|
Chủ tịch Tập Cận Bình (phải) đã thẳng thừng chỉ trích tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. |
Việc Trung Quốc theo đuổi một chính sách mới đối với Triều Tiên không phải là hoàn toàn xa lạ. Chính sách Triều Tiên của Trung Quốc đã từng bước dịch chuyển theo một hướng xây dựng hơn trong hai thập kỷ qua. Điều này thể hiện vai trò toàn cầu ngày càng lớn hơn của Trung Quốc do sức mạnh kinh tế mang lại.
Ngay sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ hai trong năm 2009, các quan chức Trung Quốc đã tiến hành đánh giá lại chính sách Triều Tiên và quyết định tách vấn đề hạt nhân khỏi các mối quan hệ song phương nói chung.
Do đó, cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo tới Bình Nhưỡng trong tháng 10/2009 và hứa hẹn viện trợ kinh tế hào phóng, với hy vọng Triều Tiên áp dụng mô hình mở cửa kinh tế của rung Quốc và tạo ra một môi trường chính trị tốt hơn cho phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Rốt cuộc, Triều Tiên ngày càng phụ thuộc Trung Quốc về kinh tế. Nhưng vấn đề lớn là lãnh đạo của Triều Tiên lại ngộ nhận rằng chính sách “hào phóng” của Trung Quốc là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh không muốn gây áp lực với Bình Nhưỡng về các vấn đề hạt nhân. Qua đó, hành vi của Triều Tiên đã trở nên khiêu khích hơn, trong đó có vụ đánh chìm tàu hộ tống Cheonan và nã pháo vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc trong năm 2010.
Vụ phóng tên lửa Yonha-3 mang vệ tinh tháng 12/2013 và vụ thử hạt nhân hồi tháng 2/2013 đã khiến cho lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cảm thấy “quá đủ”. Kết quả là, chính sách Triều Tiên của Trung Quốc đã bước vào một giai đoạn mới.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã thẳng thừng chỉ trích tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Tuy vẫn coi Triều Tiên là một vùng đệm chiến lược, song vị thế toàn cầu mới buộc Trung Quốc phải có cách ứng xử mới đối với Triều Tiên.
Cựu Ủy viên Quốc vụ Đường Gia Triền thậm chí còn nói rằng đối với Trung Quốc, phi hạt nhân hóa hiện là một ưu tiên cao hơn so với sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
Cách tiếp cận này là có lợi cho chiến lược toàn cầu của Trung Quốc, khi Chủ tịch Tập Cận Bình muốn dựng “mối quan hệ nước lớn” mới với Mỹ. Trong số những vấn đề còn tồn đọng, chưa được giải quyết giữa Mỹ và Trung Quốc, có chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Đối với Trung Quốc, những phí tổn chiến lược dài hạn của một cuộc đối đầu an ninh với Mỹ sẽ vượt quá những lợi ích chiến thuật ngắn hạn của việc tiếp tục hỗ trợ Triều Tiên như một “vùng đệm”. Đó chưa kể mối quan hệ kinh tế-chính trị Trung Quốc-Hàn Quốc “đôi bên cùng có lợi” và ngày càng trở nên sâu rộng.
Đã đến lúc Trung Quốc phải cân bằng lợi ích địa chiến lược truyền thống của mình, trên cương vị một nhà lãnh đạo toàn cầu. Điều này khiến cho Trung Quốc ủng hộ các biện pháp trừng phạt Triều Tiên phóng tên lửa, thử hạt nhân của Liên Hợp Quốc.
Đây quả là một chuyển biến quan trọng, bởi vì các biện pháp trừng phạt Triều Tiên trước đây hầu như không mấy hữu hiệu, khi vấp phải “bức tường bảo hộ” của Trung Quốc.