Các nhà phân tích cho biết, Bắc Kinh đã bất ngờ tiết lộ các khả năng
vệ tinh của họ khi công bố ảnh chụp các vật thể lạ nghi là của máy bay mất tích ở Biển Đông, tức là gần với đường bay ban đầu của chuyến bay MH370. Những hình ảnh nói trên được Cục Quản lý Nhà nước về Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng (SASTIND) công bố tối ngày 12/3 trong khi
chiếc máy bay Boeing 777 mất tích ngày 8/3.
Hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc, Tân Hoa xã cho biết, các vật thể nổi nghi ngờ có kích thức lần lượt là 13mx18m; 14mx19m và 24mx22m và được chụp ngày 9/3. Từ đó, việc phải 3 ngày sau Trung Quốc mời công bố những hình ảnh này dấy lên nhiều nghi vấn.
Trong vụ máy bay Malaysia mất tích, Trung Quốc đã huy động 10 vệ tinh để hỗ trợ việc tìm kiếm. Những hình ảnh vệ tinh chụp vật thể lạ nghi là của máy bay Malaysia mất tích trên Biển Đông được công bố do Trung tâm Ứng dụng và Dữ liệu Tài nguyên Vệ tinh Trung Quốc (CRESDA) thu thập.
CRESDA chịu sự quản lý của Cục Quản lý Nhà nước về Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng (SASTIND) và Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC).
Mục tiêu cơ bản của cơ quan này là tạo ra một trung tâm dữ liệu vệ tinh cấp quốc gia để cung cấp hình ảnh có độ phân giải cao phục vụ cho công tác quốc phòng là ưu tiên hàng đầu và sau đó là các mục đích dân sự khác. Dù các khả năng về không gian của Trung Quốc được cho là vẫn còn thua Mỹ nhiều thập kỷ nhưng Bắc Kinh đã chỉ ra các bước nhảy vọt về công nghệ đồng thời đang nhắm đến mục tiêu phóng một trạm không gian độc lập vào năm 2020 và sau đó, đưa người lên mặt trăng.
Trong một sự kiện quan trọng về công nghệ vệ tinh cuối năm 2012, Bắc Kinh từng tuyên bố, sẽ xây dựng và đưa vào hoạt động mạng lưới định vị vệ tinh nội địa Bắc Đẩu để cạnh tranh với hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ.
Hệ thống Bắc Đẩu của Trung Quốc hiện có 16 vệ tinh và dự kiến sẽ tăng lên 30 vệ tinh vào năm 2020 để đạt được vùng phủ sóng toàn cầu. Trung Quốc đang đầu tư hơn 400 tỷ nhân dân tệ cho hệ thống này với kỳ vọng nó sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quân sự cũng như dân sự.
|
Vệ tinh Trung Quốc chụp được vật thể nổi nghi là liên quan tới máy bay Malaysia đang mất tích trên Biển Đông. |
Trên thực tế, chương trình không gian của Trung Quốc vốn là do quân đội vận hành và quản lý do đó, luôn được bảo mật tuyệt đối.
Do đó, theo nhà phân tích không gian Morris Jones ở Australia, việc Bắc Kinh công bố những hình ảnh vệ tinh nói trên là bất ngờ và đáng ngạc nhiên.
“Hình ảnh vệ tinh là công cụ chiến lược với các ứng dụng quân sự. Do đó, quốc gia nào cũng thường thận trọng trong việc tiết lộ về khả năng vệ tinh của mình. Tôi ngạc nhiên là người Trung Quốc đã công bố các hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao như vậy. Bởi vì thông thường, chúng ta sẽ không được nhìn thấy những bức ảnh như vậy. Thậm chí, những hình ảnh thực sự mà họ giữ còn có độ phân giải cao hơn so với những bức đã công bố”, ông Morris Jones nhận định đồng thời cho biết, ông tin, Trung Quốc chỉ công bố các bức ảnh đủ để cung cấp thông tin cần thiết đồng thời đảm bảo khả năng bảo mật thông tin về khả năng vệ tinh của họ.
Từ nhận định của nhà phân tích Morris, một câu hỏi được đặt ra là, phải chăng người Trung Quốc đã cố tình ỉm các hình này vì quan ngại lộ bí mật quân sự và sau khi cân nhắc kỹ càng mới công bố.
Nhận định của nhà phân tích Morris Jones trùng với quan điểm của chuyên gia David Gleave, người từng điều tra các tai nạn máy bay cho rằng, các quốc gia sẽ “ngại” tiết lộ về khả năng theo dõi, giám sát của các hệ thống radar quân sự của họ dẫn đến khó khăn trong việc tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích bởi vấn đề này vô cùng nhạy cảm.