Tại cuộc họp về tình hình nhập khẩu ôtô mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu lại mức thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ với xe ôtô bán tải để đề xuất báo cáo Chính phủ và Quốc hội kịp thời bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp thực tế và mục đích sử dụng của loại xe này.
Tại Việt Nam hiện nay, xe bán tải được coi là dòng xe được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, phí và chủ yếu được nhập khẩu trực tiếp về từ các nước trong khu vực ASEAN. Sau ngày 1/7/2016, tuy thuế, phí đối với dòng xe này có tăng nhưng vẫn kém xa so với mức áp dụng đối với xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi.
|
Điều chỉnh thuế, phí với xe ôtô bán tải sẽ là một cú sốc với các hãng xe. |
Cụ thể, sau 1/7/2016, xe bán tải tại Việt Nam nhập khẩu trong khu vực ASEAN chỉ phải chịu mức thuế 5% so với 30% của các loại du lịch từ 9 chỗ trở xuống. Thuế tiêu thụ đặc biệt của xe bán tải cũng chỉ phải chịu ở mức thuế từ 15% – 25% và lệ phí trước bạ vẫn chỉ là 2%.
Trong khi sau 1/7/2016, nếu là xe ôtô dưới 9 chỗ có dung tích động cơ tương tự, thuế tiêu thụ đặc biệt hiện tại là 50% với xe có động cơ từ 2.0 - 2.5 lít, 55% đối với xe động cơ trên 2.5 lít đến 3.0 lít, và 90% đối với xe động cơ trên 3.0 lít (còn tăng sau 1/1/2018). Ngoài ra, phí trước bạ tại Hà Nội và TP HCM cho xe con là 12%.
|
Tại Việt Nam hiện nay, xe bán tải được coi là dòng xe được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, phí và chủ yếu được nhập khẩu trực tiếp. |
Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ôtô Trường Hải (Thaco): “Xe bán tải ở Việt Nam được dùng như xe con trong khi lại không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như xe con và lệ phí trước bạ cũng thấp hơn là không công bằng”.
Theo đánh giá, nếu điều chỉnh thuế, phí đối với xe bán tải sẽ là một cú sốc không nhỏ đối với nhiều hãng đang chú trọng vào phân khúc xe bán tải này như: Toyota với Hilux, Nissan với Navara, Isuzu với D-max và đặc biệt là Ford với dòng xe chủ lực là Ranger.