Sau nhiều năm tăng trưởng ổn định, kinh tế Triều Tiên tụt dốc trong năm 2015. Nguyên nhân kinh tế Triều Tiên tụt dốc trong năm nay một phần là do chính sách kiểm soát dịch bệnh Ebola của Bình Nhưỡng, một phần vì lý do thời tiết và nỗi lo sợ của các nhà đầu tư Trung Quốc.
Trong số những áp lực mà Triều Tiên đang đối mặt, có lẽ không áp lực nào lớn bằng nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái toàn diện ở Trung Quốc.
|
Sau dịch bệnh Ebola, Triều Tiên lại phải đối phó với nạn hạn hán có thể nói là nghiêm trọng nhất trong suốt thế kỷ qua. |
Đầu tiên, chính sách kiểm soát dịch bệnh Ebola của Triều Tiên kéo dài đến năm 2015 và mới chỉ được gỡ bỏ vào tháng Ba vừa qua. Theo chính sách này, Bình Nhưỡng ngừng cấp toàn bộ các thị thực không cần thiết, bất cứ ai muốn nhập cảnh vào
Triều Tiên phải cách ly trong vòng 21 ngày để kiểm tra, nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm virus Ebola.
Rất ít người nước ngoài muốn mất thời gian đến ba tuần chỉ giam mình phòng khách sạn của Triều Tiên. Và chắc chắn, chỉ trong trường hợp "bất đắc dĩ", người ta mới miễn cưỡng “hạ cố” đến nơi này.
Chính sách kiểm dịch ngay lập tức ảnh hưởng đến thương mại và du lịch Triều Tiên. Những ảnh hưởng về lâu về dài vẫn có thể nhận thấy và người ta vẫn thấy Triều Tiên không phải là một điểm đến đầu tư lý tưởng vào thời điểm Bình Nhưỡng đang tìm cách phát triển kinh tế.
Sau dịch bệnh Ebola, Triều Tiên lại phải đối phó với nạn hạn hán có thể nói là nghiêm trọng nhất trong suốt thế kỷ qua. Thời tiết hanh khô gây khó khăn cho các chính sách kinh tế ngắn hạn năm 2015, làm gián đoạn quá trình sản xuất điện cũng như ảnh hưởng đến việc quản lý nguồn nhân lực.
Phần lớn sản lượng điện của Triều Tiên xuất phát từ thủy điện. Báo cáo trình lên Liên Hợp Quốc cho thấy, từ năm 2005 đến 2009, Triều Tiên có 6 nhà máy nhiệt điện và 8 nhà máy thủy điện. Cuối mùa đông và đầu mùa xuân lẽ ra là thời điểm nguồn cung điện tương đối ổn định nhưng mùa xuân năm nay, tình trạng cắt điện lại xảy ra thường xuyên và lâu hơn so với những năm gần đây.
Du khách nước ngoài ở Bình Nhưỡng cho biết, ngay cả ở trung tâm thủ đô Bình Nhưỡng, họ vẫn phải phụ thuộc gần như 100% vào các máy phát điện dự phòng.
Thông thường, vào mùa cấy lúa tháng Năm và đầu tháng Sáu, các nhân viên văn phòng được khuyến khích đến các trang trại, đồng ruộng, cùng người dân cấy lúa. Năm nay, do thiếu hụt nguồn nước, Triều Tiên “cần nhiều lao động hơn” để đảm bảo cho việc tưới tiêu. Vụ cấy lúa dường như kéo dài hơn so với các năm trước.
Tình trạng này cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế, bởi các nhân viên, công nhân phải tạm hoãn công việc của công ty, nhà máy để xuống ruộng, khiến việc sản xuất bị đình trệ. Họ cảm thấy kiệt sức do công việc quá tải.
Cuối cùng, mùa cấy hái đã qua nhưng khi thị trường chứng khoán Trung Quốc và có thể là thị trường hàng hóa toàn cầu tiếp tục giảm mạnh, Triều Tiên sẽ phải hứng chịu những ảnh hưởng của chủ nghĩa tư bản do con người tạo ra.
Hơn 80% nhà đầu tư ở Trung Quốc thường là các nhà đầu tư tư nhân. Họ sẽ chấp nhận chịu lỗ để không dẫn đến một cuộc suy thoái nhưng có thể khiến tăng trưởng kinh tế chậm hơn.
Hiện tại, giá cả hàng hóa đang xuống mức thấp kỷ lục. Giá quặng sắt xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua và có ngày giảm đến 10%, mặc dù sau đó có tăng trở lại. Quặng sắt chiếm khoảng 1% kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên. Các loại quặng và khoáng sản khác chiếm từ 30 đến 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên.
Giá các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Bình Nhưỡng như than đá trên thị trường thế giới đang có xu hướng giảm vào năm 2015. Do vậy, giá của các loại mặt hàng này có thể tiếp tục giảm sau khi thị trường chứng khoán ở Trung Quốc lao dốc, khiến các công ty Triều Tiên làm ăn khó khăn hơn.
Không ai biết chắc điều gì sẽ xảy ra đối với nền kinh tế Trung Quốc. Những người bi quan nói về quá trình thay đổi cơ cấu do sự biến đổi nhân khẩu học gây ra, cũng như bong bóng bất động sản với các khoản nợ xấu khổng lồ của các ngân hàng Trung Quốc. Nhiều nhà phân tích dự đoán, Trung Quốc có thể chỉ phải trải qua quá trình điều tiết thị trường ngắn hạn.
Song, một điều chắc chắn rằng, khi các nhà hoạch định chính sách kinh tế Bình Nhưỡng chứng kiến nền kinh tế suy giảm ở quốc gia láng giềng khổng lồ, họ có thể biết rằng, năm nay không phải là một năm tốt đẹp đối với Triều Tiên.