Từ trước tới nay, thế giới vẫn tin rằng công nghệ 5G không gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, điều đó chưa thuyết phục được tất cả mọi người. Một đơn kiến nghị với 29.000 chữ ký đã được gửi tới nghị viện Anh kêu gọi thực hiện cuộc điều tra độc lập về rủi ro sức khỏe và an toàn của thế hệ di động tiếp theo.
Chính phủ nước này đã từ chối yêu cầu, nhưng người dân nước Anh và toàn thế giới đều muốn biết xem liệu bức xạ điện từ có gây hại cho cơ thể hay không.
Tại sao 5G gây ra nỗi sợ hãi?
Để hiểu 5G có nguy hiểm hay không, chúng ta cần hiểu bản chất của nó là gì. Trước tiên, hãy nhìn vào biểu đồ phổ điện từ, gồm tất cả dải tần số có thể của bức xạ điện từ (hay sóng điện từ).
|
Công nghệ 5G vẫn khiến một số người lo ngại. |
Bức xạ điện từ được phân loại gồm sóng radio (radio waves), vi sóng (microwaves), bức xạ terahertz (hay dưới mm), tia hồng ngoại (infrared), ánh sáng nhìn thấy được (visible light), tia tử ngoại (ultraviolet), tia X (X-rays) và tia gamma (gamma waves).
Trong số này, người ta lại phân ra làm 2 loại chính:
- Bức xạ ion hóa (Ionizing), như X-quang hoặc tia gamma, với tần số cao có thể lọt vào cơ thể gây hại cho tế bào. Chúng có năng lượng đủ lớn để gây ra ion hóa các nguyên tử.
- Bức xạ không ion hóa (Non-ionizing), như sóng radio, ánh sáng nhìn thấy được hay bức xạ tia hồng ngoại, không có khả năng phá hủy nguyên tử. Bức xạ không ion hóa không thể lọt vào cơ thể con người, chỉ làm phân tử bề mặt rung động nhanh hơn.
|
Phổ điện từ theo mô tả của NASA. Ảnh: NASA. |
Bức xạ điện từ (hay sóng điện từ) được đo bằng tần số và bước sóng. Bức xạ ở tần số thấp hơn và bước sóng dài hơn so với ánh sáng nhìn thấy gồm sóng radio (Radio waves) và vi sóng (Microwaves). Sóng điện thoại di động nằm trong phổ này, bao gồm cả 5G. Chúng thuộc nhóm bức xạ không ion hóa, vì không đủ năng lượng để phá vỡ liên kết phân tử.
Bức xạ không ion hóa an toàn tuyệt đối?
Trong khi bức xạ không ion hóa yếu hơn loại ion hóa, có ý kiến cho rằng nó vẫn có khả năng làm biến đổi cơ thể. Nhiều người hiểu nhầm loại bức xạ này có thể gây ung thư giống như bức xạ ion hóa.
Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) của Anh cho biết đã có lượng lớn nghiên cứu khoa học về ảnh hưởng sức khỏe của việc sử dụng điện thoại di động kể từ những năm 1990. Nhưng không có nghiên cứu nào chứng minh bức xạ điện thoại di động gây hại như các dạng của bức xạ ion.
|
Một số người nghĩ tần số cao của 5G sẽ tác động xấu tới não bộ, nhưng điều này không đúng. |
Một số người nghĩ tần số cao của 5G sẽ tác động xấu tới não bộ, nhưng điều này không đúng vì chúng nằm trong ngưỡng cho phép. Chỉ khi tần số vượt mức ánh sáng nhìn thấy thì mới gây hại, như tia cực tím, tia X hay tia gamma.
Điều gì xảy ra khi sóng vô tuyến đập vào cơ thể?
Khi sóng vô tuyến đập vào cơ thể con người, chúng bị các mô hấp thụ và đơn giản biến thành năng lượng. Nghiên cứu khoa học chưa cho thấy sóng vô tuyến làm thay đổi cấu trúc phân tử của bất kỳ loại mô nào.
Chúng có khả năng làm tăng nhiệt độ các tế bào thêm 0,2 độ C, tương đương với sự gia tăng tự nhiên trong khi tập thể dục, không được coi là nguy cơ sức khỏe.
“Các nghiên cứu lớn đều chưa có bằng chứng cho thấy sóng vô tuyến điện thoại di động gây ra các vấn đề sức khỏe”, NHS lên tiếng trấn an dư luận.
|
Sóng vô tuyến nằm bên trái phổ điện từ không có khả năng ion hóa phân tử. Ảnh: NASA.
|
Vậy sóng vô tuyến có thực sự gây hại không?
Cho đến nay, các nghiên cứu chưa đưa ra kết luận khẳng định sóng vô tuyến gây hại cho sức khỏe con người. Tổ chức Nghiên cứu Ung thư của Vương Quốc Anh lưu ý rằng, mặc dù tỷ lệ sở hữu điện thoại di động tăng khoảng 500% giai đoạn 1990 đến 2016, thì tỷ lệ mắc ung thư não chỉ tăng 34%.
Năm 2011, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế đã xếp điện thoại di động vào nhóm “nguyên nhân có thể gây ung thư”. Nhưng đó chỉ là dựa trên các báo cáo khoa học, chứ không được coi là kết luận cuối cùng. Chắc chắn một điều, bức xạ không ion hóa, bao gồm sóng 5G không có khả năng gây ung thư trực tiếp.