Theo đài Sputnik, Trung Quốc đã tăng cường đáng kể sự hiện diện quân sự của nước này trên một hòn đảo chính ở Biển Đông nhằm phát đi thông điệp mạnh mẽ tới Washington.
Trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục hoạt động bồi đắp phi pháp trên Biển Đông, Washington vẫn giữ lập trường cương quyết về bãi cạn Scarborough. Mỹ tuyên bố rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm quân sự hóa bãi cạn này là một hành động vượt qua "vạch đỏ" của Washington trên Biển Đông. Washington Free Beacon dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, hàng chục tàu Trung Quốc đang hiện diện trong khu vực này.
|
Một tàu Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh: AP. |
Ngoài các tàu hải cảnh, Bắc Kinh còn "tự ý cho phép" hàng trăm tàu cá nước này đánh bắt cá ở vùng biển giàu tài nguyên quanh bãi cạn Scarborough. Chiến thuật này cũng tương tự như việc Trung Quốc đã thực hiện ở Biển Hoa Đông, nơi Bắc Kinh tìm cách yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà nước này tranh chấp với Nhật Bản.
Hồi tháng 3/2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông chủ Nhà Trắng khi đó đưa ra cảnh báo đối với việc Bắc Kinh quân sự hóa bãi cạn Scarborough.
“Tín hiệu phát ra từ phía Mỹ đó là vấn đề này rất nghiêm trọng”, một cựu quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ trên Ficancial Times.
Việc Trung Quốc phớt lờ cảnh báo này rất có thể liên quan tới quyết định của Tòa trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) về “vụ kiện Biển Đông” hồi tháng trước. Cụ thể, tòa PCA đã kết luận Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên trong vùng biển nằm trong “đường 9 đoạn” phi lý mà nước này tự vẽ ra ở Biển Đông.
Sau phán quyết của tòa, cả Mỹ và Trung Quốc đều đẩy mạnh hoạt động tuần tra chiến đấu trong khu vực.
Trước đó, hồi đầu tuần này, các hình ảnh vệ tinh được công bố cho thấy Trung Quốc xây dựng trái phép các nhà chứa máy bay tại Đá Xu Bi, Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
>>> Xem thêm video các tàu Trung Quốc vây ép, đe dọa tàu cá Việt Nam (Nguồn video VTV):