Đã đến lúc để Bình Nhưỡng sụp đổ
Triều Tiên là một mối đe dọa. Với những hình ảnh vệ tinh vừa qua cho thấy có nhiều hoạt động tại khu thử hạt nhân Punggye-ri, chính quyền Bình Nhưỡng có thể đang chuẩn bị các bước sơ bộ cho vụ thử hạt nhân thứ tư. Chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên tiếp tục tiến triển.
Theo nhà nghiên cứu Sue Mi Terry của ĐH Columbia, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc – những quốc gia chính có lợi ích trong việc đảm bảo sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên – đã áp dụng chính sách kiềm chế mềm mỏng với Triều Tiên.v Bốn nước trên lo ngại rằng nếu Bình Nhưỡng sụp đổ, bán đảo Triều Tiên sẽ quá bất ổn và việc thống nhất hai miền Triều Tiên sẽ buộc Hàn Quốc phải trả những chi phí về kinh tế và xã hội quá lớn.
Tuy nhiên, quan điểm này có vẻ đã lỗi thời bởi lẽ nếu Triều Tiên sụp đổ, những lợi ích về chiến lược và kinh tế về mặt dài hạn sẽ lớn hơn những phí tổn về ngắn hạn.
|
Các binh sĩ Hàn Quốc và Triều Tiên tại Khu phi quân sự nằm ở khu vực biên giới hai nước.
|
Ban đầu, chính quyền Kim Jong-un sụp đổ sẽ gây ra nhiều rắc rối lớn, khẩn cấp nhất là làm sao bảo đảm an toàn cho các vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, giải tán lực lượng quân đội khổng lồ, cung cấp các dịch vụ công cộng cho người dân và quản lý dòng người tị nạn.
Tuy nhiên, những lợi ích của bước chuyển biến này sẽ đến rất nhanh, đặc biệt về vấn đề an ninh.
Khoảng 25 triệu người Triều Tiên, bao gồm 80.000 tới 120.000 tù nhân trong các trại cải tạo lao động sẽ được giải phóng. Những quốc gia bấy lâu nay vẫn bị Triều Tiên đe dọa cũng sẽ được “nhẹ gánh”. Hàn Quốc luôn đứng trước nguy cơ bị Triều Tiên điều các đơn vị đặc công hoặc tiến hành chiến tranh; Nhật Bản nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên còn Mỹ luôn lo ngại sẽ bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh kiểu truyền thống trên bán đảo Triều Tiên hoặc Bình Nhưỡng có thể sẽ bán nguyên liệu chế tạo vũ khí hạt nhân.
Ngay cả Trung Quốc, quốc gia được coi là đồng minh của Triều Tiên, cũng có lợi nếu Bình Nhưỡng sụp đổ. Bắc Kinh sẽ không phải cung cấp cho Triều Tiên nhiên liệu, lương thực cùng các vật phẩm khác đồng thời không phải chịu những tổn thất về mặt ngoại giao do hậu thuẫn Bình Nhưỡng.
Bán đảo Triều Tiên – nước Đức của châu Á?
Một lợi ích rất lớn đối với Hàn Quốc là các cơ hội kinh tế có được từ sự sụp đổ của Triều Tiên. Tổng chi phí tái thiết Triều Tiên và thống nhất hai miền bán đảo có thể lên tới 2.000 tỷ USD – lớn hơn chi phí thống nhất Đông Đức và Tây Đức sau Chiến tranh lạnh (khoảng 1.900 tỷ USD). Tuy nhiên, bù lại, Hàn Quốc sẽ tiết kiệm lớn về chi phí quốc phòng – riêng trong năm 2014, ngân sách quốc phòng của nước này đã là 32 tỷ USD.
Việc thống nhất bán đảo Triều Tiên cũng giải quyết vấn đề nhân khẩu. Dân số Hàn Quốc đang già đi nhanh chóng do tuổi thọ trung bình ở mức cao – 81 tuổi – và tỉ lệ sinh chỉ ở mức 1,2 trẻ em/một phụ nữ. Nếu xu hướng này tiếp tục, số người Hàn Quốc trong độ tuổi từ 15-64 sẽ bắt đầu giảm vào năm 2017 và đến năm 2030, tổng dân số nước này cũng sẽ giảm đi.
Trong khi đó, dân số Triều Tiên trẻ hơn và có tỉ lệ sinh cao hơn. Sau khi thống nhất, Triều Tiên sẽ là nguồn cung với hơn 17 triệu lao động, kết hợp với 36 triệu lao động ở Hàn Quốc. Ngoài ra còn có nhiều lợi ích kinh tế khác.
|
Một ga tàu điện ngầm ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên.
|
Hàn Quốc hiện đang nhập khẩu gần như toàn bộ năng lượng và khoáng sản cho nền kinh tế nước này. Trong khi đó, Triều Tiên có những mỏ than, uranium, magiê và đất hiếm với tổng trị giá ước tính 6.000 tỷ USD hiện vẫn chưa được khai thác. Công nghệ từ Hàn Quốc sẽ giúp khai thác các nguồn tài nguyên này và thúc đẩy nền kinh tế của toàn bán đảo.
Theo thời gian, một Triều Tiên thống nhất trở thành trung tâm công nghiệp và tiêu dùng của khu vực – giống như nước Đức ngày nay. Hiện Đức đang là nền kinh tế mạnh nhất châu Âu mặc dù trước đây cũng đã phải vật lộn với những chi phí và sự bất ổn sau khi Đông Đức và Tây Đức sát nhập.
Năm 2009, Tập đoàn Goldman Sachs dự báo rằng nếu bán đảo Triều Tiên thống nhất, trong vòng 30 tới 40 năm nữa, GDP của nước này sẽ vượt qua Pháp, Đức, thậm chí cả Nhật Bản và trở thành “nước Đức của châu Á”.
Chuyên gia Sue Mi Terry cho rằng xem xét tới tất cả những lợi ích trên, Mỹ và các đồng minh nên thay đổi cách tiếp cận về Triều Tiên. Thay vì tiếp tục chính sách mềm mỏng và chờ đợi ngày chính quyền Triều Tiên tự sụp đổ, các quốc gia trên nên theo đuổi chính sách kiềm chế cứng rắn hơn để đẩy nhanh sự sụp đổ của Bình Nhưỡng.
Để thực hiện chính sách này, các quốc gia trên sẽ phải cắt bỏ những nguồn thu của Bình Nhưỡng đồng thời mở rộng các lệnh cấm vận, phong tỏa mọi tài khoản của Bình Nhưỡng ở nước ngoài.
Chính sách trên có thể gây khó khăn đối với những quốc gia nào đầu tư về mặt chiến lược ở Triều Tiên, đặc biệt là Trung Quốc. Tuy nhiên, Washington có thể đảm bảo với Bắc Kinh rằng sau khi bán đảo Triều Tiên thống nhất, Mỹ sẽ rút quân khỏi bán đảo này. Và có lẽ khi thoát khỏi mối đe dọa từ Triều Tiên, Hàn Quốc sẽ ủng hộ kế hoạch đó của Mỹ.
Chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ sẽ gây nhiều xáo trộn, nhưng đó là bước đi cần thiết để thống nhất bán đảo Triều Tiên, một mục tiêu rất đáng được theo đuổi.