Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh Theresa May vẫn là chính đảng giành được nhiều ghế nhất (318 ghế) trong cuộc bầu cử trước hạn ngày 8/6 vừa qua, song vẫn không đủ quá bán cần thiết và thậm chí còn để mất 12 ghế so với kỳ bầu cử trước, trong khi Công đảng đối lập giành được 262 ghế, tăng 30 ghế so với trước đó.
|
Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố sẽ không từ chức và đứng ra thành lập chính phủ mới. Ảnh: BSNEWS |
Đi hay ở
Sau khi kết quả chính thức được công bố, nhiều nghị sỹ Công đảng và những người ủng hộ đã nhanh chóng gây áp lực với bà May. Bà Nia Griffith, nghị sỹ của Llanelli (thị trấn lớn nhất của hạt Carmarthenshire và Dyfed, xứ Wales), người được cho là nhiều khả năng sẽ giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng trong Chính phủ Công đảng, khẳng định Công đảng “luôn sẵn sàng” đảm nhiệm trọng trách lãnh đạo.
Trả lời phỏng vấn Đài BBC, bà nói: “Tôi cho là bà May đã có một quyết định hết sức sai lầm, và nói một cách thẳng thắn rằng bà ấy nên đứng sang một bên để tới lượt chúng tôi”. Công đảng cho rằng họ hoàn toàn có thể thành lập một chính phủ thiểu số với 262 ghế (trong khi số ghế tối thiểu cần thiết là 326 ghế). Theo bà Griffith, lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn, người được nhiều tờ báo cho là đã “chiến thắng” trong cuộc bầu cử vừa qua, đã giúp đảng này tự tin vào khả năng hiện thực hóa và tính khả thi trong các chính sách của mình.
Áp lực đang tiếp tục đè nặng lên vai Thủ tướng May sau khi hai cố vấn cấp cao của bà là Nick Timothy và Fiona Hill, đồng Chánh văn phòng Nội các của Thủ tướng May, từ chức. Hai quan chức này trong những ngày qua đã hứng chịu hàng loạt chỉ trích từ trong chính nội bộ đảng Bảo thủ vì chiến dịch tranh cử kém hiệu quả khiến đảng này để mất thế đa số tại Quốc hội. Theo Washington Post, hai cố vấn của bà May đệ đơn từ chức trong bối cảnh giới chức ở Phố Downing đang bắt đầu tính đến một sự ra đi lớn hơn của chính Thủ tướng Theresa May.
Một số thành viên cấp cao trong đảng Bảo thủ lên tiếng ủng hộ bà May, đồng thời nhấn mạnh rằng nước Anh không thể tiếp tục trải qua những biến động mới như việc bắt đầu tìm kiếm tân lãnh đạo khi thời điểm tiến hành các cuộc đàm phán về Brexit đang tới gần. Tuy nhiên, nhiều thành viên khác đã giữ im lặng và báo giới cho rằng chính sự im lặng này mới là điều cần đặc biệt lưu ý. Washington Post cho biết đảng Bảo thủ đang âm thầm tiến hành các cuộc tranh luận về việc có nên để bà May từ chức hay không, và nếu có thì sẽ là thời điểm nào, nếu không phải ngay lập tức thì có nên là trong một vài tháng nữa sau khi các cuộc đàm phán về Brexit bắt đầu.
Nếu bà May rời khỏi số 10 Phố Downing thì đây sẽ là lần thứ hai trong vòng 1 năm trở lại đây nước Anh phải chứng kiến sự thay đổi lãnh đạo sau khi một thủ tướng của đảng Bảo thủ đánh cược sự nghiệp chính trị của mình để chịu lấy cay đắng khi kêu gọi một cuộc bỏ phiếu quy mô toàn quốc. Việc bà May sẽ ra đi hay ở lại là câu hỏi không dễ trả lời, bởi người ta từng đoán chắc về chiến thắng của bà trong cuộc bầu cử trước hạn ngày 8/6. Và lẽ dĩ nhiên, không ai trong đảng Bảo thủ chuẩn bị cho kế hoạch thay thế bà.
Tối 9/6, Chính phủ đảng Bảo thủ tuyên bố đã nhất trí trên nguyên tắc với đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP - đảng chính trị lớn nhất Bắc Ireland) về sự ủng hộ của đảng này đối với Thủ tướng May trong việc thành lập chính phủ liên minh. Điều này đồng nghĩa với việc bà sẽ phải tiến hành một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong nội bộ đảng để tiếp tục nắm giữ cương vị lãnh đạo, và nếu có đủ số thành viên đảng Bảo thủ bỏ phiếu chống, việc bà May ra đi sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Washington Post bình luận: “Những người của đảng Bảo thủ từng có tiền lệ lạnh lùng cách chức lãnh đạo của mình - Margaret Thatcher là một ví dụ điển hình, nhất là khi họ cho rằng những nhà lãnh đạo này bắt đầu giống một gánh nặng hơn là một tài sản có giá trị”. Thậm chí, BBC còn miêu tả bầu không khí bất lợi cho bà May ngay tại Văn phòng Thủ tướng bằng việc dẫn lời một quan chức cấp cao đã nghỉ hưu cho rằng số 10 Phố Downing đang “rối loạn” và “u ám”.
Katie Perrior, từng là Giám đốc phụ trách truyền thông của bà May, cho biết mọi chuyện dường như đã vượt quá khả năng của nhà lãnh đạo này sau khi bà từ Bộ trưởng Nội vụ trở thành Thủ tướng nước Anh hồi tháng Bảy năm ngoái. Bà Perrior được Washington Pot dẫn lời nói: “Nỗ lực thay đổi tại số 10 khó hơn nhiều những gì bà ấy dự tính”.
Nhiều tờ báo vốn ủng hộ Thủ tướng nước Anh cũng cho rằng đã đến lúc bà May phải ra đi. Tờ Daily Mail đăng ảnh bức tượng của Thủ tướng nước Anh với dòng chú thích “Phe Bảo thủ chĩa mũi dùi vào Theresa (May)”, trong khi tờ Times of London đăng tải một bài xã luận trong đó cho rằng bà May đã đẩy đất nước vào tình trạng “khẩn cấp” khi đánh giá sai tâm lý của cử tri và giờ bà sẽ phải ra đi “với thương tích đầy mình”. Bài viết có đoạn: “Nếu bà ấy không nhận thức được rằng đó là một nước cờ thảm họa khác, mà vẫn tiếp tục cố chấp với vị trí này thì điều bà ấy nhận được là việc chính đảng của bà ấy sẽ tìm cách tổ chức một cuộc bầu cử để thay thế bà”.
Brexit “lạc trôi”
Tờ The Independent cho rằng cuộc bầu cử ngày 8/6 được kỳ vọng là sẽ vạch rõ lộ trình cho các cuộc đàm phán về việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), song “thất bại” của bà May lại khiến tiến trình Brexit đứng trước nhiều rủi ro.
Thất bại của Thủ tướng Anh trong việc gia tăng thế đa số cho đảng Bảo thủ tại Quốc hội đồng nghĩa với việc bà, hoặc thậm chí là người kế nhiệm, sẽ không chỉ phải vượt qua những thách thức rất lớn khi muốn Hạ viện thông qua các điều khoản về Brexit, mà còn phải đối diện với nguy cơ bị Thượng viện phản đối kịch liệt.
Theo The Independent, khi tuyên bố sẽ đệ trình Quốc hội xem xét các điều khoản về Brexit sau khi giai đoạn đàm phán kết thúc, Thủ tướng May không hề nói về việc mọi chuyện sẽ như thế nào nếu Quốc hội nước Anh bỏ phiếu chống. Nếu kịch bản này xảy ra, việc triển khai Điều 50 của Hiệp ước Lisbon có thể sẽ phải hoãn lại, và mọi chuyện phụ thuộc vào quyết định của 27 nước thành viên còn lại của EU. Nếu tất cả các bên cùng đồng thuận, quá trình đàm phán sẽ được kéo dài thêm.
The Independent cho rằng nếu EU muốn “tống cổ” nước Anh càng nhanh càng tốt thì mọi chuyện sẽ rõ ràng hơn, còn nếu EU không muốn nước này ra đi, và họ đủ kỳ vọng vào khả năng thay đổi quyết định của các cử tri Anh để tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai, hai bên sẽ lại phải tiếp tục dành nhiều năm để đàm phán. Có người từng nhắc đến khả năng nước Anh thành lập một chính phủ với hợp tác giữa các chính đảng trong vấn đề Brexit và việc thành lập một ủy ban chung để giám sát các cuộc đàm phán và đảm bảo sự đồng thuận trong tiến trình này. Tuy nhiên, khả năng giới lãnh đạo Công đảng hay Thủ tướng của đảng Bảo thủ lựa chọn con đường này gần như là bất khả thi
Thủ tướng May ngày 10/6 nói nước Anh sẽ khởi động tiến trình đàm phán về việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, theo đúng kế hoạch "trong vòng 2 tuần tới". Tuyên bố được đưa ra ngay sau khi có thông tin đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) đã nhất trí ủng hộ Chính phủ thiểu số của bà May tại Quốc hội. Theo Văn phòng Thủ tướng Anh, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Đức Angela Merkel, Thủ tướng May khẳng định nước Anh đã sẵn sàng khởi động các cuộc đàm phán Brexit.
Nhiều nhà lãnh đạo EU trước đó đã bày tỏ lo ngại rằng kết quả bất ngờ của cuộc tổng tuyển cử ở Anh đe dọa khả năng triển khai các cuộc đàm phán Brexit vào ngày 19/6 theo đúng kế hoạch do thiếu một đối tác đàm phán chắc chắn. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã cảnh báo nước Anh về nguy cơ không đạt được thỏa thuận Brexit nếu các cuộc thương lượng giữa hai bên bị trì hoãn. Theo ông Donald Tusk, quỹ thời gian để tiến hành thương lượng về Brexit đang dần thu hẹp.