Làm sao với trái tim khuyết?

Google News

Sự khiếm khuyết trong trái tim người lớn còn đáng sợ gấp nghìn lần.

Sau đám cưới một năm, chị sinh cho anh một cậu con trai bụ bẫm. Ngày đầy tháng con, nhà chị làm đến hơn chục mâm ăn mừng đứa cháu đích tôn, mai sau sẽ là trưởng họ.
Nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Con lên hai, thấy con vẫn chưa bi bô tập nói, mẹ gọi không quay lại, trẻ con trong ngõ đông lắm nhưng nó chẳng chơi với ai, cứ thơ thẩn một mình, hay đập đầu xuống đất ăn vạ. Linh cảm của người mẹ nhắc chị là con chị đang có điều gì đó khác thường. Chị đưa con đến bệnh viện, sau rất nhiều lần thăm khám, các bác sĩ kết luận con trai chị mắc hội chứng tự kỷ.
Ngày đó, mơ hồ về bệnh của con, chị cứ nghĩ kiên trì chữa trị rồi con sẽ khỏi. Nhưng, khi nghe bác sĩ giảng giải và lên mạng tìm hiểu, chị thực sự sốc. Chị nằm bẹp bốn - năm ngày trời, hai mắt sưng húp vì khóc thương con. Lúc con mới chào đời, ngắm khuôn mặt sáng ngời của con, chị đã hy vọng rất nhiều. Vậy mà trước mắt chị giờ chỉ còn là một màu xám xịt.
Ảnh minh họa. 
"Không có thuốc để chữa trị nhưng chị có thể làm được nhiều điều để cải thiện cho tình trạng của con mình". Nhớ lời bác sĩ, chị gượng dậy, lao vào cuộc chiến giành lại cuộc sống cho con. Chị không ngờ, cuộc chiến đó lại nhiều cam go, thử thách đến vậy. Những lúc chứng kiến con lên cơn “bùng nổ”, gào khóc, đập đầu, cắn xé bất cứ những gì nhìn thấy, tim chị như ứa máu. Người đàn ông mà khi bước chân theo về làm vợ, chị cứ nghĩ sẽ đồng cam cộng khổ với mình trong mọi hoàn cảnh, khi biết sự thật về con, đã buông tay, bỏ mặc chị đơn độc vật lộn với căn bệnh của con.
Anh ấy cần thêm thời gian để chấp nhận chuyện này. Lúc đầu, chị tự an ủi mình như vậy, nhưng càng ngày chị càng nhận rõ sức nặng đang đè lên vai mình. Không chỉ con mà còn chồng, còn gia đình chồng. Họ trách móc, đổ lỗi cho chị lúc mang thai, rồi lúc sinh con không xem ngày giờ cho kỹ nên mới ra cơ sự này. Chị cố dằn lòng giải thích, chỉ mong nhận được một sự thông cảm nhưng vô ích. Có lần thằng bé lao đầu vào tường, chị gồng mình giữ con lại, thằng bé giãy giụa, gào khóc. Bố nó từ trong phòng chạy ra chỉ mặt hai mẹ con, mắng:
- Cái nhà này không có giờ phút nào yên ổn cả. Ngày mai đưa nó vào viện tâm thần đi.
Thằng bé sau một hồi vật vã đã thấm mệt nằm bẹp xuống. Chị cũng đổ gục. Thằng bé lại phá lên cười sằng sặc một cách vô thức. Nó đâu biết trái tim mẹ nó đang tan nát.
Dạo gần đây bố nó ít về nhà. Khi thì ngủ bên nhà nội, khi thì ngủ lại cơ quan. Có khi bù khú với bạn bè rồi say xỉn qua đêm ở đâu đó. Ở đó, bố nó có thể ngủ ngon mà không bị làm phiền, không bị đau đầu nhức óc vì tiếng la hét của thằng con. Còn mẹ nó, lúc nào cũng tất bật, hết giờ làm việc là cuống cuồng lao đến Trung tâm Can thiệp trẻ tự kỷ đón con. Về đến nhà là một lô lốc công việc chờ sẵn: dọn dẹp, tắm cho con, bón nó ăn, dỗ nó ngủ, rảnh ra là lại ngồi soạn giáo án dành riêng cho đứa con đặc biệt. Có hôm hai mẹ con đang đi giữa đường, đến ngã tư đèn đỏ, mẹ vừa dừng xe, là con nhảy xuống chạy vụt đi. Mẹ nó vứt xe, vừa đuổi theo con, vừa khóc trước ánh mắt hiếu kỳ của người qua đường. Với mẹ nó bây giờ, một giấc ngủ trọn vẹn là chuyện xa xỉ.
- Bố nó đã vô trách nhiệm như thế rồi, sao chị không bỏ quách đi?
- Nói thì tàn nhẫn nhưng giờ chị vẫn phải dựa vào bố nó để có tiền can thiệp cho con em ạ. Chi phí hàng tháng của con tốn kém lắm. Sinh ra một đứa con khiếm khuyết là nỗi lo lắng, sợ hãi của các ông bố, bà mẹ, nhưng sự khiếm khuyết trong trái tim người lớn còn đáng sợ gấp nghìn lần.
Chị quay mặt đi, lau nước mắt.
Thằng bé đang ở trong phòng chạy ù ra. Mẹ nó kéo nó ngồi xuống khoe những “chiến công” vừa lập được, đôi khi biết gật đầu - đồng ý, biết lắc đầu - từ chối hoặc lắp bắp, ú ớ một tiếng chào. Khuôn miệng xinh xắn mãi vẫn chưa thể động đậy, nhưng đôi mắt to tròn, trong veo không còn lảng tránh, thờ ơ như trước nữa. Ánh mắt ấy đang thắp lên những tia hy vọng về những điều tốt đẹp cho người mẹ…
Theo Phụ Nữ TP HCM

Bình luận(0)