Vỡ mộng ô tô giảm thuế
Chỉ cách đây vài ngày, khi bước vào các cửa hàng ô tô được sản xuất lắp ráp trong nước, không khí khá trầm lắng dù xe trưng bày được chất đầy ắp với đủ kiểu loại. “2 tháng nay thị trường ế ẩm lắm, cả tháng tôi không bán được chiếc nào. Nguyên nhân là do tâm lý người tiêu dùng vẫn trông ngóng xe nhập khẩu dự kiến sắp về, kỳ vọng giá sẽ giảm 25% - 30%, tùy chiếc”, anh Trần Văn Duy, Phòng Kinh doanh của Nissan Gò Vấp, than thở. Tương tự, đại diện Toyota Đông Sài Gòn trên đường Nguyễn Văn Lượng (quận Gò Vấp) cũng cho biết, rất nhiều khách hàng đến liên hệ tìm mua xe ôtô nhập khẩu như dòng Fortuner, thậm chí đề nghị chấp nhập đặt cọc tiền trước, nhưng nhân viên không dám nhận vì chưa nắm được cụ thể khi nào có xe để giao cho khách hàng.
|
Xe ô tô nhập khẩu bán tại một salon ở quận Tân Bình, TP HCM. Ảnh: THÀNH TRÍ |
Chờ đợi để mua được chiếc ô tô nhập khẩu là tâm lý của hầu hết người tiêu dùng, đặc biệt là sau khi thuế nhập khẩu từ nội khối ASEAN về Việt Nam chỉ còn 0%, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Tuy nhiên, trong những ngày cuối tháng 6, Toyota Việt Nam thông tin đã có lô xe được thông quan, nhưng mức giá công bố của 3 mẫu xe nhập khẩu là Fortuner, Hilux và Hiace đã khiến nhiều người giật mình, vỡ tan giấc mơ trông chờ xe giảm thuế. Cụ thể, thay vì giảm giá tương ứng với mức thuế được giảm, chiếc Fortuner lại có giá cao hơn trước! Theo đó, mẫu SUV Fortuner được nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia có giá bán cho bản thấp cấp nhất là 1,026 tỷ đồng, cao hơn so với giá bán cuối năm 2017 đến 45 triệu đồng. Giá bán 3 phiên bản của Hilux hiện nay lần lượt là 695 triệu đồng, 793 triệu đồng và 878 triệu đồng, tăng nhẹ so với trước.
Lý giải về nguyên nhân tăng giá xe nhập, đại diện Toyota cho rằng, từ cuối 2017, hãng đã tiên phong điều chỉnh giá bán xe theo thuế suất thuế nhập khẩu 0% của năm 2018, và lần điều chỉnh này cũng đã xem xét đến tất cả các yếu tố tác động lên giá xe để đưa ra mức giá phù hợp. Theo kế hoạch, các sản phẩm mới sẽ có mặt tại hệ thống đại lý của Toyota Việt Nam trên toàn quốc vào tháng 8-2018. Trước đó, Honda Việt Nam cũng có lô ô tô nhập nguyên chiếc từ Thái Lan về Việt Nam, khoảng 2.000 xe, gồm các dòng CR-V, Civic, Accord và Jazz. Mặc dù giá xe nhập khẩu cao hơn so với dự kiến, nhưng toàn bộ lô xe này đã bán hết chỉ trong vòng nửa tháng mở bán, đặc biệt dòng CR-V luôn được người tiêu dùng săn đón.
Không vội vàng nhập khẩu
Theo ước tính của Tổng cục Hải quan, tính tới cuối tháng 6, lượng xe Thái nhập về Việt Nam chỉ đạt 9.600 chiếc, trong khi cùng kỳ năm 2017, con số này là hơn 19.100 chiếc, giảm khoảng 52%. Tương tự, lượng xe nhập khẩu từ Indonesia về Việt Nam cũng không đáng kể. Những dòng xe xuất xứ từ Mỹ, Nhật, Đức hay Hàn Quốc cũng đã giảm rất mạnh, chỉ đạt lượng nhập bằng 15% - 30% so với cùng kỳ năm trước. Theo lý giải của giới kinh doanh, nguồn cung khan hiếm là nguyên nhân khiến thị trường ô tô “cháy hàng”, kể cả khi giá tăng chứ không giảm như mong đợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, về sâu xa, nguyên nhân chính dẫn đến xe ngoại khó vào Việt Nam lại do vướng Nghị định 116 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh, nhập khẩu ô tô và Thông tư 03 hướng dẫn thực hiện nghị định này gây nhiều trở ngại, khiến xe nhập không thể về được Việt Nam. Bên cạnh đó, quy định yêu cầu giấy chứng nhận kiểu loại từ nhà sản xuất và kiểm định theo từng lô mất nhiều thời gian cũng khiến ô tô nhập chỉ lác đác vào thị trường. Mặt khác, đối với những dòng xe nhập khẩu mà người tiêu dùng trông đợi, đa phần bị áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt mới cao hơn so với trước, dẫn đến giá xe đắt hơn, nên doanh nghiệp hạn chế nhập vì lo ngại ảnh hưởng doanh số bán hàng.
Ngoài ra, cũng không loại trừ yếu tố các hãng ô tô đang ăn nên làm ra với những dòng xe sản xuất trong nước nên không vội vàng trong việc nhập khẩu. Bởi hiện nay, một số doanh nghiệp như Thành Công đã nội địa hóa nhiều mẫu xe của Hyundai như Tucson, SantaFe tại Việt Nam, hay Toyota Việt Nam có mẫu Vios, Innova, Camry và Corolla Altis…
Có lẽ nhờ vậy mà trong những tháng vừa qua, Toyota Việt Nam không phân phối bất cứ mẫu xe nào dưới dạng xe nhập khẩu nguyên chiếc (khiến doanh số giảm 8%), nhưng lực bán xe lắp ráp trong nước vẫn tăng doanh số 45% so với cùng kỳ năm ngoái (trong tháng 5). Doanh số bán hàng tăng lũy tiến và động thái các hãng ô tô nước ngoài tiếp tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam cho thấy các doanh nghiệp đã khai thác tốt thị trường xe sản xuất trong nước. Do đó, xe nhập khẩu khan hiếm và vẫn giữ giá ở mức cao, kể cả khi thuế nhập khẩu về 0%, cũng là điều dễ hiểu.
“Lợi dụng sự khan hiếm, đặc biệt đối với những mẫu xe ăn khách, một số đại lý găm hàng, đẩy giá lên. Kể cả khi xe nhập đã về đến kho của đại lý, theo hợp đồng phải giao cho khách, nhưng chưa chắc khách đã được nhận. Đại lý sẽ viện đủ lý do để trì hoãn, kéo dài thời gian, bắt khách phải chờ. Còn ai chi thêm tiền sẽ có xe ngay, với mức chi đẩy giá 60 - 70 triệu đồng/xe thông qua mua “đồ chơi” kèm theo”, một nhân viên phòng kinh doanh ô tô trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) nói.