Trong bài viết đăng trên trang mạng TODAYonline của Singapore ngày 19/9, nhà văn kiêm doanh nhân Johannes Nugroho ở Surabaya đã đặt ra câu hỏi như trên.
Theo ông Nugroho, là một thành viên sáng lập ASEAN, Indonesia hội đủ các điều kiện cần thiết để làm đầu tàu thúc đẩy các nước thành viên khác.
|
Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong chuyến thị sát vùng biển xung quanh quần đảo Natuna hồi tháng 6/2016. Ảnh EPA |
Ngoài kích cỡ đồ sộ về dân số và diện tích, Indonesia là nước duy nhất ở Đông Nam Á khiến Bắc Kinh tự kiềm chế, không làm cho tranh chấp leo thang với Jakarta ở Biển Đông.
Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã không ngần ngại đâm tàu công vụ của Việt Nam trong năm 2014 khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở sâu trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Trung Quốc cũng nhiều lần chèn ép Philippines ở quần đảo Trường Sa.
Ngược lại, Trung Quốc không có hành động trả đũa trước việc Hải quân Indonesia bắn vào một đội tàu cá Trung Quốc xâm nhập vùng biển Natuna và bắt giữ một tàu đánh cá.
Để bảo vệ chủ quyền đối với vùng biển xung quanh quần đảo Natuna trước một Trung Quốc có sức mạnh vượt trội, Indonesia sẽ cần đến sức mạnh tập thể của ASEAN và của các quốc gia thành viên ASEAN có cùng chí hướng.
Một số nhà phân tích có thể lập luận rằng việc Indonesia chấp nhận giữ một vai trò lớn hơn trong khu vực ASEAN về vấn đề Biển Đông có thể không mấy dễ dàng.
Sự can dự của Indonesia với ASEAN đã suy yếu nhiều kể từ khi Tổng thống Suharto bị lật đổ trong năm 1998. Với sự phức tạp trong nền chính trị dân túy và hạn chế về ngân sách, Indonesia đang trở thành một quốc gia hướng nội và kém tự tin trong các vấn đề địa chính trị khu vực.
Việc ông Joko Widodo đắc cử Tổng thống Indonesia cũng ít thay đổi xu hướng này. Vào đầu nhiệm kỳ tổng thống, ông Widodo ít quan tâm đến khu vực ASEAN về mặt ngoại giao. Chính sách đánh chìm tàu cá nước ngoài đánh bắt trái phép đụng chạm nhiều đến các nước thành viên ASEAN khác như Việt Nam và Thái Lan. Chính phủ Indonesia chỉ phá hủy tàu cá Trung Quốc đầu tiên trong năm 2015. Điều thú vị là tàu cá Trung Quốc này đã bị Indonesia bắt giữ từ năm 2009.
Có những dấu hiệu cho thấy mọi thứ đang thay đổi.
Thứ nhất, Bắc Kinh đã nhiều lần thách thức một phần tuyên bố chủ quyền của Indonesia đối với vùng biển xung quanh quần đảo Natuna, với lập luận rằng vùng biển chồng lấn này là "ngư trường lịch sử của Trung Quốc".
Sau ba vụ xâm nhập của đội tàu đánh cá Trung Quốc ở vùng biển Natuna năm nay - tất cả các vụ nói trên đều được tàu Cảnh sát biển Trung Quốc hỗ trợ và hộ tống bởi, chính phủ Indonesia đã nhận ra rằng qui chế “trung lập” và vai trò “nhà môi giới trung thực" của Jakarta ở phía nam Biển Đông không còn đứng vững được nữa.
Kể từ đó, Indonesia đã thay thế các tàu tuần duyên xung quanh quần đảo Natuna bằng các tàu chiến của hải quân và công bố kế hoạch tăng cường binh lực trong khu vực này, như được nêu trong Sách trắng Quốc phòng năm 2016.
Hiện thời, Tổng thống Widodo cũng nhận thức rõ hơn vai trò trung tâm của ASEAN đối với các nỗ lực ngoại giao của Indonesia. Ông đã tham gia tích cực Hội nghị Cấp cao ASEAN mới đây và kêu gọi ASEAN đoàn kết. Điều này có thể báo hiệu một sự thay đổi chính sách của Indonesia. Tổng thống Widodo cũng thảo luận về vấn đề Biển Đông với cả Thủ tướng Malaysia Najib Razak lẫnTổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong chuyến thăm gần đây của hai nhà lãnh đạo này đến Jakarta.
Đối mặt với thách thức chưa từng có của Trung Quốc tại vùng biển Natuna, Tổng thống Widodo sẽ cần đến mọi sự giúp đỡ ông có thể tập hợp, bao gồm cả sự hiểu biết từ phía các nhà lãnh đạo ASEAN cùng cảnh ngộ từ Philippines đến Việt Nam và từ phía Singapore, nước có quan hệ kinh tế-văn hóa quan trọng với Bắc kinh và cũng là nước điều phối viên trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc.
Sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông là một trong những vấn đề gây chia rẽ nhất mà Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã phải đối mặt trong những năm gần đây, thách thức chức năng cốt lõi của ASEAN là các diễn đàn khu vực để giải quyết xung đột.
Ông Johannes Nugroho cho rằng điều quan trọng là Indonesia cần phải phát huy vị thế đầu tàu trong ASEAN để ngăn chặn đà sụt giảm uy tín của hiệp hội trong việc xử lý các vấn đề khu vực sát sườn.