Hỏi: Nước làm mát cho động cơ xe ô tô có nhất thiết phải dùng nước chuyên dụng hay không? - Lê Xuân Hiến (quận 12, TPHCM).
|
Kiểm tra nước làm mát động cơ ô tô. |
Tư vấn: Nước làm mát cho động cơ xe ô tô gọi theo tính chất vật lý là loại "nước mềm". Đây là loại nước không hoà tan bất kỳ một thứ muối khoáng nào, ví dụ như oxit vôi (CaO), oxit Manhê (MgO), oxit sắt (FeO, Fe2O3..)...
Còn loại nước có chứa các muối khoáng này gọi là "nước cứng". Những loại muối khoáng này sẽ kết tủa ở nhiệt độ trên 60 độ C, bám vào vách trong của hệ thống làm mát động cơ, cản trở sự tản nhiệt của động cơ khiến nước làm mát không thể duy trì ở nhiệt độ định trước là 80 độ C và có thể khiến nước làm mát sôi sùng sục, gây yếu máy, thậm trí hỏng động cơ máy. Vì vậy, để nhiệt độ động cơ luôn duy trì ở mức chuẩn là 80 độ C thì không được dùng nước cứng như nước giếng, nước ruộng, nước ao hồ, nước sông...
"Nước mềm" chuẩn nhất là nước cất, nhưng đắt tiền. Người ta có thể dùng hoá chất để làm cho nước cứng trở thành nước không còn khả năng kết tủa gây sôi nước làm mát. Tuy nhiên, có một cách làm mềm nước không sử dụng hoá chất, lại rẻ tiền là đem nước tự nhiên đun sôi và để lắng cho nguội, gạn lấy lớp nước trong để sử dụng làm mát động cơ ô tô.