Về quê dự đám cưới, lúc khởi hành về lại thành phố thì xe chết máy. Nghe tài xế bảo sửa xe mất vài tiếng, mọi người đành ghé vô quán nước mía bên đường cho đỡ ngột ngạt. Được anh chủ quán vui vẻ gợi ý, mấy ông ra chợ gần đó mua hải sản và thùng bia về lai rai giết thời gian.
Vợ ra sau quán rửa mặt, loáng thoáng nghe chị chủ quán cằn nhằn anh chồng. Thì ra, chị đòi tính tiền công luộc mấy ký nghêu sò vì quán bán nước mía chứ không phải quán nhậu, hơi đâu làm giùm. Anh chồng vặc lại: “Bạn thằng D. cũng như bạn mình, anh em không mà tính toán gì? Lâu lâu người ta ở thành phố xuống chơi mà!”. D. là tên chú rể mình vừa dự đám cưới, nhà chỉ cách đó mảnh vườn. Cái kiểu “tình thương mến thương” của anh chủ quán khiến mọi người thích thú vì sự hiếu khách, nồng hậu của người dân ở quê, nhưng là phụ nữ, mình lại cảm thông với người vợ hơn. Việc buôn bán rồi nhà cửa, con cái đã khiến chị tất bật lắm rồi, trông chị lam lũ thế kia mà!
|
Ảnh minh họa. |
Đã vậy còn phục vụ đám khách nhậu bất đắc dĩ, chưa kể phải bỏ gia vị, củi lửa, công sức nấu, nhậu xong cả đám bỏ mớ lộn xộn lại cho chị dọn, chị bực cũng phải. Cứ vài ngày lại gặp một đám bạn nhậu của ông chồng, hiếu khách kiểu này cũng đủ mệt. Khi mình dúi ít tiền làm quà, chị cầm nhưng vẫn chưa thôi ấm ức ông chồng. Chị bảo đây không phải lần đầu anh tỏ ra hào phóng thế; dù nhà nghèo rớt mùng tơi, nhưng hễ gặp bạn nhậu hay khách thân, sơ gì đều muốn “chơi đẹp”, kiểu “dân chơi sá gì mưa rơi”! Mình biết chị đã và sẽ còn khổ dài dài bởi mình cũng có một ông chồng ưa hào sảng kiểu ấy.
Hồi yêu nhau, vợ rất cảm động trước sự rộng rãi của chồng. Nhớ lần cậu đồng nghiệp kể việc nhà trọ cậu ở bị trộm dọn sạch, dù khi kể lại cậu ấy không có ý nhờ giúp đỡ, nhưng chồng đã vét sạch túi đưa hết cho cậu ấy. Lúc ấy chồng đi về dọc đường lỡ xe hết xăng chắc chỉ có nước dẫn bộ. Đứa em đi Hàn Quốc về cho vợ hộp sâm quý, đem ngâm rượu làm thuốc chưa kịp uống. Có lần, bạn tới chơi, chồng lôi bình rượu sâm ra đãi. Vợ đi vắng, về phát hiện thì hỡi ôi... bình rượu đã cạn tới đáy! Nói ra thì mang tiếng hẹp hòi, nhưng vợ cứ tiếc hộp sâm quý có tiền cũng khó mua ở đây được. Rút kinh nghiệm, những gì quý giá nhưng có “nguy cơ” cao vợ đều giấu khỏi tầm mắt chồng. Dẫu sao, sự hào phóng của chồng với những món vặt vãnh ấy cũng chưa phải là “đỉnh”.
Hôm rồi chị chồng lên chơi, chị cứ tấm tắc khen bộ sofa nhà mình đẹp và chặc lưỡi “chắc bộ này mắc lắm!”. Chị vừa khen xong câu thứ hai thì chồng tiếp luôn: “Chị thích thì cứ lấy về xài, tụi em mua bộ khác”. Dù chị cứ khăng khăng không lấy nhưng sau khi chị về, chồng kêu xe chở bộ sofa về nhà chị luôn. Vợ thắc mắc cho chị thì lấy gì xài, vì giá trị chiếc sofa không nhỏ, mà mình đâu khá giả gì để chồng liên tục “chơi đẹp” như thế? Chồng cười hề hề bảo cho chị chứ có cho người ngoài đâu mà tiếc. Ủng hộ chồng thì mình thiệt, mà phản đối thì thấy mình nhỏ nhen. Tình huống nào cũng khó cho vợ.
Cứ nghĩ cả vợ lẫn chồng đều có tuổi thơ cơ cực nên chồng hiểu hơn ai hết cái khổ của sự thiếu thốn. Chồng từng kể về ba chồng với ý trách móc, lúc nào cũng hào phóng với chiến hữu, bạn bè, trong khi mẹ chồng phải chật vật lo cho con. Vậy mà cái “gen” ấy như đã ăn sâu vào máu chồng. Bớt lại chồng ơi, nếu không muốn nhà mình có ngày sạch sành sanh chỉ vì cái tính hào sảng của chồng!