ éo le của đôi bạn già, lãnh đạo phường sở tại đã tạo điều kiện đưa hai người vào Trung tâm Bảo trợ xã hội số 1 chăm sóc.
Trước đó mấy năm, dư luận “nổi sóng” khi một trang báo điện tử đăng tải loạt bài về chuyện tình của “nàng 87 và chàng 36”. Thậm chí lãnh đạo địa phương đã phải vào cuộc nhiều lần để tìm hiểu thực, hư chuyện tình này. Giàng A Linh - người tình trẻ của cụ bà được đưa xuống Hà Nội, khám tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai và được kết luận không hề mắc bệnh tâm thần.
Năm 2013, cụ bà Hạng Thị Sông bị “nhốt” ở nhà con trai. Dù cụ Sông và anh Linh giãi bày thực sự có tình cảm với nhau nhưng con cụ vẫn ái ngại cho rằng: “Mẹ mình già rồi mà vẫn thích trai trẻ, làm xấu mặt cả nhà. Nhà ta ngượng với làng bản lắm rồi”…
Đủ “chiêu”… tìm vợ
Ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Thiên Đức (Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, Trung tâm của ông có gần 200 cụ già tuổi từ 50 trở lên, trong đó có nhiều người vẫn còn khỏe mạnh (chiếm khoảng 20%). Trong số những cụ tới Trung tâm có một câu chuyện hy hữu làm ông nhớ mãi.
Đó là chuyện cụ ông đã ngoài 70 tuổi, có điều kiện kinh tế khá giả, con cháu đề huề, nhưng cụ vẫn không cảm thấy vui vẻ, thoải mái bởi người vợ, người bạn tri kỉ của cụ đã mất, để cụ phòng không lẻ bóng.
Vài năm sau khi vợ mất, không chịu được cảnh cô đơn, cụ có ý định tái hôn với người phụ nữ góa bụa kém mình chục tuổi cùng sinh hoạt trong câu lạc bộ dưỡng sinh của phường. Tuy nhiên, mong muốn này của cụ bị con cháu phản đối kịch liệt vì cho rằng ở cái tuổi thất thập mà cụ còn kết hôn thì chẳng khác nào làm trò cười cho thiên hạ. Họ tìm mọi cách cách ly cụ với “đối tượng”, đồng thời ra sức khuyên răn cụ phải “giữ gìn” để không gây ảnh hưởng đến con cháu.
Một bên là tình riêng, một bên là con cháu, cụ chọn giải pháp vào trại dưỡng lão để có cơ hội sống như ý mình. “Cụ đã chủ động đề nghị các con đưa vào trại dưỡng lão cho đỡ buồn, nhưng kỳ thực là cụ muốn tìm được bạn tâm giao” - ông Ngọc cho hay.
Con cháu cụ sau một thời gian thấy tinh thần cụ phấn chấn hẳn lên nhờ được ở bên “bạn lòng” nên đã chấp nhận cho cụ “cặp kè” với người phụ nữ kia. Thậm chí, con cháu hai bên gia đình còn gặp mặt, thống nhất để hai cụ nương tựa vào nhau lúc về già vì “con chăm cha không bằng bà chăm ông” và hai cụ đã được đàng hoàng về ở với nhau.
Ông Ngọc cũng chia sẻ, thực tế không ít cụ bị con cháu gửi vào trung tâm chăm sóc người cao tuổi là để cách ly với người tình. Sự thiếu cảm thông, thái độ gay gắt của con cháu nhiều khi đẩy các cụ vào tình thế “cười ra nước mắt”. Đơn cử có trường hợp cụ ông đòi cưới cô bán phở bằng tuổi con mình. Khi con cái ngăn cản quyết liệt, cụ đã lén lút “đi lại” với cô này khiến cả khu phố được dịp xôn xao bàn tán, còn con cháu đau đầu vì nghĩ rằng “cụ càng già càng mất nết!”.
Còn nhiều chuyện cảm động và cả chuyện bi hài về những người đơn bóng lúc tuổi già tự xoay xở trên đường tìm kiếm người tình, vừa để có bạn tâm giao, vừa đáp ứng nhu cầu tình dục. Phòng Cấp cứu, Phòng khám nam khoa của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội không ít lần tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân trên 50 tuổi, thậm chí gần 60 tuổi bị tổn thương vùng kín hoặc gặp các sự cố khác vì quan hệ tình dục...
Các nhà tâm lý xã hội cho rằng đã tới lúc xã hội cần thay đổi cách nhìn nhận cực đoan để giúp người cao tuổi có thêm cơ hội hiện thực hóa nhu cầu chính đáng của mình một cách đàng hoàng, như một lẽ thường trong cuộc sống hiện đại…
Theo Pháp Luật Online

Bình luận(0)