Tuy nhiên, khi Iran phóng vệ tinh ngày 22/4 và chạm trán với tàu hải quân Mỹ ở Vịnh Ba Tư, thì cả sự răn đe đó lẫn ngoại giao dường như còn lâu mới phát huy hiệu quả trong nỗ lực của Washington muốn kiềm chế nước Cộng hòa Hồi giáo.
Thời điểm này, cả Mỹ và Iran đều đang chật vật đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới gây ra (COVID-19). Trong bối cảnh đó, căng thẳng bùng phát rất dễ đẩy hai nước vào một cuộc xung đột mới.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AP) |
Ngay sau khi xuất hiện tin Iran phóng một vệ tinh quân sự, Tổng thống Trump lên Twitter tuyên bố ông đã ra lệnh cho Hải quân Mỹ "hủy diệt" các con tàu Iran đối đầu với Mỹ. "Tôi đã chỉ thị cho Hải quân Mỹ bắn hạ và hủy diệt bất kỳ và mọi tàu của Iran nếu họ quấy rối tàu của chúng tôi trên biển", ông viết.
Hình ảnh được đài truyền hình Iran phát sóng cho thấy, một hình trụ màu trắng gắn quốc kỳ nước này lao vào quỹ đạo và khuất khỏi tầm nhìn. Đây là vụ phóng của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC).
Tehran khẳng định vụ phóng thành công và sẽ tăng gấp đôi tầm bắn lên tới 5.000km, mà nếu đúng sẽ là một bước tiến lớn trong tiềm năng tấn công bằng tên lửa đạn đạo. Nó cũng hé lộ một chương trình phát triển vũ khí bí mật dưới sự chỉ đạo của IRGC.
"Hôm nay, chúng ta quan sát Trái đất từ trên không, và điều này bắt đầu sự hình thành một cường quốc thế giới", hãng tin Fars của Iran dẫn lời chỉ huy IRGC Hossein Salami.
Tuần trước, Lầu Năm Góc cáo buộc Iran điều 11 tàu vào hải phận quốc tế ở phía bắc Vịnh Ba Tư và liên tục tiếp cận các tàu Hải quân Mỹ với tốc độ cao. Hải quân Mỹ mô tả hành động của phía Iran rất nguy hiểm và nhằm quấy rối. Tuyên bố của ông Trump trên Twitter dường như là phản ứng sau vụ việc này, dù ông không nêu rõ.
"Đây là một ví dụ nữa cho thấy hành xử thâm hiểm của Iran", Tướng Không quân John Hyten, Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, phát biểu tại cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc cùng ngày.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói Liên Hợp Quốc cần đánh giá liệu vụ phóng có phù hợp với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an hay không, và Iran cần phải chịu trách nhiệm cho những gì nước này đã làm.
Sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2018, chính quyền Tổng thống Trump đã nhanh chóng gây sức ép lên Tehran bằng các đòn cấm vận, cấm đi lại cùng nhiều biện pháp trừng phạt khác nhằm khiến nước Cộng hòa Hồi giáo bị cô lập về chính trị và ngoại giao trong khi đối mặt với khó khăn về kinh tế.
Ông Trump lý giải việc từ bỏ thỏa thuận hạt nhân là vì nó không đủ mạnh để ngăn Iran ủng hộ cho các nhóm phiến quân ở Trung Đông, chẳng hạn như Hezbollah ở Lebanon mà Washington coi là khủng bố.
Theo Los Angeles Times, giữa những khó khăn mà cấm vận gây ra, tình trạng sụt giảm giá dầu và sự hoành hành của đại dịch Covid-19 khiến cho Iran càng thêm khốn đốn. Vì thế, Iran rất có thể đang muốn hướng dư luận khỏi những gì đang xảy ra trong nước. Tương tự, Tổng thống Trump đang bị tụt giảm tín nhiệm vì cách xử lý đại dịch.
Hồi tháng 1, chủ nhân Nhà Trắng tuyên bố ông đã ra lệnh giết tướng Suleimani sau khi phiến quân Shiite mà Iran hậu thuẫn ở Iraq nã rocket vào một căn cứ quân sự có lính Mỹ, giết chết một nhà thầu Mỹ.
"Tổng thống Trump và những người chúng tôi trong nhóm an ninh quốc gia đang thiết lập lại sự răn đe - răn đe thực sự - nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo", Ngoại trưởng Pompeo nói khi đó. Tuy nhiên, các vụ tấn công ở Iraq vẫn không dừng lại. Thêm hai binh sĩ Mỹ và một quân nhân Anh thiệt mạng tháng trước trong một loạt vụ nã rocket.
"Mỹ không có nhiều lựa chọn", Los Angeles Times dẫn lời Daniel Byman, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Chính sách Trung Đông thuộc Viện Brookings ở Washington. "Iran đã nhiều lần quấy rối như vậy trước kia, và Hải quân Mỹ có một bộ quy chuẩn để xử lý - nên biến việc này thành vấn đề lớn có thể khiến Iran ngạc nhiên... Mỹ có thể đánh chìm một số tàu của Iran hoặc hành động tương tự, nhưng hiệu quả sẽ rất thấp".
Sau vụ giết tướng Suleimani mà nhiều người từng dự đoán Iran sẽ đáp trả khốc liệt, hai nước vẫn lặng lẽ trao đổi tin nhắn qua các bên thứ ba. Sự liên lạc kiểu này dường như đã ngăn hai nước leo thang đối đầu nhưng lại không giúp tiến vào đối thoại thực chất hơn. Và những liên lạc gián tiếp đó dường như cũng đã đổ vỡ.
Ariane Tabatabai, một chuyên gia về Iran và an ninh tại Đại học Georgetown, cho rằng căng thẳng giữa Washington và Tehran còn lâu mới lắng dịu, thậm chí vẫn đang âm ỉ. Theo bà, đại dịch thế giới Covid-19 sẽ càng khiến cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
"Covid-19 không những không xoa dịu được mà còn làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước", bà Tabatabai bình luận trên Twitter hôm 22/4. "Chẳng bên nào thể hiện sẵn sàng lùi bước. Chính quyền Trump đã áp cấm vận mới ngay cả khi Iran đang chật vật đối phó với dịch bệnh. Phía Iran quay trở lại với các hành động khiêu khích".
Jamal Abdi, Chủ tịch Hội đồng Mỹ - Iran, một nhóm phản đối chiến tranh với Iran, cho rằng ông Trump đang hăm hở muốn một cuộc chiến để đẩy mạnh chiến dịch tái tranh cử của mình.
"Không có thời điểm nào tồi tệ cho một cuộc chiến thảm khốc hơn là giữa một đại dịch", ông Abdi phản hồi tuyên bố của Tổng thống Mỹ trên Twitter. "Rõ ràng chiến lược 'sức ép tối đa" nhằm vào Iran đã phản tác dụng".