Theo The Economist, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên kế hoạch về một hội nghị thượng đỉnh thân tình với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng khả năng đột phá bế tắc trong tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước vẫn rất mỏng manh.
|
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên kế hoạch về một hội nghị thượng đỉnh thân tình với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh Sputnik International |
Trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Abe-Putin, tuần báo The Economist nhắc lại lịch sử tranh chấp lãnh thổ Nga-Nhật : Ngày 1/9/1945, 600 binh sĩ Liên Xô đổ bộ lên chiếm cứ hòn đảo Shikotan của Nhật Bản. Ba năm sau, khoảng 17.000 cư dân Nhật trên đảo bị trục xuất khỏi vùng mà Nhật Bản gọi là Lãnh thổ Phương Bắc, bao gồm bốn hòn đảo trong chuỗi đảo Kuril (mà người Nhật gọi là Chishima).
Hồi thế kỷ 19, Nga đã công nhận chủ quyền của Nhật Bản trên bốn hòn đảo đó và đến năm 1875, Nga hoàng đã nhượng lại toàn bộ quần đảo Kuril cho Nhật Bản. Thế nhưng, chỉ vài ngày trước khi Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh vào năm 1945, Moscow đã đột ngột tuyên chiến với Tokyo và cho quân đội cấp tốc chiếm đóng toàn bộ chuỗi đảo Kuril, châm ngòi một cuộc tranh chấp lãnh thổ đến nay đã kéo dài hơn 70 năm. Nhật Bản đòi lại bốn hòn đảo cực nam, Liên Xô từng đề nghị chỉ trả lại hai đảo nhỏ nhất - Habomai và Shikotan - nếu Nhật Bản từ bỏ yêu sách đối với các đảo còn lại, điều mà Tokyo đã từ chối. Bế tắc vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Ngày 15/12/2016 Vladimir Putin sẽ là Tổng thống Nga đầu tiên chính thức thăm Nhật Bản từ một thập kỷ nay. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, cháu trai của một bộ trưởng trong thời chiến và một thủ tướng sau chiến tranh, đã không che giấu sự quan tâm cá nhân của ông đối với việc giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Nga. Muneo Suzuki, một cố vấn không chính thức về Nga của Thủ tướng Abe cho rằng thời cơ đã chín muồi.
Nhật không muốn Nga theo Trung Quốc
Theo The Economist, đối với các nhà ngoại giao Nhật, tranh chấp biển đảo đã làm cho hai nước không thể ký hòa ước chính thức kết thúc cuộc Chiến tranh Nga-Nhật và nếu bế tắc tiếp tục, điều đó có thể đẩy Nga gần gũi hơn với Trung Quốc.
Theo tuần báo Anh, để Moscow đổi ý, Nhật Bản có thể cho hồi sinh đề nghị từng bị bỏ xó là việc xây dựng một đường ống dẫn khí trị giá 5,3 tỷ USD từ đảo Sakhalin của Nga xuống tận thủ đô Tokyo. Nhật Bản cũng đang treo lơ lửng hàng tỷ USD tín dụng ưu đãi cho vùng Viễn Đông nghèo khó của Nga cũng như hứa hẹn thúc đẩy đầu tư tư nhân.
Về phần Nga, nước này vẫn đề cao cảnh giác trước nguy cơ trở thành một đối tác thứ cấp của Trung Quốc ở châu Á. Cựu đại sứ Nga tại Nhật Bản Alexander Panov thừa nhận: “Chúng tôi không thể đặt tất cả trứng vào cùng một giỏ”.
Nhật thích giữ thể diện, Nga không muốn bị mất mặt
Thế nhưng, các trở ngại cho việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ Nga-Nhật rất lớn. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy 78% người Nga phản đối việc trả lại cho Nhật tất cả bốn đảo ở quần đảo Kuril ; 71% thì chống lại việc giao trả Shikotan và Habomai. Tháng 11/2016 ông Dmitry Kiselev, lãnh đạo ngành tuyên truyền tại Nga cho rằng: “Ở Nga, bất kỳ tổng thống nào, kể cả ông Putin, nếu bỏ hai đảo ở Kuril cho Nhật Bản, thì sẽ bị mất lòng dân thê thảm”. Theo ông Anatoli Koshkin, chuyên gia tại Đại học Phương Đông Moscow, người Nhật thích nói về giữ thể diện, nhưng họ quên rằng người Nga cũng không muốn bị mất mặt.
Một yếu tố khác là Quần đảo Kuril kiểm soát ngõ ra vào từ biển Okhotsk của Nga ra Thái Bình Dương. Theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Shigeru Ishiba, Kuril là một “vấn đề sinh tử” đối với Hải quân Nga.
Trong bối cảnh đó, không có gì đáng ngạc nhiên, khi Tổng thống Putin nói thẳng thừng hồi tháng 9/2016 là sẽ không “bán đứng” lãnh thổ. Còn Chủ tịch Thượng Viện Nga, bà Valentina Matvienko trong tháng 11/2016 cũng tuyên bố khi ghé thăm Tokyo: “Chủ quyền của Nga trên quần đảo Kuril là điều không thể chối cãi và không thể sửa đổi”. Để nhấn mạnh thông điệp trên, quân đội Nga đã loan báo triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên hai đảo Etorofu và Kunashiri.