TT Putin chiếm thế thượng phong ở khủng hoảng Ukraine?

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều chuyên gia phân tích chính trị cho rằng, Tổng thống Nga Putin nắm vị trí thượng phong trong các cuộc hội đàm bàn về cách giải quyết khủng hoảng Ukraine.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế-chính trị ít nhiều bị ảnh hưởng bởi những lệnh trừng phạt của phương Tây, thì Tổng thống Nga Putin vẫn nắm trong tay những “con át chủ bài” trong cuộc hòa đàm ở thủ đô Minsk của Belarus ngày 11/2.
TT Putin chiem the thuong phong o khung hoang Ukraine?
 4 nhà lãnh đạo thế giới tham dự cuộc đàm phán quan trọng về khủng hoảng Ukraine ở Minsk ngày 11/2.
Nhiều tháng qua, các lãnh đạo phương Tây vẫn luôn duy trì một quan điểm về việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Theo đó, họ loại bỏ giải pháp quân sự và kêu gọi các bên liên quan tìm cách giải quyết mâu thuẫn đó bằng ngoại giao. Tuy nhiên, ở Minsk, họ đã đối mặt với một điều thực tế rằng, Tổng thống Putin vẫn ở thế thượng phong.
Quả thực, trong một dấu hiệu chứng tỏ sự kiên định của châu Âu đối với vấn đề này, ngày 11/2, Thủ tướng Merkel (nhân vật chính trị được cho là quyền lực nhất ở Lục địa già) và Tổng thống Pháp Hollande (lãnh đạo đất nước lớn nhất Tây Âu) đã lên đường sang Minsk với hi vọng “làm sống lại” tiến trình hòa bình mong manh được thiết lập cũng ở Minsk hồi tháng 9/2014. Hai nhà lãnh đạo Đức-Pháp đã nỗ lực hết sức mình mặc dù Phát ngôn viên của bà Merkel, ông Steffen Seibert nhận xét rằng, đó chỉ là “một tia hi vọng” nhỏ nhoi.
Tuy nhiên, ở hội đàm Minsk diễn ra ngày 11/2 lần này, quan điểm của châu Âu về  “giải pháp chính trị” trên đã đối mặt với thực tế khó khăn do ông Putin tạo ra.
Bà Fiona Hill, nhân viên tình báo cao cấp của Mỹ chuyên về Nga và giờ là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Mỹ và châu Âu ở Viện Brookings, chia sẻ quan điểm rằng: “Ông ấy (tức Tổng thống Putin) đã chơi một trò chơi lâu dài ở trên nhiều mặt trận. Khi chúng ta mới bắt tay vào nói chuyện về một giải pháp quân sự thì ông Putin đã bắt đầu nói về ngoại giao rồi”.
Bà Hill dự đoán rằng, bất cứ thỏa thuận ngừng bắn mới nào đạt được ở hòa đàm Minsk ngày 11/2 cũng chỉ kéo dài trong thời gian tạm thời, giống với lệnh ngừng bắn trước kia. Vị chuyên gia trên lý giải câu nói trên của mình bằng một lý do rằng, phụ thuộc vào những lợi ích tốt nhất cho Nga, ông Putin sẽ liên tục xoay chuyển giải pháp về khủng hoảng Ukraine từ lựa chọn ngoại giao cho tới lựa chọn quân sự.
Theo quan điểm của mình, bà Hill chỉ ra, trong khi phương Tây luôn thể hiện rõ ràng yêu cầu của họ đối với giải quyết khủng hoảng Ukraine thì ông Putin lại luôn khiến mọi người phải nhọc công “đoán ra xem ông ấy muốn điều gì”.
Trong khi đó, chuyên gia về nước Nga tại Trung tâm Chính sách châu Âu, bà Amanda Paul nói rằng, chính khoảng cách giữa chính sách ngoại giao bền bỉ của châu Âu với cách tiếp cận của ông Putin về Ukraine đã khiến cho Moscow và Brussels “đang ở hai thái cực hoàn toàn khác nhau”. “Ông Putin có thể qua mặt chúng ta bởi vì ông ấy biết giới hạn của chúng ta ra sao”, bà Amada nói.
TT Putin chiem the thuong phong o khung hoang Ukraine?-Hinh-2
 Đoàn xe quân sự bọc thép xuất hiện ở miền đông Ukraine.
Các chuyên gia phân tích khá hoài nghi về triển vọng của một thỏa thuận ở vòng hòa đàm Minsk (ngày 11/2). Họ cho rằng, hi vọng về một sự ổn định lâu dài ở miền đông Ukraine sẽ là rất mong manh.
Trên tâm thế đó, khi được phóng viên hỏi về việc liệu 4 nhà lãnh đạo tham gia cuộc đàm phán Minsk có thể đạt được một thỏa thuận ngừng bắn khả quan nào cho vùng Donbass hay không, Chủ tịch ủy ban đối ngoại ở Quốc hội Đức, ông Norbert Rottgen nói rằng, ông khá quan ngại về điều đó.
“Tôi cho rằng, có thể sẽ chẳng có gì ở đây cả bởi vì ông Putin thường nắm giữ thế thượng phong nhất định trong một thời gian ngắn. Trong khi đó, ông Poroshenko lại chí có một giới hạn nhất định để xử lý các tình huống”, ông Norbert nói.
Dư luận quốc tế vẫn đang tranh cãi gay gắt về việc có nên cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine hay không thì các quốc gia phương Tây lại có đầy đủ lý do thuyết phục để gạt bỏ ý định viện trợ trên cho Kiev. Giải thích về điều đó, Ngoại trưởng Italy, ông Paolo Gentiloni trong một cuộc phỏng vấn với tờ The New York Times đã thẳng thắn bộc lộ rằng: “Chỉ có một thứ mà ông Putin không sợ đó là quân sự. Tuy yếu về nhiều lĩnh vực, nhưng Nga lại rất mạnh về quân sự”.
Thanh Nga (theo NY Times)

Bình luận(0)