Tòa án La Haye yêu cầu Trung Quốc nộp bằng chứng “đường 9 đoạn”
Tòa án quốc tế tại La Haye vừa yêu cầu Trung Quốc nộp các luận điểm và bằng chứng để bảo vệ cho yêu sách “đường 9 đoạn” trước tháng 12/2014 mặc dù trước đó, Bắc Kinh từ chối cùng Philippines ra tòa án trọng tài quốc tế.
“Tòa án trọng tài quyết định quá trình tiếp theo của thủ tục tố tụng bao gồm lên kế hoạch cho các hoạt động đệ trình văn bản và điều trần ở một thời điểm thích hợp sau khi tiếp cận góc nhìn của các bên”, tuyên bố của tòa án La Haye cho hay và nhấn mạnh bổn phận của tòa là để "mỗi bên có đầy đủ cơ hội được lắng nghe và trình bày".
Cũng theo tuyên bố này, Tòa án trọng tài La Haye sẽ nghe cuộc điều trần từ phía Philippines kể cả khi Trung Quốc không tham gia.
|
Yêu sách vô lý "đường 9 đoạn" của Trung Quốc. |
Trước đó, Philippines đã khởi kiện Trung Quốc về yêu sách “đường 9 đoạn” tại Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) vào tháng 1/2013. Tòa án trọng tài thường trực La Haye được chọn là nơi đăng ký thủ tục tố tụng. Manila đã nộp hồ sơ gồm văn bản biện luận ra tòa vào cuối tháng 3/2014 theo yêu cầu của Tòa án trọng tài thường trực.
Ngày 21/5/2014, Trung Quốc đã gửi công hàm đến Tòa án trọng tài thường trực lặp lại quan điểm của nước này là họ “không chấp nhận vụ phân xử theo yêu cầu của Philippines, đồng thời “công hàm này sẽ không được xem là sự đồng ý tham gia thủ tục tố tụng của Trung Quốc".
Như vậy, Trung Quốc tiếp tục lựa chọn tránh né cuộc chiến pháp lý với các nước có tranh chấp chủ quyền, trong trường hợp này là Philippines.
Trung Quốc có gì để bảo vệ "đường 9 đoạn"?
Việc tránh đưa các vụ tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng lên tòa án quốc tế đã phần nào cho thấy sự đuối lý của Trung Quốc trong việc bảo vệ yêu sách “đường 9 đoạn”. Gần đây nhất, khi nhận được nhiều câu hỏi về cái gọi là “đường 9 đoạn” tại Đối thoại Shangri-La 13, Trung tướng Vương Quán Trung, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc đã không thể làm rõ được cơ sở giúp Trung Quốc lập ra "đường 9 đoạn" - qua đó khẳng định chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông.
Cụ thể, Tướng Vương chỉ kể lại quá trình Trung Quốc phát hiện và bắt đầu thực thi quyền quản lý và kiểm soát đối với các quần đảo ở Biển Đông từ thời nhà Hán cách đây hơn 2000, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Ông Vương ngang ngược cho rằng, Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) có hiệu lực năm 1994, nhưng Trung Quốc đã có chủ quyền và quyền tài phán với các đảo ở biển Đông từ 2.000 năm nay. Vì thế, công ước quốc tế không thể áp dụng được với Trung Quốc.
Ông Vương cũng cho biết thêm, chính phủ Trung Quốc hoạch định và tuyên bố “đường 9 đoạn” vào năm 1947, trước khi UNCLOS ra đời.
|
Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc đã không thể làm rõ được cơ sở của "đường 9 đoạn" tại Shangri-La 13.
|
Tuy nhiên, qua hàng loạt các hành động trước và mới đây, Trung Quốc đang cho thấy rõ sự đuối lý của nước này với các vùng biển ngang ngược tranh chấp với láng giềng trên Biển Đông. Nhận xét về cơ sở pháp lý cho “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên VTV, Tiến sỹ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao cho biết: "Trung Quốc thường nói cơ sở duy nhất khẳng định yêu sách "đường lưỡi bò" của họ là việc họ tuyên bố đường lưỡi bò này vào năm 1947, mà lúc đó không có ai phản đối. Nhưng phải khẳng định một điều khi Trung Quốc đưa ra đường này thì không có lời giải thích tọa độ nó là gì, ý nghĩa của nó ra làm sao và họ yêu sách cái gì trên đường này. Vì vậy, thế giới không thừa nhận, họ cho rằng đây là con đường không chính thức do tư nhân vẽ ra và không có giá trị pháp lý nào cả. Vì vậy, người ta không có ý kiến phản đối. Cho đến ngày nay, Trung Quốc chưa đưa ra được lời giải thích nào rõ ràng về con đường phi lý này.
"Trong công hàm Trung Quốc đệ trình lên Liên Hợp Quốc để công bố một cách chính thức con đường này thì họ đưa ra khái niệm mập mờ, không có trong luật pháp quốc tế. Ví dụ như "vùng nước kế cận" hay "vùng nước có liên quan", những khái niệm không ai hiểu nó là cái gì. Bản thân các học giả Trung Quốc cho đến nay cũng không lý giải được con đường này như nào. Ít nhất, theo tôi được biết, có 4 cách giải thích khác nhau về con đường này và trong đó không có cách giải thích nào phù hợp với luật pháp quốc tế", Tiến sỹ Nguyễn Hùng Sơn nói.
Một đường lưỡi bò với yêu sách chiếm đến hơn 80% diện tích Biển Đông, chưa cần bàn đến việc nó có cơ sở pháp lý dựa trên công ước luật biển hay không, người ta cũng nhận thấy sự phi lý của nó vì nó chiếm quá nhiều diện tích Biển Đông, hơn nữa lại đi vào sát bờ biển của các quốc gia khác. Một số học giả các nước nói đùa rằng "Nếu muốn đi bơi ở ngoài biển cũng phải xin phép Trung Quốc" nếu con đường này biến thành yêu sách thực sự của Trung Quốc".
PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cũng phát biểu cho biết sách giáo khoa Trung Quốc thừa nhận biên giới chỉ đến đảo Hải Nam.
|
PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh giới thiệu tấm bản đồ thời Nguyễn “Bản quốc dư đồ” có vẽ Hoàng Sa là của Việt Nam.
|
“Chúng tôi bác bỏ tấm bản đồ 2.000 năm mà Trung Quốc viện dẫn để lấp liếm cho tính pháp lý của đường 9 đoạn và khẳng định là hoàn toàn không có. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi tìm thấy một ấn bản sách giáo khoa tiểu học của Trung Hoa Dân Quốc năm 1912 đã vẽ biên giới Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. Cùng với đó, những bản đồ của phía Trung Quốc được in vào thời kỳ cận đại và đầu thế kỷ XX đều vẽ biên giới của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. Như vậy, Trung Quốc cần tôn trọng sự thật lịch sử và công nhận chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh cho hay.
Thế giới bóc trần dã tâm Trung Quốc
“Đường 9 đoạn” của Trung Quốc cũng gặp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ các chuyên gia quốc tế. Ông Richard P.Cronin, GĐ Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm Stimson cho biết: “Theo luật quốc tế, đường 9 đoạn không có một cơ sở thực sự nào cả, hầu hết các chuyên gia luật quốc tế hoặc chuyên gia về biển đều tin rằng Trung Quốc không thể biện minh đường 9 đoạn bằng bất cứ cách nào trên ánh sáng của Liên Hợp Quốc (LHQ) về luật biển năm 1982, đặc biệt là các quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình"
Giáo sư Peter Dutton thuộc trường Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ thậm chí còn mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc thông qua yêu sách “đường 9 đoạn” đã không chỉ phớt lờ luật pháp quốc tế mà còn có thiên hướng sử dụng sức mạnh để giải quyết tranh chấp: “Đáng tiếc là Trung Quốc đã đưa ra những yêu sách tại Biển Đông mà không dựa trên luật pháp quốc tế hoặc sử dụng cơ chế luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng. Chiến lược của Trung Quốc là sử dụng sức mạnh, thậm chí cả vũ lực ở mức thấp".
Vị chuyên gia này cũng chỉ ra nguyên nhân Trung Quốc tránh né việc đưa tranh chấp lãnh thổ ra trọng tài quốc tế: "Có lẽ Trung Quốc từ chối tham gia thủ tục phân xử của trọng tài quốc tế vì hiểu rõ rằng luật pháp quốc tế sẽ không ủng hộ nhiều yêu sách của nước này, đặc biệt là đòi hỏi về chủ quyền trên Biển Đông dựa trên đường 9 đoạn. Do những tranh chấp có thể kéo dài trong thời gian tới, thậm chí cả thập kỷ, luật pháp quốc tế sẽ đóng vai trò đối trọng vững chắc chống lại việc sử dụng ‘luật rừng’ tại Biển Đông”.