Triều Tiên ra sức PR hình ảnh mới: hiện đại, hòa bình

Google News

(Kiến Thức) - "Tạm gác" tên lửa, vũ khí hạt nhân... Triều Tiên tích cực quảng bá hình ảnh hiện đại, thịnh vượng, thân thiện để hút khách du lịch và đầu tư nước ngoài.

 Công viên nước Munsu mới mở ở Bình Nhưỡng hiện đại, khang trang không thua kém bất cứ công viên nước nào trên thế giới.
Được mệnh danh là “Vương quốc bí ẩn nhất thế giới”, Triều Tiên trong mắt nhiều người gắn liền với tên lửa, bom hạt nhân, nền kinh tế tự cung tự cấp kém phát triển cũng như thiên tai, nạn đói liên miên.
Tuy nhiên, gần đây, thế giới bên ngoài liên tục được chứng kiến một Triều Tiên hoàn toàn mới: hiện đại và thịnh vượng với những khu đô thị, những tòa nhà chọc trời mới xây; người dân thỏa sức vui đùa trong công viên nước hoành tráng...
Một số nhà quan sát bình luận, Bình Nhưỡng đang nỗ lực chứng minh với không chỉ người dân trong nước mà cả cộng đồng quốc tế rằng, Triều Tiên là một đất nước tuyệt vời, đáng sống và là một điểm du lịch lý tưởng.
Hình ảnh hiếm thấy, phụ nữ Bình Nhưỡng cũng thích và hăng hái chơi bowling.
Dự án xây dựng khu trượt tuyết - nghỉ dưỡng đầu tiên trị giá nhiều triệu USD ở Masik, chỉ cách thủ đô Bình Nhưỡng 4 giờ lái xe là một minh chứng củng cố lập luận trên.
Khu trượt tuyết – nghỉ dưỡng dự kiến mở cửa vào đầu năm tới với các khu trượt tuyết đa cấp, 2 khách sạn hạng sang, cáp treo hiện đại và thậm chí, có cả bãi đáp trực thăng.
Điểm lại, kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un tiếp quản vai trò lãnh đạo Triều Tiên sau cái chết đột ngột của cố Chủ tịch Kim Jong-il hồi cuối năm 2011, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã liên tục quảng bá những hình ảnh hiện đại, thân thiện, thoải mái của đất nước. Động thái này và cả hình ảnh “thay da đổi thịt” của Triều Tiên khiến không ít người ngỡ ngàng.
Các nhà phân tích cho rằng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un dường như đang điều hành đất nước theo một cách khác so với ông cha – bằng cách áp dụng kinh nghiệm đã học hỏi được ở nước ngoài mà cụ thể là Thụy Sĩ – nơi ông du học trong suốt 7 năm. Kim Jong-un hiện muốn thu hút ngoại tệ để xây dựng đất nước bằng cách thúc đẩy ngành du lịch.
Ông Cho Bong Hyun, một nhà phân tích tại Viện IBK bình luận: “Dựa trên những kinh nghiệp đã tiếp thu được trong thời gian du học nước ngoài, nhà lãnh đạo trẻ đang lấy ngành du lịch Thụy Sĩ để chuẩn hóa Triều Tiên. Ông muốn thúc đẩy kinh tế thông qua hoạt động du lịch, lấy Thụy Sĩ làm mô hình”.
 Một cặp uyên ương chụp ảnh cưới ở Bình Nhưỡng với hậu cảnh là những tòa nhà chọc trời mới xây hiện đại.
Chưa hết, Triều Tiên cũng mới công bố kế hoạch thiết lập đặc khu kinh tế mới và thành lập một cơ chế giúp các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng làm ăn, kinh doanh tại Triều Tiên. Cụ thể, Bình Nhưỡng khẳng định sẽ áp dụng mức giá ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài khi thuê đất và lao động cũng như mức thuế hợp lý. Rõ ràng, đây là biểu hiện của sự nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế yếu kém của Bình Nhưỡng.
Mới đây, Bình Nhưỡng cũng ký thỏa thuận với một tập đoàn quốc tế để phát triển một khu công nghệ cao mới trong khu công nghiệp chung Kaesong. Đây là dự án riêng biệt, không liên quan đến thỏa thuận Triều-Hàn tại Kaesong. Hiện có 123 công ty, xí nghiệp Hàn Quốc hoạt động ở Kaesong (chủ yếu sử dụng lao động giá rẻ của Triều Tiên).
Tuy nhiên, hoạt động của khu công nghiệp chung bên trong lãnh thổ Triều Tiên cũng gặp nhiều biến cố theo sự thăng trầm trong quan hệ liên Triều. Đầu năm nay, Kaengsong – biểu tượng hợp tác hòa bình duy nhất còn sót lại của Triều-Hàn bị đóng cửa trong nhiều tháng sau khi Triều Tiên rút toàn bộ lao động về nước và đình chỉ hoạt động của toàn bộ doanh nghiệp Hàn tại đây.
Nhiều người cho rằng, những hình ảnh hiện đại và thân thiện với các tòa  chung cư mới xây, công viên nước hoành tráng, khu trượt tuyết đẳng cấp... có thể hấp dẫn du khách nước ngoài đến Triều Tiên.
Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư nước ngoài vẫn là câu hỏi mở khi mà nhiều nhà đầu tư có thể lo ngại về những rủi ro rất lớn khi kinh doanh ở Triều Tiên (khi bên cạnh việc quảng bá hình ảnh thân thiện, Bình Nhưỡng vẫn không quên nhấn mạnh một điều cốt lõi: quyết không đơn phương từ bỏ khả năng răn đe hạt nhân khi các mối đe dọa hạt nhân bên ngoài vẫn còn tồn tại).
Bạch Dương (theo Channel News Asia; Sina)

Bình luận(0)