Chị và chồng con đang sống chung dưới một mái nhà. Thỉnh thoảng những đám tiệc của họ hàng, vẫn thấy hai vợ chồng cùng nhau đi dự. Chị ca ngợi chồng, anh quan tâm chăm sóc vợ. Thế nhưng, về đến nhà là mỗi người một phòng riêng.
Những tưởng chuyện thỏa thuận ly thân là chuyện của riêng vợ chồng, nhưng dần dần cả nhà đều biết. Cơm nước đã có người giúp việc, chị không phải tất bật bếp núc, nhưng giờ ăn cơm chung cũng bị “vi phạm” thường xuyên. Có lúc anh về đúng giờ nhưng ngồi ăn một mình, chị về trước, đã ăn xong lên phòng đóng cửa. Cái ti vi chung của cả nhà ở phòng khách, khi anh cầm lấy cái remote là chị đứng dậy rời phòng. Tuần trước, anh mua cùng lúc ba cái ti vi, thợ đến nhà đục tường gắn dây ầm ĩ. Vậy là bây giờ bốn phòng bốn người có bốn cái ti vi, cha mẹ con cái mỗi người theo một chương trình riêng. Anh đùa một câu đắng nghét: “Mai mốt ly hôn nhớ ba cái ti vi này là của anh mua nha!”.
|
Ảnh minh họa. |
Chuyện cái ti vi là nhỏ, chuyện mấy cái nhà của chị mới thật khó khăn. Vợ chồng ly thân vì chồng bồ bịch liên miên, chị thề không bao giờ nhúng tay vào đời “thằng chả” lần nữa, nhưng vì con cái, chị đồng ý không ly hôn, chỉ ly thân. Sống chung dưới một mái nhà, nhưng một người làm một người phá. Chị chứng kiến “thằng chả” bán chiếc xe SH, rồi một ngày bộ salon gỗ quý trong nhà cũng lên đường. Giấy tờ nhà chị gửi ngân hàng, nhưng đồ đạc vật dụng trong nhà dần dần bay biến. Rồi chủ nợ đến vây nhà đòi chém; em út xanh đỏ õng ẹo tới nhà kiếm anh Hai xin tiền… Chị cắn răng chịu đựng. Trời cho chị làm ra tiền, chị cất riêng, mua nhà mua đất, nhờ em út họ hàng đứng tên. Gần mười mấy năm, mấy lần bỏ tiền chuộc nợ, đến khi con cái ra riêng, chị quyết định nộp đơn ly hôn thì mới choáng váng: tài sản chung thì phải chia, tài sản riêng thì có nguy cơ bị người ta giựt mất. Chị viết cho Hạnh Dung một lá thư dài đẫm nước mắt: biết vậy ngày xưa chặt một nhát cho đứt, đỡ mười mấy năm trời còng lưng làm cho “thằng chả” hưởng không…
Điều đáng sợ là ly thân đang dần trở thành một hình thức hôn nhân phổ biến. Giận dỗi, gây gổ: ly thân. Không còn tình cảm nhưng sợ con cái dị nghị, sợ ảnh hưởng vị trí xã hội, sợ đổ bể công việc làm ăn: ly thân. Phát hiện ngoại tình: ly thân. Và đôi khi, chỉ là mệt mỏi không hào hứng với đời sống vợ chồng, cũng ly thân… Người ta chỉ nghĩ đến việc miễn là vẫn còn chung một mái nhà, vẫn còn có trách nhiệm với con cái, họ hàng, vẫn đóng vai gia đình tròn vẹn trước mắt thiên hạ. Người ta quên đi những hệ lụy âm thầm sẽ đến, sẽ diễn tiến, sẽ biến cuộc sống chung thành một cuộc tồn tại vật vờ, lãng xẹt, trong đó hai cá thể của hôn nhân quen dần với những hờ hững, lạnh nhạt và dần trở nên vô cảm với nhau.
Hạnh Dung ấn tượng sâu sắc với một lá thư, trong đó người phụ nữ hỏi mình có nên chọn giải pháp “ly thân mãi mãi”, vì chị không muốn mang tiếng bị chồng bỏ, nhưng cũng không còn yêu thương gì chồng. Chẳng biết đến giờ người phụ nữ ấy có còn nghĩ “mãi mãi” chính là cả cuộc đời mình hay không.
Bốn cái ti vi cùng mở một giờ trong một ngôi nhà, nỗi chia cắt đã sâu hơn nhiều so với người ta nghĩ. Chỉ vì cảm giác còn chung một lối vào nhà, nên người ta không cảm thấy lo lắng lắm khi thời gian trôi qua. Không lo lắng nên mặc kệ, không ai nỗ lực để hàn gắn lại mọi chuyện, để mở lòng ra với nhau, để chăm sóc và được chăm sóc, để yêu thương và được yêu thương. Cứ thế, những chương trình khác nhau nối tiếp giết hết thời gian của họ, mà không ai buồn tìm kiếm một mối quan tâm chung, để có thể mở một cái ti vi cho cả bốn người cùng chia sẻ một chương trình…
Những cuộc ly biệt xưa nay đều có lúc kết thúc, hoặc là trùng phùng, hội ngộ, hoặc mất hẳn đời nhau. Xin đừng để mình trong tâm thế đợi mãi một cuộc chia ly, để rồi người đứng cứ đứng, người đi không đi mà cả đôi đều bạc tóc. Mọi thứ đều cần có “deadline”. Cuộc đời là hữu hạn, xin đừng lãng phí mình và lãng phí cả đời nhau…