Đô đốc Yin Zhuo, người đứng đầu Ủy ban Cố vấn Thông tin Hải quân Trung Quốc, nói Trung Quốc tập trận trên Biển Đông - huy động 100 tàu chiến, tàu tấn công đổ bộ, không quân hải quân và lực lượng tên lửa chiến lược - là vì lý do chính trị để chứng minh rằng nước này có khả năng bảo vệ lãnh thổ. Ông Yin Zhuo nói cuộc tập trận (bao trùm cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) này không nhằm chống lại bất kỳ nước nào, nhưng đây là một lời cảnh báo dành cho các bên khác đang “yêu sách” chủ quyền ở Quần đảo Trường Sa.
|
Đô đốc Yin Zhuo nói Trung Quốc tập trận trên Biển Đông là lời cảnh báo dành cho các bên khác đang “yêu sách” Quần đảo Trường Sa. |
Nhân Dân nhật báo dẫn lời Đô đốc Yin Zhuo nói rằng cuộc tập trận lớn ở Biển Đông đang có tranh chấp ngày 28/7 cũng là để kiểm nghiệm năng lực của Quân đoàn pháo binh thứ hai (Lực lượng tên lửa chiến lược của Trung Quốc) trong việc đánh chìm tàu chiến của đối phương.
Cuộc tập trận lớn này cũng nhằm kiểm nghiệm khả năng của các loại tàu chiến Type 052C, tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type 052D và tàu khu trục tên lửa Type 054A trong việc đánh bại máy bay, tên lửa và trinh sát điện tử của đối phương - phối hợp lực lượng không quân của hải quân và Quân đoàn pháo binh thứ hai (Lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc). Đô đốc Yin Zhou nói rằng các tàu chiến Trung Quốc đã vô hiệu hóa thành công các hệ thống radar của máy bay cảnh báo sớm “thù địch” với sự hỗ trợ của các đơn vị tác chiến điện tử của Quân khu Quảng Châu.
Đồng thời, cuộc tập trận lớn này cũng cho phép các Quân đoàn pháo binh thứ hai kiểm tra tên lửa đạn đạo chống tàu như DF-21. Được biết đến là “sát thủ diệt tàu sân bay”, tên lửa DF-21D có khả năng đánh chìm các loại tàu chiến lớn. Đô đốc Yin Zhuo cho biết đây là loại tên lửa khiến cho việc đánh chặn của đối phương là vô cùng khó khăn. Ông này nói Quân đoàn pháo binh thứ hai có quyền triển khai các tên lửa khi đất liền và hải đảo của Trung Quốc bị tấn công.
Đô đốc Yin Zhuo cũng cho biết rằng cuộc tập trận trên Biển Đông ngày 28/7 là ở cấp chiến dịch: "Nếu một cuộc chiến giữa Trung Quốc và các nước khác thực sự bắt đầu ở Biển Đông, nó sẽ không vượt quá cấp chiến dịch”.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ diện tích Biển Đông và tranh chấp chủ quyền với Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc đã ráo riết tiến hành các hoạt động bồi đắp trái phép ở Quần đảo Trường Sa, biến 7 bãi đá ngầm và rạn san hô thành các “đảo nhân tạo” và đang xây dựng các công trình “lưỡng dụng” trên đó, bao gồm cả đường băng dài 3.000 mét cho phép hầu như tất cả các loại máy bay quân sự của nước này cất hạ cánh. Trung Quốc có ý đồ thiết lập các tiền đồn quân sự trên các “đảo nhân tạo” để khống chế toàn bộ khu vực nam Biển Đông đến tận eo biển Malacca.