Cựu ủy viên Ban Thường vụ Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang là thành viên cấp cao nhất trong chính quyền Trung Quốc bị điều tra tham nhũng kể từ sau cuộc Cách mạng Văn hóa năm 1966.
Ông Chu hiện đang đối mặt với nhiều tội danh - nhận hối lộ quy mô lớn, lợi dụng “quyền lực và tiền bạc” để đổi lấy tình dục, và tổ chức các phe phái khác nhau trong hệ thống chính trị Trung Quốc, chủ yếu là các “băng nhóm dầu khí” và “băng nhóm Tứ Xuyên”. Tuy nhiên, “tội ác được cho là lớn nhất” của vị cựu Bộ trưởng Công an này là lợi dụng chức vụ để
do thám đối thủ trong đảng, bao gồm cả Chủ tịch Tập Cận Bình.
|
Cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang đã lợi dụng chức vụ để do thám đối thủ trong đảng, bao gồm cả Chủ tịch Tập Cận Bình. |
Tờ Diplomat dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết, các nhà điều tra Bắc Kinh phát hiện ông Chu “sử dụng hệ thống điện thoại và các phương pháp khác để thu thập thông tin về tài sản gia đình, cuộc sống riêng tư và quan điểm chính trị của các nhà lãnh đạo Trung Quốc”. Theo nguồn tin, ông Chu sử dùng Liang Ke, một quan chức an ninh cao cấp ở Bắc Kinh, để “thu thập thông tin về các nhà lãnh đạo đảng”. Lý Đông Sinh, cựu Thứ trưởng Bộ Công an, cũng đã rò rỉ một số thông tin về việc này cho các trang mạng tiếng Trung Quốc có trụ sở ở nước ngoài.
Không có thêm thông tin chi tiết về tội danh bị cáo buộc nhưng trong cuốn sách ra năm 2013, hai nhà báo Trung Quốc cho biết, ông Chu giao nhiệm vụ cho một “quan chức công an cao cấp” phải nhập "các thiết bị giám sát điện tử từ Đức... để theo dõi các cuộc điện đàm của các nhà lãnh đạo cấp cao".
Kế hoạch táo bạo này là một phần âm mưu giữa trùm an ninh Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai - cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh - người bị ngã ngựa vì tham nhũng.
Nguồn tin nói trêncho biết: “Kế hoạch của hai nhân vật này còn có chiến dịch công khai làm mất uy tín ông Tập. Theo ông Chu, Chủ tịch Tập Cận Bình không đủ khả năng và không xứng đáng là nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc”.
Chu Vĩnh Khang cùng Bạc Hy Lai và hai quan chức cấp cao khác bị điều tra tham nhũng là Lệnh Kế Hoạch và Từ Tài Hậu được đặt tên là “Bè lũ bốn tên mới” – ám chỉ đến phe “Bè lũ bốn tên” trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa.
Trên thực tế, tin đồn nghe lén nổi lên kể từ khi ông Bạc Hy Lai bị sờ gáy năm 2012. Vào tháng 4/2012, tờ New York Times đưa tin, việc điều tra ông Bạc được “lên nòng” từ tháng 8/2011, khi ông này bị phát hiện tổ chức chương trình nghe lén rộng rãi từ Trùng Khánh - thậm chí nghe trộm cả Chủ tịch Trung Quốc lúc đó là Hồ Cẩm Đào. Ngược lại, “sự cố Vương Lập Quân” thường được coi là sự khởi đầu của ngày tàn Bạc Hy Lai, xảy ra sau đó khá lâu, tháng 2-2012.
Việc nghe lén các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc hiện được xem là “tội trạng nghiêm trọng nhất” của ông Chu. Khi bản cáo trạng chính thức của ông này được công bố, một trong những cáo buộc chống lại ông là “cố ý tiết lộ bí mật nhà nước”, hành động được gọi là đặc biệt nghiêm trọng.
Phiên tòa xét xử ông Chu Vĩnh Khang sẽ diễn ra tại Thiên Tân, một thành phố cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 130km. Tuy nhiên, ngày xét xử vẫn chưa được công bố. Nhiều chuyên gia cho rằng, ông Chu có thể sẽ phải nhận mức án tử hình.