Tại phiên xét xử vụ án buôn lậu xe sang BMW tại Việt Nam, các bị cáo gồm; Nguyễn Đăng Thảo (cựu Tổng giám đốc Euro Auto), Nguyễn Thị Minh Yến (cựu Trưởng phòng Kế hoạch, quản lý và phân phối sản phẩm Euro Auto) và Trần Hải Đăng (cựu Phó giám đốc Công ty Việt Á) bị truy tố về tội buôn lậu. Tại toà đại diện Hải quan cho rằng, các công chức hải quan đã làm đúng quy định, đúng quy trình, không phát hiện ra các giấy tờ giả.
Theo hồ sơ vụ án, các công chức Hải quan được phân công tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và trực tiếp kiểm hóa đối với 91 xe ôtô BMW do Công ty Âu Châu (Euro Auto) nhập khẩu từ ngày 19/7/2013 đến ngày 4/9/2013. Kết quả quá trình tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ được thực hiện thủ công nên không phát hiện các hóa đơn, chứng từ do Công ty Âu Châu làm giả để khai báo hải quan. Việc kiểm hóa thực tế được thực hiện theo đúng quy định như: Kiểm tra tên hàng, mã số, số lượng, trọng lượng, chủng loại, chất lượng, nhãn hiệu, nhãn hàng hóa, ngày sản xuất và đối chiếu phù hợp giữa hàng hóa thực tế với hồ sơ hải quan điện tử. Do vậy, Cơ quan điều tra không đề cập xem xét xử lý.
|
Cựu Tổng giám đốc Euro Auto - Lê Đăng Thảo đã thừa nhận việc điều chỉnh giá 79 xe ôtô BMW với tổng số tiền 126.400 EUR (tương đương 3,314 tỷ đồng), tránh bị thiệt hại trong việc nộp thuế nhập khẩu. |
Đối với các cán bộ thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, được phân công tiếp nhận hồ sơ, tiến hành kiểm tra thực tế 91 xe ôtô BMW nhập khẩu từ phía Công ty Âu Châu. Tài liệu điều tra thể hiện, các cán bộ đăng kiểm đã thực hiện đầy đủ nội dung công việc theo quy trình tiếp nhận, kiểm tra xe ôtô. Quá trình đăng kiểm, các cán bộ trên không phát hiện các chứng từ do Công ty Âu Châu cung cấp trong hồ sơ được làm giả. Do vậy, Cơ quan điều tra cũng không xử lý.
Trả lời tại toà, bị cáo Trần Hải Đăng đã khai nhận đã làm giả toàn bộ invoice (hóa đơn) của Công ty BMW AG phát hành. Chính Đăng đã tự nghĩ và tạo lập ra các giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa, đăng ký kiểm tra chất lượng để đưa vào hồ sơ khai báo hải quan, nhập khẩu xe ôtô BMW cho Công ty Euro Auto.
|
Đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Nguyễn Đăng Thảo (SN 1974, cựu Tổng giám đốc Euro Auto) từ 12 đến 14 năm tù. |
Về việc nhập khẩu 91 ôtô đã được điều chỉnh giá năm 2013, bị cáo Nguyễn Đăng Thảo khai sau khi công ty nhận được bản điều chỉnh giá 79 ôtô BMW với tổng số tiền 126.400 EUR (khoảng . Để tránh việc bị thiệt hại trong việc nộp thuế nhập khẩu, công ty đã lập lại hợp đồng mua bán. Qua đó đã điều chỉnh giá xe thấp hơn so với giá của hợp đồng ban đầu và so với invoice do Công ty BMW AG phát hàn, từ đó nộp thuế nhập khẩu sẽ thấp đi.
Theo luật sư bào chữa cho bị cáo Thảo, thân chủ chỉ là người làm công ăn lương không được hưởng lợi trong việc buôn lậu. Bị cáo Thảo có sai phạm nhưng chỉ dừng lại ở mức độ bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn là tội trốn thuế. Luật sư này cũng cho rằng, Cơ quan điều tra đã tạm giam bị cáo Thảo quá thời hạn. Trong quá trình điều tra, luật sư và gia đình bị cáo đã nhiều lần yêu cầu thay đổi biện pháp ngăn chặn nhưng không được phản hồi. Bị cáo luôn thành khẩn khai báo, có địa chỉ nơi ở cụ thể. Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX thay đổi biện pháp ngăn đối với bị cáo Thảo.
|
Để tránh việc bị thiệt hại trong việc nộp thuế nhập khẩu, công ty đã lập lại hợp đồng mua bán hàng loạt xe BMW mới. |
Tuy nhiên đại diện VKS khẳng định, đủ căn cứ xác định các bị cáo đã phạm vào tội buôn lậu như cáo trạng quy kết. Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội gây thất thoát hàng tỉ đồng, nhưng các bị cáo thành khẩn khai báo, có nhân thân tốt và khắc phục một phần hậu quả.
Từ đó, đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo trong quá trình lượng hình. Trong vụ án này bị cáo Thảo có vai trò chính nên cần phân hóa vai trò tội phạm. Đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Nguyễn Đăng Thảo (SN 1974, cựu Tổng giám đốc Euro Auto) từ 12 đến 14 năm tù, Nguyễn Thị Minh Yến (SN 1982, cựu Trưởng phòng Kế hoạch, quản lý sản phẩm và phân phối Euro Auto) từ 8 đến 10 năm tù và Trần Hải Đăng (SN 1974, cựu Phó giám đốc công ty TNHH TM dịch vụ giao nhận Việt Á 10 đến 12 năm tù.
Được thành lập năm 2006, Công ty Cổ phần ôtô Âu Châu (Euro Auto) đã giúp BMW trở thành một trong những thương hiệu xe hơi nhập khẩu thành công nhất tại Việt Nam. Cuối năm 2013, Sime Darby Motors - một trong những nhánh chính của Tập đoàn Sime Darby Group (Malaysia) đã thâu tóm Euro Auto Corp (EAC) và đưa các dòng xe hạng sang Mini và BMW đến với thị trường Việt Nam. Trước khi dính vào những cáo buộc gian lận, BMW luôn duy trì mức tăng trưởng ấn tượng, trên 2 con số.
Tuy nhiên, tháng 11/2016, Bộ Tài chính đã có văn bản hỏa tốc, yêu cầu Tổng cục Hải quan ngừng thông quan toàn bộ số xe BMW nhập khẩu của Euro Auto với cáo buộc doanh nghiệp này có hàng loạt vi phạm như: Tự ý tiêu thụ hàng hóa khi chưa được cơ quan hải quan cho thông quan; giả mạo giấy tờ trong nhập khẩu, kinh doanh ôtô; cố ý không cung cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và có dấu hiệu gian lận, lừa dối khách hàng.
Từ tháng 12/2016, toàn bộ lô xe do Euro Auto nhập khẩu gồm 470 xe BMW, 78 xe Mini và 55 xe môtô BMW Motorrad ước tính trị giá khoảng 15 triệu USD đã bị dừng thông quan. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung cấp các dòng xe BMW và MINI chính hãng vào thị trường Việt Nam bị gián đoạn. Đỉnh điểm của sự việc diễn ra vào ngày 26/4/2017, khi 3 lãnh đạo của Công ty Euro Auto bị bắt giữ do những sai phạm liên quan đến lô hàng BMW nhập khẩu, trong đó có ông Nguyễn Đăng Thảo lúc đó là Tổng giám đốc Euro Auto. Sự việc này đã đặt dấu chấm hết cho Euro Auto tại Việt Nam.