Vì sao TNK “nhốt” 1.500 lính Mỹ ở căn cứ Incirlik?

Google News

(Kiến Thức) - Thổ Nhĩ Kỳ đã “nhốt” khoảng 1.500 quân nhân Mỹ và gia đình cùng kho vũ khí hạt nhân trong căn cứ không quân Incirlik.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã ra lệnh “nhốt” khoảng 1.500 quân nhân Mỹ, gia đình của họ cùng các loại vũ khí hạt nhân trong căn cứ không quân Incirlik sau vụ đảo chính quân sự bất thành hôm 15/7. Bốn ngày liên tiếp kể từ sau cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15/7, không có cuộc không kích nào nhằm vào phiến quân IS tại Syria và Iraq sử dụng căn cứ này.
Nguồn tin quân sự của Debkafile cho biết, quyết định bất thường này gần như chắc chắn đã được đưa ra trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hôm 19/7.
Vi sao TNK “nhot” 1.500 linh My o can cu Incirlik?
Thổ Nhĩ Kỳ dùng căn cứ không quân Incirlik để buộc Mỹ dẫn độ giáo sĩ Gulen? 
Tuy nhiên, điều lạ lùng ở đây đó là không quan chức Mỹ nào công bố việc Ankara “nhốt” quân nhân Mỹ tại căn cứ Incirlik cho công chúng và các nhà chỉ trích cũng không nêu sự việc tại Đại hội toàn quốc Đảng Cộng hòa.
Sự việc chỉ được đề cập một cách ngắn gọn trong một số ấn phẩm của Nga có tiêu đề: “Các nhà điều tra Thổ Nhĩ Kỳ đã vào và khám xét căn cứ không quân Incilik, nơi chứa vũ khí hạt nhân của Mỹ”.
Nguồn tin quân sự của Debkafile cũng cho biết, những hầm sâu nằm gần dải đường băng của căn cứ này chứa vũ khí hạt nhân chiến thuật B61.
Trong chiến dịch thanh trừng quy mô lớn của chính quyền Erdogan sau vụ đảo chính quân sự vừa qua, hàng trăm sĩ quan cảnh sát đi cùng các nhà điều tra của Văn phòng Tổng Công tố và Bộ Tư pháp là những người duy nhất được phép vào căn cứ Incirlik và chỉ trong trường hợp khẩn cấp mới có thể rời khỏi đó.
Căn cứ không quân Incirlik đang bị lực lượng cảnh sát bao vây, bị cắt điện trong nhiều ngày. Đây dường như là cách ông Erdogan sử dụng để biến hàng trăm người Mỹ ở căn cứ Incirlik thành “con tin” nhằm gây sức ép buộc Washington dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen, người bị cáo buộc là chủ mưu vụ đảo chính quân sự hôm 15/7 và hiện đang sống tại Pennsylvania, về Thổ Nhĩ Kỳ.
Được biết, các quân nhân Mỹ trong căn cứ Incirlik đến từ nhiều đơn vị, bao gồm kỹ thuật, hậu cần, bệnh viện quân y, vận tải hàng không,...
Chỉ huy căn cứ Incirlik, tướng Bekir Ercan, cũng đã bị bắt giữ vì tình nghi liên quan đến âm mưu đảo chính hôm 15/7 và sự biến mất bí ẩn của 42 chiếc trực thăng quân sự Thổ Nhĩ Kỳ.
Tính đến ngày 20/7, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ, cách chức và sa thải hơn 50 nghìn người, trong đó có 9.000 cảnh sát, khoảng 3.000 thẩm phán,... Hàng nghìn giáo viên, hiệu trưởng các trường đại học bị sa thải vì tình nghi “dính líu” đến giáo sĩ Gulen.
Tuy nhiên, những lo ngại về số phận của các quân nhân Mỹ trong căn cứ Incirlik cùng những vũ khí hạt nhân trở nên rõ hơn sau những tuyên bố của hai vị quan chức cấp cao trong chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ hôm 19/7.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim đã ám chỉ Mỹ có thể là “đối tác” hoặc chí ít là “thành phần thụ động” trong âm mưu đảo chính này.
Trong khi đó, Bộ trưởng Lao động Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu viết trên tài khoản Twitter của ông rằng: “Mỹ đứng sau cuộc đảo chính này”.
Sự thận trọng của chính quyền Tổng thống Obama đối vụ việc (căn cứ không quân Incirlik) dường như xuất phát từ mối lo ngại rằng sự trừng phạt của chế độ cai trị độc tài của Thổ Nhĩ Kỳ "vươn" đến mọi cơ quan của chính phủ và mọi tầng lớp trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ là một phần của một cuộc cách mạng Hồi giáo toàn diện đang diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ. Một lời nói không cẩn trọng từ phía Washington có thể đẩy nhanh cuộc cách mạng này.
>>> Xem thêm video về phát biểu của giáo sĩ Gulen (Nguồn video The Guardian):
Thiên An (Theo Debkafile)

Bình luận(0)