Trang mạng quân sự Sina đưa tin, Trung Quốc có thể không trực tiếp tham gia cuộc chiến chống IS ở Syria, nhưng Bắc Kinh đang tìm cách khác tác động đến cuộc chiến.
Cho tới nay, Trung Quốc là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ duy nhất chưa tham gia vào hoạt động quân sự chống lại IS ở Syria và Iraq.
Trong khi đó, liên minh do Mỹ dẫn đầu tiếp tục các cuộc oanh tạc vào các mục tiêu IS trong những tuần gần đây với sự hỗ trợ của các lực lượng nổi dậy Syria. Hôm 2/10, Anh đã triển khai các tiêm kích đa nhiệm còn Pháp ngày 8/10 bắt đầu khởi động chiến dịch không kích vào một trung tâm đào tạo IS. Hôm 10/10, các chiến đấu cơ F-16 Mỹ đã thổi bay hai trạm xăng do IS chiếm giữ.
|
UAV CH-4B do Trung Quốc chế tạo.
|
Tuy không tham gia vào liên quân quốc tế do Mỹ cầm đầu, nhưng Nga đã phát động chiến dịch oanh kích IS riêng trên lãnh thổ Syria từ ngày 30/9. Các nước phương Tây nghi ngờ rằng, mục tiêu không kích thực sự của Nga là các lực lượng nổi dậy Syria chứ không phải phiến quân IS. Đáp lại, điện Kremlin đã cực lực bác bỏ cáo buộc nói trên.
Suốt khoảng thời gian đó, Trung Quốc vẫn giữ quan điểm trung lập đối với cuộc khủng hoảng ở Syria giữa bối cảnh nhiều tin đồn lan rộng rằng, trước sau gì Quân đội Trung Quốc (PLA) cũng sẽ tham gia.
Theo một nguồn tin không chính thức, cả Moscow và Washington đều được cho là tích cực vận động hành lang Bắc Kinh đứng về phía họ để tham gia chiến dịch chống IS. Chủ tịch Tập Cận Bình gần đây mới gặp gỡ với người đồng cấp Barack Obama trong chuyến viếng thăm chính thức lần đầu tiên tới Mỹ của nhà lãnh đạo Trung Quốc. Trong khi đó, Tổng thống Putin được cho là giữ liên lạc mật thiết với ông Tập gần như trong suốt tháng qua.
Bất chấp những nỗ lực của cả hai bên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bỏ ngỏ khả năng Bắc Kinh can thiệp quân sự vào Syria và khẳng định rằng “một giải pháp chính trị” là câu trả lời để kết thúc cuộc khủng hoảng ở Syria.
Hôm 8/10, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, bác bỏ thông tin cho rằng, nước này “hỗ trợ” các cuộc không kích của Nga ở Syria. Bà Hoa Xuân Oánh lưu ý rằng, phía Bắc Kinh đã được thông báo về những hoạt động quân sự của Moscow trên lãnh thổ Syria và rằng họ ủng hộ “các nỗ lực chống khủng bố quốc tế” và “tăng cường liên lạc và phối hợp”.
“Trung Quốc luôn tin rằng, một giải pháp chính trị là cách cơ bản để chấm dứt cuộc khủng hoảng Syria. Một cuộc đối thoại chính trị rộng mở, thẳng thắn cần được tiến hành càng sớm càng tốt để giải quyết những bất đồng. Trung Quốc sẵn sàng thúc đẩy cho một giải pháp đúng đắn cho vấn đề Syria cùng với tất cả các bên liên quan”, bà Hoa phát biểu.
Khi được phóng viên hỏi liệu việc giải quyết chính trị cho vấn đề Syria có cần được thúc đẩy bằng các hành động quân sự, bà Hoa Xuân Oánh lặp đi lặp lại rằng, “giải pháp chính trị là phương pháp cơ bản”.
Tuy nhiên, một số nguồn tin bí mật tiết lộ rằng, Trung Quốc có thể sớm bắt đầu tác động đến các cuộc tấn công quân sự chống IS ở Syria theo một cách gián tiếp. Cụ thể, hôm 10/10, Bộ trưởng Quốc phòng Iraq Khaled al-Obaidi đã tới căn cứ không quân Kut để theo dõi máy bay không người lái (UAV) CH-4B do Trung Quốc sản xuất cất cánh. Rất có khả năng, UAV này được cho là sẽ sớm được triển khai vào chiến dịch chống IS.
|
Chiến đấu cơ Su-34 Nga phóng rocket.
|
Được phát triển bởi Công ty hàng không vũ trụ quốc tế Trường Chinh, UAV CH-4 có hình dánh khá giống với UAV MQ-9 Reaper của General Atomic, ngoại trừ vây dọc thêm nằm ở bên dưới đuôi hình chữ V.
Phiên bản CH-4A là mẫu máy bay không người lái trinh sát còn CH-4B có thể đảm nhận thêm nhiệm vụ tấn công. UAV CH-4B có tầm bay 4.500-5.000km với thời gian bay liên tục 30-40 giờ khi không mang theo vũ khí hoặc 14 giờ nếu có vũ khí.
UAV CH-4 có trọng lượng cất cánh tối đa 1,3-1,35 tấn, tốc độ bay hành trình 150-180km/h, vận tốc tối đa đạt 210-235km/h, trần bay 7.500m. Nó có thể mang theo 6 quả tên lửa hoặc bom với tổng trọng lượng là 250-350 kg. Loại vũ khí mà CH-4B có thể mang theo gồm tên lửa chống tăng dẫn đường laser AR-1 (nặng 45kg) và bom dẫn đường vệ tinh nặng 100kg.