Chồng bạt tai, vợ nộp đơn!

Google News

Thực ra, họ làm vậy chỉ là để thỏa mãn cái tôi quá lớn của bản thân, để dằn mặt chồng, mà quên mất “cái thiệt” đi liền sau đó.

Dù vẫn yêu chồng, vẫn muốn vợ chồng gắn bó, nhưng đụng chuyện lớn nhỏ gì cũng đòi ly hôn có vẻ như đã thành thói quen của không ít bà vợ. Thực ra, họ làm vậy chỉ là để thỏa mãn cái tôi quá lớn của bản thân, để dằn mặt chồng, mà quên mất “cái thiệt” đi liền sau đó.
Chồng bạt tai, vợ nộp đơn!
Mới đây, Tòa án nhân dân Q.Cái Răng (TP. Cần Thơ) đã xét xử vụ đơn phương xin ly hôn của chị Nguyễn Thị Diệu.
Theo chị Diệu, năm 2007, chị kết hôn với anh Dương Hoàng Thái, chung sống được hai năm thì bắt đầu phát sinh mâu thuẫn, vợ chồng thường xuyên cãi vã. Anh Thái hay rượu chè, cờ bạc, không chí thú làm ăn, không quan tâm, lo lắng cho gia đình, bỏ bê nhà cửa, con cái. Dù vợ đã nhiều lần khuyên nhủ nhưng Thái vẫn không chịu sửa đổi, thậm chí còn đánh cả vợ.
Trái với những gì vợ “tố”, anh Thái cho rằng nguyên nhân vợ anh xin ly hôn là do anh lỡ bạt tai vợ và đó cũng là lần đầu tiên anh đánh vợ. Anh kể, anh sống chung với gia đình nhà vợ nên đôi khi có nhiều chuyện đụng chạm, bực bội trong lòng không nói ra được. Diệu đã không thông cảm, chia sẻ với chồng mà còn dựa thế nhà cha mẹ mình “bắt chẹt” anh. Mỗi lần vợ chồng cãi nhau, dù lớn hay nhỏ Diệu cũng đòi ly hôn. Biết tính vợ chỉ dọa chứ không làm thật nên anh Thái luôn nhịn cho trong ấm ngoài êm. Vừa rồi, vợ chứng nào tật ấy, nóng quá không kiềm chế được, anh lỡ đánh chị một bạt tai. Vậy là chị đùng đùng viết đơn ly hôn bắt anh ký. Anh đã xuống nước năn nỉ chị suốt cả tuần mà chị vẫn nộp đơn ra tòa. Thật lòng anh Thái vẫn thương vợ con, vẫn hằng ngày phụ vợ chăm lo kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái và chưa có khoảng thời gian nào vợ chồng anh mâu thuẫn đến độ phải ly thân. Đến nước này thì chị Diệu mới lí nhí thừa nhận vẫn còn tình cảm với chồng, hai vợ chồng vẫn “ăn chung, ngủ chung” với nhau dù đã nộp đơn xin ly hôn.
Ảnh minh họa. 
Những trường hợp chuyện bé xé ra to như chị Diệu không hiếm. Theo một vị thẩm phán của tòa này, thông thường cứ mười vụ xin ly hôn thì có một vụ không nhằm mục đích ly hôn mà chỉ muốn “dằn mặt” bạn đời. Đối với những cặp đôi này, khi hòa giải, chỉ vài ba câu hỏi là nhận ra nội tình ngay và thường sau phiên hòa giải, người trong cuộc xin rút lại đơn. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào tòa “nhận ra” thì cũng hòa giải thành công, nhất là khi “đối phương” cảm thấy bị tổn thương và chuyện đã vượt ngưỡng chịu đựng của họ.
Già néo đứt dây
Là trường hợp của vợ chồng anh Nguyễn Thanh An và chị Trần Thu Thủy (Q.Tân Phú, TP.HCM). Cho rằng chồng không chung thủy, thường xuyên đi sớm về muộn bỏ mặc vợ con và có thái độ vũ phu với vợ, chị Thủy đơn phương nộp đơn xin ly hôn. Anh An tuy không ký vào đơn nhưng khi ra tòa, anh lạnh lùng gật đầu, mong muốn được ly hôn. Trước tòa, khi chị Thủy kể không kịp thở về “tội lỗi” của chồng, anh vẫn giữ thái độ im lặng, chịu đựng. Có lẽ nhận ra sự “bất thường” nên chủ tọa liên tục đặt ra những câu hỏi gợi mở, chia sẻ dành cho anh, anh vẫn không một lời biện minh. Tòa nhiều lần khuyên anh và chị suy nghĩ lại, anh lạnh lùng, dứt khoát. Cuối cùng, tòa phải tuyên bố chấp thuận cho anh chị ly hôn. Chị Thủy òa khóc nức nở.
Gặp anh An sau phiên tòa, anh tâm sự, sức chịu đựng của mỗi người có hạn nhưng vợ anh đã không nghĩ đến điều đó. Lần đầu tiên vợ đòi ly hôn, anh rất buồn và hụt hẫng. Lần thứ hai anh không buồn nữa mà lại thấy đau vì vợ không tôn trọng anh, xem thường cuộc sống vợ chồng. Rồi lần ba, lần bốn… mà lần nào nguyên nhân cũng chỉ từ những việc cỏn con trong nhà, như việc chị nhờ anh trên đường đi làm về mua giùm chị mớ rau, anh lỡ quên. Chuyện nhỏ xíu mà chị càm ràm cả buổi, bực bội anh quát lại, vậy là chị bù lu bù loa đòi thôi nhau. Hay như chuyện chị soạn ra bản phân công công việc nhà, từ chuyện ủi đồ, rửa chén đến lau nhà cũng phó cho chồng. Anh không đồng ý, chị cay cú: “Vậy thì thôi đi, anh kiếm con khác về mà hầu hạ”.
Rất nhiều chuyện tương tự như vậy, anh An phải nhẫn nhịn cho qua. Công việc của anh phải thường xuyên tiếp đối tác sau giờ làm, trước khi cưới chị cũng biết rõ điều đó, nhưng vẫn hoạnh họe chồng. Lần nào anh về muộn chị cũng mặt nặng mày nhẹ, anh gọi cửa phải chờ hơn nửa tiếng chị mới ra mở. Hôm rồi không kiềm chế được, vợ chồng cãi vã, anh lỡ nặng lời, chị khăn gói bỏ về bên ngoại không quên để lại tờ đơn xin ly hôn trên bàn. Cho đến khi có giấy mời của tòa anh mới biết chị còn viết thêm một lá khác gửi tòa. Anh đã tìm gặp chị khuyên nên rút lại đơn, nhưng chị cự tuyệt, thách thức. Anh thở dài: “có lẽ đến lúc tôi phải chấp nhận sự mất mát này”.
Có đặt mình vào vị trí của đối phương, mới cảm nhận được hết mức độ tổn thương của việc “hở ra là đòi ly hôn”. Thế nhưng, khi “máu nóng” đã bốc lên, ít ai chịu đặt mình vào vị trí của người khác mà thường hành xử theo bản năng nhằm thỏa mãn cái tôi của mình. Những giọt nước mắt muộn màng của chị Thủy sau phiên tòa đã không còn cứu vãn được gia đình.
Quên để vượt qua “cái nư”
Theo tiến sĩ Võ Văn Nam, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, sử dụng chiêu “đòi ly hôn” hoặc đơn phương nộp đơn xin ly hôn để dọa người bạn đời thì chẳng khác nào đang chơi dao hai lưỡi, người đứt tay đầu tiên là người cầm dao. Mặt khác, việc vợ chồng đang chung sống với nhau, giận dỗi đòi ly hôn cũng là một hành động xúc phạm, không tôn trọng bạn đời. Tâm lý đàn ông thường hiếu thắng nên đừng bao giờ thách thức họ. Ban đầu họ cũng không muốn ly hôn, nhưng nếu cứ bị vợ thách thức, chắc chắn sẽ nổi tự ái, “muốn tới đâu thì tới”. Vì thế, nếu thật sự không muốn gia đình đổ vỡ, con cái bơ vơ thì người trong cuộc nên biết kiềm chế cảm xúc.
Thực tế, việc “lạm dụng” này chỉ là giải pháp bất đắc dĩ của các bà vợ, trong một lúc không kiềm chế được, nhằm giải tỏa nỗi ấm ức của mình. Việc này thường xảy ra đối với những phụ nữ không làm chủ được cảm xúc. Ngay từ đầu, họ đã mang cảm giác bị thiệt thòi trong gia đình và luôn có tâm lý muốn "vùng lên". Tiến sĩ Võ Văn Nam chia sẻ thêm, do cuộc sống hằng ngày phụ nữ thường chịu nhiều áp lực, vừa đi làm, vừa chăm sóc con cái, nhà cửa, thậm chí còn chăm luôn cả chồng. Trong khi đó, ông chồng chỉ mỗi việc đi làm rồi về xem ti vi, đọc báo, rảnh rỗi thì tụ tập với bạn bè. Suy nghĩ mình đang phải chịu đựng bất công đã vô tình khiến chị em nghĩ đến những điều tiêu cực như ly hôn, ly thân.
Theo tiến sĩ Nam, để tránh được tình trạng mỗi lần “bốc hỏa” là mỗi lần đòi ly hôn, trước hết người phụ nữ phải tạm quên đi cái gọi là bất công, thiệt thòi của bản thân. Đừng nghĩ đến đổ vỡ mà hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp phía trước: một gia đình êm ấm, hòa thuận, con cái ngoan hiền... Khi ấy, tự thân mỗi người sẽ thấy trân trọng hơn cuộc sống hôn nhân, trân trọng bạn đời. Chị em đừng tự ám thị mình đang chịu thiệt thòi vì lâu dần điều đó sẽ hình thành những suy nghĩ tiêu cực trong tiềm thức.
Ông bà ta có câu “chén trong sóng còn khua”, vợ chồng không thể tránh khỏi những xung đột, quan trọng là phải biết kiềm chế và biết dừng đúng lúc, đừng để chén nước đổ đi rồi không thể hốt đầy lại được.
Theo Phụ Nữ TP HCM

Bình luận(0)