Đó là nhận định của giáo sư James Holmes làm việc tại Đại học Chiến tranh Hải quân (Mỹ) trong bài viết đăng trên trang mạng The National Interest ngày 11/8/2016.
|
Giáo sư James Holmes: Sau phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài, Trung Quốc chuyển từ chiến thuật “cây gậy nhỏ” sang “cây gậy lớn”. Ảnh The Diplomat |
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn kêu gọi cả nước để sẵn sàng cho một cuộc "chiến tranh nhân dân trên biển".
Mục đích của cái gọi là “chiến tranh nhân dân trên biển” của Trung Quốc là gì? Phải chăng là để bảo vệ cái gọi là chủ quyền phi pháp ở Biển Đông, sau phán quyết bất lợi của Tòa án Quốc tế về Luật Biển (Tòa Trọng tài ở La Haye).
Tòa Trọng tài ở La Haye - được thành lập theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) - đã thẳng thừng bác bỏ tuyên bố của Bắc Kinh về "chủ quyền không thể tranh cãi" đối với 80-90% diện tích Biển Đông.
Các nước Đông Nam Á và cộng đồng thế giới cần đề cao cảnh giác trước việc Bộ trường Quốc phòng Trung Quốc kêu gọi “chiến tranh nhân dân trên biển” và đề phòng nguy cơ xảy ra hải chiến ở Biển Đông. Các nhà chính khách và các vị chỉ huy quân đội ở khu vực và trên thế giới không nên coi lời kêu gọi tiến hành “chiến tranh nhân dân trên biển” là lời dọa dẫm suông.
Lời kêu gọi của tướng Thường Vạn Toàn cho thấy Trung Quốc đang từ bỏ chính sách “cây gậy nhỏ” ở các vùng biển liền kề. Chính sách này sử dụng lực lượng Cảnh sát biển và các lực lượng phi quân sự khác để tuần tra các vùng biển tranh chấp mà Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền. Trên Biển Đông, Cảnh sát biển Trung Quốc (còn gọi là Hạm đội Trắng) quả là không có đối thủ ngang tầm, nếu xét về số lượng và trang bị kỹ thuật.
Không vấp phải sức kháng cự đáng kể, Cảnh sát biển Trung Quốc gần như độc quyền về việc sử dụng vũ lực trong cái gọi là “đường 9 đoạn” mà nước này tự vẽ ở Biển Đông và ngày càng trở nên hung hăng hơn.
Phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài ở La Haye đã giáng một đòn mạnh vào cái gọi là chính sách “cây gậy nhỏ” của Trung Quốc ở Biển Đông. Tòa Trọng tài phán rằng việc các lực lượng trên biển của Trung Quốc xâm nhập và hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines là trái với luật pháp quốc tế.
Khi không thể đạt được mục tiêu thâu tóm Biển Đông bằng các tàu Cảnh sát biển vỏ trắng, Trung Quốc chuyển sang sử dụng các tàu chiến hải quân vỏ xám, vốn chỉ lấp ló đằng sau các tàu vỏ trắng để thị uy. Trung Quốc triển khai lực lượng quân sự để “đấu tranh” cho những điều đang có tranh chấp. Tuyên bố hiếu chiến của Bộ trưởng Quốc phòng Thường Vạn Toàn cho thấy Bắc Kinh đã từ bỏ cách tiếp cận “mềm” và ngụ ý rằng Đông Nam Á là một khu vực tranh chấp.
Không chỉ sử dụng vũ lực quân sự, Trung Quốc còn sử dụng các lực lượng Cảnh sát biển, chấp pháp biển và lực lượng dân binh từ các đội tàu đánh cá khổng lồ...tạo thành một hạm đội hỗn hợp. Trong đó, Hải quân và Không quân Trung Quốc đóng vài trò nòng cốt.
Trong cái thời theo đuổi chính sách “cây gậy nhỏ”, các “cây gậy lớn” của Hải quân Trung Quốc luôn tạo ra một mối đe dọa tiềm ẩn từ xa, lấp ló ở đường chân trời.
Dường như, ban lãnh đạo Trung Quốc sẽ theo đuổi chính sách “cây gập lớn” táo tợn hơn trong tương lai, tạo ra các mối đe dọa công khai và rõ ràng, chứ không còn tiềm ẩn và không phô trương như thời “cây gậy nhỏ”.
Trung Quốc ngày nay không phải là Trung Quốc thời Mao Trạch Đông. Nước này đã trở thành một cường quốc kinh tế-quân sự và đủ sức chiến đấu trên chiến trường. Hiện thời, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có nhiều lựa chọn tấn công hơn so với Hồng quân của Chủ tịch Mao Trạch Đông. Thay vì tiến hành “chiến tranh nhân dân” như thời Mao Trạch Đông, các chỉ huy quân đội Trung Quốc có thể theo đuổi một chiến thuật pha trộn giữa các “cây gậy nhỏ” và “cây gậy lớn” để chống lại liên minh do Mỹ dẫn đầu.
Sau đó, cái gọi là “chiến tranh nhân dân” này có thể trở thành một cuộc chiến qui mô lớn trên biển, nếu Bắc Kinh tin rằng cán cân quân sự nghiêng về hướng có lợi cho Trung Quốc.