Ukraine khởi động lại chính quyền: Tài phiệt phân chia quyền lực

Google News

(Kiến Thức) - Tổng biên tập tờ Ucraina.ru cho rằng bầu Quốc hội trước thời hạn ở Ukraine là hình thức phân chia lại quyền lực giữa các tài phiệt.

Bài báo của bà Alena Berezovskaya cũng là tổng biên tập trang Ukraina.ru . Trong bài viết của mình, tác giả nhận xét về việc bầu lại quốc hội nước này trước thời hạn chỉ là quá trình phân chia quyền lực có lợi cho các tài phiệt.
Dưới đây là nội dung bài báo:
Theo tuyên bố của tổng thống Ukraine về bầu quốc hội trước thời hạn và những sự kiện gần đây ở Rađa Tối cao, mọi việc vẫn được thực hiện theo kế hoạch. 2 phái Udar (Liên minh dân chủ vì cải cáchUkraine- đảng chính trị của Thị trưởng Kiev V. Klichko) và Svoboda (Tự do) đã tuyên bố ra khỏi liên minh cầm quyền, như vậy đã đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của liên minh này. 
 Quá trình bầu cử ở Ukraine chỉ là 1 bước trong việc chia chác quyền lực giữa các tài phiệt.
Và như vậy có nghĩa, là không đầy 01 tháng sau ông Poroshenko sẽ có thể giải tán quốc hội, bởi vì liên minh mới chắc khó có thể hình thành trong thời gian còn lại. Sự đổ vỡ đã xảy ra hôm 24/7, và nếu cho là bầu cử sẽ được ấn định vào 26/10, thì khoảng thời gian sẽ gần như là đúng 90 ngày: 30 ngày không có liên minh cộng 60 ngày luật quy định cho chiến dịch vận động trước bầu cử. Như vậy, hành động của Udar và Svoboda không gì khác là sự ủng hộ công khai ý định của tổng thống. Thật vậy, trong ngày 25/8, ông Poroshenko đã tuyên bố giải tán Quốc hội Ukraine trước thềm cuộc hội đàm ở Minsk.
Ông Poroshenko cần bầu cử trước thời hạn để làm gì? Về khách quan đây kkông phải là thời điểm thuận lợi nhất, tuy nhiên tình hình hiện nay trong nước có thể có cả ảnh hưởng tích cực ủng hộ, hoặc chống lại ông. Tổng thống không có lực lượng chính trị mạnh mà ông có thể dựa vào. Đảng Solidarnost (Đoàn kết), theo đánh giá của một số chuyên gia, thì hoặc là có quá ít thành viên, hoặc thậm chí chỉ tồn tại trên giấy. 
Ở Donbass thì đang có chiến tranh – có nghĩa là các khu vực miền Đông chưa chắc đã tham gia vào cuộc bầu cử, nếu như hoạt động quân sự không kết thúc trong thời gian sắp tới. Mặt khác, miền Đông là phe đối lập của chính quyền hiện nay và sẽ không ủng hộ những người đã gây ra cuộc chiến tranh, do đó việc mất khối cử tri này có thể sẽ là rất phù hợp với ông Poroshenko. Thực ra, khi đó quốc hội sẽ không đại diện cho 6,5 triệu người các khu vực miền Đông của Ukraine.
Dù sao ông Poroshenko cũng tính toán rằng, bầu cử trước thời hạn sẽ mang lại cho ông khả năng hình thành đa số quốc hội kiểm soát được. Và việc thiết lập đa số ủng hộ tổng thống ở Rađa Tối cao sẽ mang đến cả một chính phủ trung thành với tổng thống. Đồng thời ngay hiện nay đã loại bỏ dần các lực lượng chính trị đối lập: Quá trình đã được khởi động và bắt đầu bằng việc loại bỏ đảng Cộng sản Ukraine KPU. Như vậy, nếu việc bầu lại quốc hội diễn ra, cùng với dự án sửa đổi hiến pháp thì ông Poroshenko thực chất sẽ có trong tay quyền lực không hạn chế.
Một bộ phận các đại biểu quốc hội chống lại điều này. Như mọi người đều biết, dự thảo Hiến pháp của ông Poroshenko đã không được các đảng Svoboda và Batkovshina (Tổ quốc) ủng hộ. Đảng viên của Svoboda không vừa lòng với việc không đề xuất nào của họ được đưa vào dự thảo, Batkovshina kết tội Tổng thống Ukraine tiếm quyền. Tuy đảng của bà Yuliya Timoshenko đã ủng hộ tiến hành bầu cử quốc hội trước thời hạn. Nhưng đó hoàn toàn lại không phải là ủng hộ đường lối của Tổng thống Poroshenko: đơn giản là Batkovshina dự kiến sẽ nhận được số phiếu cần thiết trong cuộc bầu cử này. Phái này tuyên bố thông qua luật bầu cử trên cơ sở tỷ lệ phiếu thu được theo danh sách mở. Đồng thời ủng hộ lập lại ngay lập tức trật tự ở miền Đông và giải phóng lãnh thổ khỏi “bọn xâm lược Nga và bọn khủng bố ủng hộ chúng”.
Thực chất, bầu cử trước thời hạn cần hơn cả cho Tổng thống Ukraine. Phần lớn các đại biểu quốc hội ủng hộ việc để nguyên mọi thứ cho đến năm 2017, mà sau bầu cử tháng 10 tới nhiều vị hóa ra là sẽ có nguy cơ mất việc. Các chuyên gia cho rằng, Oleg Lyashko, Sergey Tigipko (thủ lĩnh đảng Ukraine mạnh) và Anatoliy Gritsenko có mọi khả năng thành lập được phái trong quốc hội. 
Theo kết quả thăm dò xã hội học được công bố trên mạng Internet cuối tháng 6, trong bầu cử 26/10 28,4% cử tri có thể bầu cho đảng Solidarnost (trái với dự báo của các nguồn khác), 12,1% bầu cho Batkovshina, Udar sẽ nhận được 7,4% phiếu bầu. Đảng Radikal (Cực đoan) của Oleg Lyashko được 8,4% cử tri ủng hộ, đảng của Anatoliy Gritsenko– 5,1%. Có thể không vượt qua được rào cản 5% . 
Theo luật bầu cử Ukraine, các đảng tranh cử theo danh sách đảng, đảng không thu được đủ 5% tổng số phiếu sẽ không có đại biểu trong quốc hội. các đảng thu được số phiếu trên ngưỡng này chia nhau số ghế theo tỉ lệ phiếu thu được. 
Cụ thể, theo kết quả thăm dò, các đảng đạt ngưỡng có thể là các đảng Svoboda và Ukraine mạnh, còn Right Sector sẽ chỉ nhận được 1,4% phiếu bầu. Đấy là dự báo của tháng 6. Tuy nhiên chiến tranh ở Donbass càng kéo dài, mang lại càng nhiều thương vong thì sự ủng hộ ông Poroshenko sẽ càng giảm đi, bởi vì không chỉ dân cư miền Đông bị chết, mà cả người các khu vực khác nữa. Vì vậy tương quan lực lượng chính trị hôm nay đã có thể khác đi. Mà một tháng nữa thì sẽ còn khác hẳn.
Trên thực tế phía sau việc bầu lại quốc hội đang diễn ra dưới các khẩu hiệu đổi mới và làm cho trong sạch chính là sự phân chia lại một lần nữa quyền lực giữa các tài phiệt. Ông Poroshenko và bà Timoshenko, cho dù có một vài điểm đồng, vần là các đối thủ cạnh tranh và kẻ thù của nhau như trước. Còn thống đốc tỉnh Dnepropetrovsk  Kolomoiskiy đang dùng các tiểu đoàn lính đánh thuê hoành hành ở Donbass theo đuổi các mục đích riêng và khó có thể chịu đứng ngoài cuộc đấu chính trị. Trong cuộc đối đầu với Poroshenko, ông này có thể liên minh với Batkovshina và các lực lượng chính trị khác. Vì vậy sự phân chia lực lượng có thể thay đổi theo tình hình trong nước– cả ở miền Đông, và trên toàn bộ lãnh thổ còn lại của Ukraine, nước đang trải qua giai đoạn tiếp theo của cuộc khủng hoảng kinh tế– xã hội. Một số chuyên gia cho rằng, uy tín của các đảng cực đoan, trong đó có Svoboda sẽ còn tăng lên.
Khởi động lại toàn bộ chính quyền đã và vẫn là yêu cầu chủ yếu của phong trào chống đối chính quyền của cựu Tổng thống Ukraine V. Yanukovich. Đồng thời sự bất mãn đối với chính quyền hiện nay của “các nhà cách mạng bị quên lãng một cách bất công” đang tiếp tục tăng lên. Ở Ukraine người ta đã bắt đầu nói đến “Maiđan thứ 3”. Không phải chỉ có những đội viên tích cực, mà ngay cả các đảng chính trị cũng bắt đầu nói như vậy, ví dụ như Batkovshina. Bà Yuliya Timoshenko, đã trải qua thất bại khi tranh cử tổng thống, cũng không định cứ ẩn trong bóng tối. Right Sector, có nguy cơ không vào được quốc hội, cũng khó mà muốn đứng ngoài cuộc chia sẻ thành quả của cách mạng. 
Không thể gạt bỏ được cảm giác là con thuyền đang tròng trành về mọi phía này ngày càng trở nên khó điều khiển hơn. Không chỉ đối với giới chóp bu cầm quyền Ukraine hiện nay, mà ngay cả đối với người cầm quyền thực chất ở Ukraine là Mỹ. Và nhân dân Ukraine sẽ phải gánh chịu toàn bộ các hậu quả bi đát của cuộc chia chác quyền lực này.
Nguyễn Vũ

Bình luận(0)