Bắt các nước tỏ thái độ nhằm cô lập Việt Nam?
Bằng hành động vu khống Việt Nam cản trở trái phép hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 trước Liên Hiệp Quốc (LHQ), Trung Quốc đang muốn cô lập Việt Nam bằng cách bắt các nước khác tỏ thái độ, chuyên gia Úc nhận định.
Trước đó, Trung Quốc luôn luôn chống lại sự can thiệp từ bên thứ 3 trong các tranh chấp lãnh thổ với các nước Đông Nam Á ở Biển Đông. Động thái mới nhất đưa vụ giàn khoan Hải Dương 981 lên LHQ của Trung Quốc có thể đưa Việt Nam vào thế bất lợi, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia nhận định.
|
Vu khống Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc vừa ăn cướp vừa la làng. |
“Trung Quốc đang muốn kích động cuộc tranh luận tại Liên Hiệp Quốc và thúc đẩy các nước phải quyết định lên tiếng hay im lặng. Trung Quốc đang muốn cô lập Việt Nam bằng cách khiến cho những nước lo lắng nhất về Trung Quốc phải chọn cách im lặng”, ông Thayer cho hay.
Cuộc chiến pháp lý: lựa chọn tốt nhất của Việt Nam
Ông Thayer cũng gợi ý: Lựa chọn tốt nhất của Việt Nam đoàn kết cùng Philippines trong cuộc chiến pháp lý trước Trung Quốc ở tòa án trọng tài La Haye.
“Phương thức chính trị tốt nhất cho Việt Nam nếu quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục xấu đi là đoàn kết cùng Philippines trong việc khẳng định các tuyên bố chủ quyền”, ông Thayer cho biết.
Tờ The Diplomat mới đây bình luận: Lý do của việc Trung Quốc đưa vụ giàn khoan Hải Dương 981 ra LHQ là Bắc Kinh cho rằng, nước này sở hữu quần đảo Hoàng Sa và không có tranh chấp tại đây. Tuy nhiên, tài liệu do Bắc Kinh đưa ra cố tình quên thực tế rằng, quần đảo Hoàng Sa thuộc sở hữu của Việt Nam và Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm đóng năm 1974.
Bằng việc chủ động đưa vấn đề giàn khoan Hải Dương 981 ra LHQ, Trung Quốc muốn cản trở Việt Nam kiện ra tòa án quốc tế vì Bắc Kinh lo ngại Việt Nam có thể kiện nước này ra tòa án quốc tế. Hơn nữa, theo The Diplomat, việc “quốc tế hóa” vụ việc lần này là nước cờ mạo hiểm của Trung Quốc. Nguyên do là bản đồ “đường lưỡi bò” của nước này hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, nên Trung Quốc sẽ đối mặt với nguy cơ thua kiện.
Không dừng ở đó, hôm qua (11/6), Thẩm phán Anotnio Carpio của Tòa án Tối cao Philippines sau khi nghiên cứu các bản đồ Trung Quốc cổ đại, đã gọi tuyên bố của Bắc Kinh về chủ quyền với 90% Biển Đông là “ngụy tạo lịch sử khổng lồ”.
Thẩm phán Carpio tuyên bố rằng, ông đã nghiên cứu 72 bản đồ cổ, trong đó 15 bản có xuất xứ Trung Quốc. Theo đó, trên các bản đồ thời nhà Tống (960-1279), nhà Minh (1368-1644) và nhà Thanh (1644-1912), đảo Hải Nam luôn được ấn định là vùng lãnh thổ cực nam của Trung Quốc. Toàn bộ các bản đồ hiện được bảo quản dành cho tiếp cận công khai trong Thư viện Mỹ.
Cũng theo Thẩm phán Philippines, sự cần thiết dựa trên những cứ liệu lịch sử chân thực để phản bác tuyên bố của Trung Quốc về Biển Đông bởi chính quyền Bắc Kinh đang dùng lối bóp méo sự thật để hình thành ý kiến công chúng, đồng thời tuyên bố sẵn sàng dùng vũ lực bảo vệ quyền chủ quyền của nước này.
Vô tình giúp Việt Nam có thêm đồng minh
Ông Alexander Vuving, nhà phân tích an ninh tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương ở Hawaii cho biết: Ngoài Philippines, Việt Nam cũng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài khu vực như Ấn Độ, Nhật và Mỹ.
“Ấn Độ mặc dù ở xa nhưng nước này cho thấy họ sẵn sàng trợ giúp Việt Nam do lợi ích cốt lõi của cả 2 nước. Các đồng minh bất ngờ của Việt Nam sẽ là Philippines, Nhật, Mỹ và Ấn Độ”, ông Vuving cho hay.
Ông Vuving cũng cho biết thêm, quan hệ Việt Nam và Mỹ đã ấm lên kể từ trước khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam.
Cuối tuần trước, lính đảo Việt Nam và Philippines ở Trường Sa đã có cuộc giao lưu bóng đá, bóng chuyền và kéo co trên đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo này. Động thái này được các chuyên gia nhận định rằng, Việt Nam và Philippines đang cho thấy sự đoàn kết.