Bầu cử Anh: Brexit không còn là mối quan tâm hàng đầu

Google News

Không như dự đoán ban đầu, Brexit và nhập cư không còn là mối quan tâm hàng đầu của cử tri Anh lúc này.

Hàng triệu cử tri Anh hôm nay đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội sớm tại nước này. Thủ tướng Theresa May đã yêu cầu một cuộc bầu cử sớm, với hi vọng có thể tăng cường vị thế của mình trên bàn đàm phán về việc Anh rời Liên minh châu Âu, hay còn gọi là Brexit.
Bau cu Anh: Brexit khong con la moi quan tam hang dau
Quân nhân và cảnh sát tuần tra bảo đảm an ninh ở thủ đô London. Ảnh: epeak. 
Tuy nhiên, không như dự đoán ban đầu, Brexit và nhập cư không còn là mối quan tâm hàng đầu của cử tri Anh lúc này, mà thay vào đó là các vấn đề như y tế, an sinh xã hội và đặc biệt là an ninh. Chỉ trong chưa đầy 3 tháng qua, nước Anh đã là mục tiêu của 3 vụ tấn công khủng bố đẫm máu.
Brexit là nguyên nhân chính dẫn tới việc nước Anh tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn, dù nhiệm kỳ của Quốc hội hiện nay còn 3 năm nữa mới kết thúc. Thủ tướng Theresa May lên cầm quyền sau khi người tiền nhiệm từ chức chứ không phải nhờ lá phiếu bầu của cử tri. Vì thế, bà muốn có một “sự ủy thác quyền lực rõ ràng” để tăng cường vị thế của mình trên bàn đàm phán với Liên minh châu Âu.
Với chủ trương về một “Brexit cứng”, vị nữ lãnh đạo của nước Anh này cũng nhiều lần nhấn mạnh, thà không đạt được thỏa thuận còn hơn là một thỏa thuận tồi và mong muốn đưa việc soạn thảo một thỏa thuận hậu Brexit vào các cuộc đàm phán, song bị Ủy ban châu Âu bác bỏ.
Tuy nhiên, trên thực tế, các cuộc tranh luận hiện nay thay vì đề cập tới chủ trương của nước Anh trong các cuộc đàm phán, lai đều tập trung vào vấn đề tư cách của bà Theresa May và đối thủ chính, lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn, cũng như các thể thức của Brexit. Ông Corbyn từng khẳng định ông chấp nhận “phán quyết của nhân dân” ủng hộ việc Anh rời Liên minh châu Âu, song cũng nhấn mạnh không muốn “gây căng thẳng” với Liên minh châu Âu, đồng thời coi việc không đạt được thỏa thuận nào là điều tồi tệ nhất, hoàn toàn trái ngược với quan điểm của bà Theresa May.
Hiện chỉ có duy nhất đảng Tự do Dân chủ trung hữu là tập trung chiến dịch vào chủ đề này, với cam kết sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về kết quả các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu và thậm chí là cho phép cử tri “bỏ phiếu để ở lại”. Tuy nhiên, đảng này dường như lại không lôi kéo được những cử tri từng bỏ phiếu chống lại việc nước Anh rời Liên minh châu Âu.
Vào những giờ vận động tranh cử cuối cùng ngày 7/6, Thủ tướng Theresa May đã cố gắng đưa cử tri quay lại mục tiêu cốt lõi của cuộc bầu cử khi kêu gọi người dân thể hiện "mạnh mẽ và kiên định” để có thể giành được thỏa thuận tốt nhất cho nước Anh ở châu Âu.
“Câu hỏi đặt ra lúc này là bạn tin tưởng vào ai để có được một sự lãnh đạo mạnh mẽ và kiên định để có thể đạt được một thỏa thuận tốt nhất cho nước Anh ở châu Âu,” bà Theresa nói. “Đây cũng là những vấn đề của Brexit và là cơ sở cho mọi thứ khác mà nước Anh cần.”
Có thể nói, vụ tấn công khủng bố tại Manchester hôm 22/05 và mới đây nhất là ở trung tâm thủ đô London hồi cuối tuần trước đã làm thay đổi mối quan tâm của cử tri Anh, đưa an ninh trở thành chủ đề nóng nhất trong các chiến dịch tranh cử. Phe đối lập chỉ trích Thủ tướng Theresa May khi cắt giảm 14% quân số cảnh sát khi còn là Bộ trưởng Nội vụ Anh (2010-2016).
Đảng độc lập Vương quốc Anh tới nay vẫn cáo buộc bà Theresa May phải chịu một phần trách nhiệm về vụ tấn công tại Manchester. Trong khi Công đảng cam kết tuyển mộ thêm 10.000 cảnh sát và tăng cường các lực lượng an ninh, bà Theresa May lại tập trung vào việc tăng cường các biện pháp chống khủng bố đồng thời cáo buộc thủ lĩnh Công đảng Corbyn thiếu kinh nghiệm và sự đáng tin cậy trong vấn đề này. Lãnh đạo đảng Bảo thủ cũng cam kết tăng cường các quy định luật pháp chống khủng bố.
Không chỉ an ninh, mà y tế và phúc lợi xã hội cũng là những hồ sơ được cử tri Anh quan tâm nhất lúc này. Là niềm tự hào của nước Anh trong hàng thập kỷ qua, Cơ quan Dịch vụ Y tế quốc gia Anh, được thành lập từ năm 1948 lại đang trên bờ vực sụp đổ do ngày càng xuất hiện nhiều cuộc khủng hoảng và mùa đông cũng ngày càng khắc nghiệp hơn. Vì thế, có thể nói, đảng nào, ứng cử viên nào có khả năng vực dậy cơ quan này sẽ nhận được nhiều lá phiếu của cử tri hơn.
Theo các nhà phân tích, cuộc bầu cử Quốc hội Anh đã không còn là “cái kết được dự báo trước” như nhận định của giới phân tích trước đó, mà đã trở nên gay cấn và khó đoán định hơn rất nhiều. Liên tiếp các sự kiện, các cuộc khủng hoảng xảy ra thời gian qua tại Anh đã làm thay đổi mối quan tâm của cử tri Anh.
Một kịch bản được dư luận nhắc tới nhiều nhất hiện nay là việc không có đảng nào giành được thế đa số tại Quốc hội. Khi đó, các đảng lại phải bắt đầu các cuộc thảo luận thành lập liên minh để thành lập Chính phủ mới. Có thể nói đây là một kịch bản không mong muốn đối với bà Theresa May, bởi như thế vị thế của bà sẽ bị suy yếu trong các cuộc đàm phán chính thức về Brexit, đồng thời nước Anh có nguy cơ rơi vào hỗn loạn chính trị. Nền kinh tế Anh cũng sẽ gặp bất ổn hơn, còn các chính sách của chính phủ trong mọi lĩnh vực cũng sẽ gặp khó khăn.
Thủ tướng Theresa May cảnh báo: “Một kịch bản tồi tệ là nếu chúng ta mất 6 ghế, tức là mất thế đa số tại Quốc hội, thì mọi việc sẽ trở nên khó khăn hơn. Tất cả chúng ta đều hiểu rằng, kịch bản này đồng nghĩa với nền kinh tế bị đứt quãng, thuế cao hơn, vay mượn cao hơn và ai sẽ phải trả giá cho những điều này? Câu trả lời chính là những người dân lao động bình thường.”
Các kết quả thăm dò cuối cùng công bố ngày hôm qua cho thấy, đảng Bảo thủ của Thủ tướng May vẫn dẫn trước Công đảng đối lập từ 5% đến 12%. Tuy nhiên, đây sẽ không phải là một chiến thắng vang dội như dự đoán vào thời điểm Thủ tướng Theresa May công bố quyết định tiến hành bầu cử sớm 7 tuần trước đây. Tại thời điểm đó, đảng Bảo thủ dẫn trước Công đảng với tỷ lệ ủng hộ cách biệt 19%. Theo kế hoạch, các địa điểm bỏ phiếu sẽ mở cửa vào lúc 6h GMT (13h theo giờ Việt Nam) ngày hôm nay và đóng cửa vào lúc 21h cùng ngày. Kết quả sơ bộ cũng được công bố ngay trong ngày hôm nay./.
Theo Thu Hoài/VOV-Trung tâm Tin

>> xem thêm

Bình luận(0)