Bộ trưởng Lê Văn Hiến qua lời kể của cháu ngoại (phần 2)

Google News

Lê Elena – cháu gái của cố Bộ trưởng Bộ Tài Chính Lê Văn Hiến mang một vẻ đẹp lai rất dịu dàng. Chị là kết quả của một mối tình Nga – Việt. 

Cha chị là con trai một Trung tướng Liên Xô (cũ), còn mẹ chị là Lê Thị Ngọc Ái, con gái duy nhất của cố Bộ trưởng Lê Văn Hiến với nhà cách mạng nổi tiếng xứ Quảng – Thái Thị Bôi.

Elena yêu cha mẹ mình như mọi người con khác, thế nhưng người Elena gắn bó nhất, không phải là cha chị, cũng không phải là mẹ chị, mà chính là ông ngoại chị, sự gắn bó mà chị vẫn nói là một mối nhân duyên đầy may mắn mà chị được số phận ban tặng khi sinh ra trong cuộc đời này.  

Một buổi sáng trước ngày giỗ Bộ trưởng Lê Văn Hiến, tôi ngồi uống trà trong ngôi nhà của gia đình cố Bộ trưởng Bộ Tài chính, cùng với Elena và những cán bộ dưới quyền ông một thời. Elena không ngừng chạy qua chạy lại, chăm sóc những người bạn, những người cán bộ cũ từng làm việc, từng gắn bó với ông ngoại chị từ hồi kháng chiến chống Pháp.

 Cố Bộ trưởng Lê Văn Hiến cùng vợ và các con cháu

Elena trân trọng tất cả những người đã từng gắn bó với ông ngoại chị trong những năm tháng gian khó ấy. Bà Phạm Thị Mai Cương, nữ Thứ trưởng đầu tiên của Bộ Tài chính, đã ôm Elena vào lòng, không ngớt khen:

"Elena giỏi lắm! Elena chu đáo tuyệt vời”. Không chỉ bà Mai Cương, tất cả những người ngồi ở đó đều yêu quý Elena và coi chị như con, cháu trong nhà. Tất cả họ đều xúc động trước tình cảm mà Elena dành cho họ, tình cảm mà họ hiểu là xuất phát từ tình yêu thương chị dành cho ông ngoại mình.

Elena đã khóc rất nhiều trong buổi nói chuyện với tôi, khi nhắc về ông ngoại chị - Bộ trưởng Lê Văn Hiến. Cả cuộc đời mình chị đã gắn bó với ông, nên đến giờ sau khi ông mất được 15 năm, chị vẫn không dễ chấp nhận sự thật mình không còn ông ngoại bên cạnh.

Tôi luôn nghĩ rằng, mỗi chúng ta đều tôn thờ một điều thiêng liêng trong cuộc đời mình, và điều mà Elena luôn tôn thờ, luôn trân trọng, chính là những hình ảnh, những kỷ niệm về ông ngoại chị.

Elena nói với tôi, chị gắn bó với ông ngoại mình như một cái duyên kỳ lạ của cuộc sống, cái duyên mà không phải cô cháu ngoại nào cũng có được với ông bà ngoại mình. Bởi thế, chị luôn thấy cuộc đời mình may mắn:

“Tôi mang hai dòng máu Nga – Việt. Mẹ của tôi – bà Lê Thị Ngọc Ái là con gái duy nhất của ông ngoại tôi. Năm đó, bà sang Nga du học, bà gặp gỡ và yêu cha tôi, khi đó là một chàng sinh viên Nga học cùng trường đại học.

Cha mẹ tôi yêu nhau sau những ngày cha tôi giúp đỡ mẹ tôi học tập. Họ yêu nhau và hiểu rằng cuộc đời họ không thể thiếu nhau. Nhưng để đến được với nhau, cha mẹ tôi đã phải trải qua không ít thử thách. Ngày đó chuyện một người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài là chuyện không dễ được chấp nhận.

Ông ngoại tôi là Bộ trưởng Bộ Tài chính, rồi trở thành Đại sứ Việt Nam tại Lào, ông nội tôi là một Trung tướng quân đội Liên Xô, nhưng không có nghĩa rằng việc sinh ra trong những gia đình danh giá, có vị trí trong xã hội, có thể che chắn cho cha mẹ tôi trước những khó khăn đó. Mẹ tôi yêu cha tôi và chờ đợi cha tôi suốt 7 năm trời, trước khi họ chính thức thành vợ thành chồng.

Khi mẹ tôi kể với ông ngoại tôi về tình yêu của mình, ông tôi không hề phản đối, ngăn cản mẹ. Lúc đó cả ông ngoại và bà ngoại tôi đều đang giữ những chức vụ quan trọng. Việc có một cô con gái yêu và lấy một người nước ngoài vào cái thời đó có thể ảnh hưởng đến ông bà tôi.

Nhưng ông tôi tôn trọng mẹ tôi, tôn trọng vào quyền được yêu, được tự định đoạt cuộc sống của mẹ tôi. Trong một lần khi sang Matxcơva công tác, ông tôi đã chủ động tìm gặp cha tôi – con rể tương lai của ông – để trò chuyện, tìm hiểu, chứ không phải phản đối.

Sau 7 năm yêu nhau, cha mẹ tôi nên vợ nên chồng. Thường trong một cuộc hôn nhân như thế, mẹ tôi sẽ phải là người ở lại nước Nga, nhưng cha mẹ tôi có lẽ đã khiến nhiều người bất ngờ, khi cha tôi lại là người theo mẹ tôi.

Ai cũng hiểu ở Nga, cha tôi sẽ có một tương lai rực rỡ với xuất thân của ông và trình độ mà ông có. Nhưng ông lại chọn theo mẹ tôi về xứ sở của mẹ, một đất nước khi đó vẫn còn chìm trong chiến tranh và đói nghèo.

Về đến Hà Nội, cha tôi trở thành giảng viên trường ngoại ngữ, mẹ tôi vào làm việc ở viện nghiên cứu. Bỏ qua những lời ì xèo, những áp lực từ dư luận, ông ngoại tôi đưa cha mẹ tôi về sống chung trong ngôi nhà số 11A Tông Đản..”.

Mẹ của Elena, bà Lê Thị Ngọc Ái đã mất nhiều năm trước. Nhưng nếu bà còn sống, có lẽ bà cũng sẽ như con gái mình, cảm động vô cùng vì tình yêu mà cố Bộ trưởng Lê Văn Hiến đã dành cho con cái.

Khi Lê Thị Ngọc Ái kết hôn với Ivan Morgun, người chồng Nga của mình, bà đã phải trả giá bằng cả sự nghiệp: Ngay sau ngày cưới một ngày, bà bị khai trừ ra khỏi Đoàn.

Dù tốt nghiệp đại học tại Nga với tấm bằng loại ưu, nhưng khi về công tác tại một viện nghiên cứu của nhà nước, bà vẫn phải hưởng mức lương không được như lương đại học, nhưng cũng không phải lương trung cấp.

Bao nhiêu năm sau này, con gái Bộ trưởng Lê Văn Hiến vẫn mãi mãi nằm ngoài các tổ chức Đoàn, Đảng và vẫn nhận mức lương lửng lơ giữa lương đại học và lương trung cấp như thế, nhưng bà chưa bao giờ hé môi than phiền với cha mẹ nửa lời về những cực nhọc, vất vả của mình, phần vì không muốn cha bận lòng, phần vì nghĩ đó là cái giá mà mình phải trả để có được tình yêu đích thực của cuộc đời mình.

Thiệt thòi trong sự nghiệp, nhưng đổi lại, Lê Thị Ngọc Ái lại nhận được sự bao dung, che chở của cha mẹ - vợ chồng cố Bộ trưởng Lê Ngọc Hiến và Lê Thị Xuyến. Nhà văn Nguyệt Tú (vợ Trung tướng Lê Quang Đạo) và cũng là bạn của bà Lê Thị Xuyến kể rằng:

“Chị Xuyến thông cảm và ủng hộ tình cảm của đôi trẻ. Hồi ấy, tôi đang học trường Đảng ở Matxcơva. Nhân dịp tôi về nước nghỉ hè, chị Xuyến đến nhà nói chuyện rất lâu. Chị nhờ tôi sang gặp Ái, giúp đỡ vợ chồng Ái về Việt Nam.

Tôi và chị Như đã giúp đỡ hai cháu theo ý chị Xuyến. Ivan về sống và làm việc ở Việt Nam một thời gian dài. Vợ chồng Ái cùng hai con sống hạnh phúc trong gia đình anh Hiến, chị Xuyến”.

Khi Ivan đến Việt Nam, giữa đất khách quê người, ông may mắn có được tình thương yêu của cha mẹ vợ: “Ngày đó, ông ngoại tôi gọi cha mẹ tôi về ngôi biệt thự số 11A Tông Đản, ông bảo cha tôi: Con hãy chọn một căn phòng con thích nhất để hai vợ chồng ở.

Cha tôi chọn căn phòng nhỏ, nhìn ra tháp nước phía trước nhà, chứ không chọn căn phòng to nơi ông bà ngoại đang ở. Nhưng tôi biết dù cho cha tôi có chọn căn phòng to, ông bà ngoại tôi cũng sẵn sàng nhường cho con gái và con rể.

Sau này, cậu Phan Diễn lấy vợ, về sống cùng ông bà, vợ chồng cậu Phan Diễn phải ở trong một căn phòng bé hơn căn phòng của cha mẹ tôi vì là người về sau. Nói thế để thấy ông bà tôi không hề có sự phân biệt đối xử với cha tôi, dù cha tôi là người nước ngoài” – Elena kể lại.

Elena là người cháu đầu tiên của vợ chồng cố Bộ trưởng Lê Văn Hiến, là “con đầu cháu sớm” nên chị rất được ông bà ngoại cưng chiều. Ngày Elena chào đời, Bộ trưởng Lê Văn Hiến là người đến bệnh viện đón chị về nhà.

Vợ chồng ông cũng là người chăm sóc chị từ lúc chị lọt lòng, đến lúc chị lấy chồng, sinh con, đẻ cái. Elena nói, ngày đó chị như “cái đuôi” của ông. Ông đi làm việc, đi chơi với bạn bè, đi du lịch với bà, cũng đều có chị đi cùng.

Ngày ông còn làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, dù đi làm, ông cũng đưa cháu gái của mình theo cùng: “Ngày đó ông tôi có một cái bàn làm việc khá to, còn tôi thì rất nhát. Tôi nhớ cứ mỗi sáng theo ông đến Bộ, tôi lại chui vào cái gầm bàn đó, ngồi trong đó đợi ông lúc ông bận việc; đến chiều lại chui ra khỏi gầm bàn, theo ông về nhà.

Cái bàn đó sau này được đưa vào Bảo tàng của Bộ Tài chính. Có lần tôi cùng cậu Phan Diễn đến thăm, tôi đã thử chui lại vào cái gầm bàn ấy. Lúc ấy tôi đã lớn, cái gầm bàn đã trở nên quá bé nhỏ, nhưng cảm giác ấm áp, quen thuộc thì vẫn vẹn nguyên  như thế”.

Elena không may mồ côi bố từ sớm. Khi chị 6 tuổi, bố chị đã gặp một tai nạn giao thông trong thời gian về Liên Xô chữa bệnh. Lúc đó mẹ chị mới mang thai em gái chị. Điều đó càng khiến chị được ông bà ngoại yêu thương, che chở nhiều hơn.

Nhiều năm sau này, mẹ chị tái giá, chị vẫn sống với ông bà ngoại. Chị bảo, có lẽ vì sống bên cạnh ông bà nhiều quá, nên mọi ranh giới, mọi khoảng cách thế hệ đều bị xóa nhòa trong lòng chị. Với chị, ông ngoại vừa là một người ông, nhưng cũng như một người cha, chị lớn lên từng ngày trong bầu không khí yêu thương và che chở của ông bà:

"Có rất nhiều việc ông tôi làm khiến tôi cảm động: đó là khi tôi trưởng thành và quyết định mang quốc tịch Nga theo quốc tịch của cha tôi, ông tôi không hề phản đối, dù ông mới là người nuôi tôi, dù tôi sinh ra và lớn lên trên đất nước Việt Nam.

Ông tôi tôn trọng việc tôi muốn hướng về cội nguồn của mình; mẹ tôi sau này sống riêng, các cậu cũng sống riêng, chỉ tôi sống cạnh ông bà cho đến lúc ông bà mất, nên có thể nói tôi là người được gần gũi ông bà nhiều nhất. Đến lúc tôi lấy chồng, vợ chồng, con cái tôi vẫn sống bên ông bà trong ngôi nhà 11A Tông Đản”.

Năm 1995, bà Lê Thị Xuyến qua đời, thì năm 1997, Bộ trưởng Lê Văn Hiến cũng trút hơi thở cuối cùng. Đó là cú sốc khủng khiếp nhất trong cuộc đời Elena. Mấy tháng cuối cùng khi ông nằm trên giường bệnh, chị vừa sinh con nhỏ, nhưng chị vẫn là người trực tiếp chăm sóc ông.

Không đêm nào chị không giật mình tỉnh giấc vài lần, mỗi lần như thế, chị chạy sang phòng ông, xem ông đau ở đâu, mệt ở đâu, yên tâm là ông vẫn còn thở đều, chỉ như thế chị mới yên tâm trở về.

Ông trút hơi thở cuối cùng vào ngày 15/11/1997, khi Elena đang cài nốt khuy áo cuối cùng cho ông. Nhiều năm sau khi ông mất, chị vẫn không bao giờ quên được nỗi trống vắng khủng khiếp khi không còn ông bên cạnh.

Elena nói, cái cảm giác mất mát khi ông ngoại chị ra đi, nó rõ ràng và khủng khiếp hơn rất nhiều so với cái cảm giác mà chị đã trải qua vào cái ngày chị nhận được điện thoại từ Đại sứ quán Liên Xô thông báo cha chị đã chết.

Giờ đây, sau khi Bộ trưởng Lê Văn Hiến mất nhiều năm, Elena vẫn nhìn thấy hình ảnh của ông ngoại mình khắp mọi nơi trong nhà. Cái tủ quần áo của ông bà khi còn sống, cái ghế ông ngồi, chị vẫn giữ nguyên.

Chị kể: "Năm ngoái vợ chồng tôi vừa phải bỏ đi cái giường ông bà ngoại tôi nằm khi còn sống. Cái giường đó sau khi ông tôi mất, đến lượt vợ chồng tôi nằm. Mỗi lần nó bị bung ra, chồng tôi lại hì hục sửa chữa. Nhưng sửa mãi cũng không được.

Có hôm cái giường tự nhiên đổ sụp xuống, chúng tôi chẳng còn cách nào khác, đành phải bỏ nó đi. Tôi đã khóc mãi khi không giữ được cái giường mà ông tôi đã nằm bao nhiêu năm khi ông còn sống. 

Có những người đến nhà chơi, xui tôi vứt những thứ đồ cũ ông bà để lại, để mua những món đồ mới. Nhưng làm sao tôi có thể làm thế, khi mà trong mỗi thứ nhỏ bé trong ngôi nhà này, đều có hình ảnh ông bà tôi ở đó…”.


Theo Phunutoday

Bình luận(0)