Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết ý định đưa bộ binh vào Syria với sự tham gia của các đồng minh phương Tây, nhưng hiện thời, Mỹ vẫn bác bỏ việc tiến hành một chiến dịch tấn công trên bộ lớn vào Syria.
|
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ áp sát biên giới Syria.
|
Phiến quân đang tháo chạy ở mạn bắc Aleppo
Lực lượng chính phủ Syria tiếp tục đà chiến thắng trong ngày 16/2 cũng như lực lượng dân quân người Kurd, trong khi các nhóm phiến quân liên tục tháo chạy trong những tuần gần đây.
Chiến dịch tấn công - được hỗ trợ của lực lượng dân quân Shiite do Iran hậu thuẫn và các cuộc không kích của Nga - đã khiến quân đội Syria tiến vào khu vực chỉ cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ có 25 km (15 dặm), trong khi các chiến binh người Kurd cũng đã mở rộng sự hiện diện dọc theo biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ.
Quân đội Syria đã đánh chiếm hai ngôi làng ở phía bắc Aleppo, gần thị trấn Tal Rifaat rơi vào tay SDF hôm 15/2. Với sự yểm trợ của không quân Nga, quân đội Syria cũng từ thành phố ven biển Latakia đang tấn công đánh chiếm thị trấn chiến lược Kansaba.
Việc không quân Nga yểm trợ cho các cuộc tấn công ba tuần qua của quân đội Syria đã làm thay đổi cán cân quyền lực trong cuộc nội chiến Syria.
Mục tiêu chính của Damascus là tái chiếm Aleppo, thành phố lớn nhất của Syria trước chiến tranh, và phong tỏa biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ vốn là tuyến đường cung cấp chính cho phiến quân trong lãnh thổ Syria nhiều năm qua.
Nếu tái chiếm được thành phố Aleppo, đây sẽ là chiến thắng lớn nhất của quân chính phủ trong cuộc nội chiến Syria và có thể chấm dứt hy vọng của phe nổi dậy lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad bằng vũ lực. Đây chính là mục tiêu của phe nổi dậy kể từ năm 2011, với sự hậu thuẫn của phương Tây, một số nước Arập và Thổ Nhĩ Kỳ.
Dân quân người Kurd “mượn gió bẻ măng”
Trong khi đó, lực lượng dân quân người Kurd tiếp tục tiến về phía đông, đánh chiếm các vùng lãnh thổ ở phía đông bắc Aleppo vốn nằm dưới sự kiểm soát của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo.
Đài quan sát Nhân quyền Syria có trụ sở ở Anh cho biết Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) mà dân quân người Kurd làm nòng cốt vừa đánh chiếm một ngôi làng gần thị trấn Marea. Đây là một khu định cư lớn sát vùng lãnh thổ do phiến quân IS kiểm soát kéo dài đến lãnh thổ Iraq.
Đà tiến quân vũ bão này đã làm tăng nguy cơ đối đầu quân sự giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ đã nã đạn vào Syria ngày thứ tư liên tiếp, nhắm vào lực lượng dân quân người Kurd (YPG) mà Ankara nói đang nhận sự hậu thuẫn của Nga.
Thủ tướng Ahmet Davutoglu thề rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ để thị trấn Azaz rơi vào tay các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân của người Kurd (YPG).
Liệu Thổ Nhĩ Kỳ có dám đơn phương đem quân vào Syria?
Đà chiến thắng của YPG có nguy cơ dẫn đến mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước đồng minh, trong đó có Mỹ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tố cáo chiến dịch của Nga và Syria là nhằm thiết lập một hành lang cho các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) của người Kurd dọc biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, một cái gì đó mà Ankara từ lâu lo sợ sẽ thúc đẩy tham vọng ly khai của đông đảo người Kurd đang sinh sống ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói với Reuters: "Một số nước giống chúng tôi - Ả-rập Xê-út và một số nước Tây Âu khác - đã nói rằng một chiến dịch mặt đất (ở Syria) là cần thiết". Nhưng ông Cavusoglu cũng nói thêm: "Chờ đợi Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar làm điều này (đổ quân vào Syria) là không đúng cũng không thực tế. Nếu một chiến dịch như vậy diễn ra, các nước đều phải tham gia chiến dịch giống như tham gia liên minh không kích IS”. Nhiều quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn Ankara đưa quân vào Syria. Một quan chức nói với báo giới: “Chúng tôi muốn có một chiến dịch trên bộ. Nếu có sự đồng thuận, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tham gia. Không có chiến dịch trên bộ, người ta khó có thể chấm dứt cuộc chiến này (cuộc nội chiến Syria”.
Ankara vốn coi dân quân người Kurd Syria là một cánh tay nối dài của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) vốn đã nổi dậy ba thập kỷ để giành quyền tự trị của người Kurd ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng Mỹ lại coi Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) là một trong số ít các lực lượng mặt đất chiến đấu chống phiến quân IS có hiệu quả và đang hỗ trợ quân sự nhóm này. Cho đến nay, Washington đã bác bỏ việc đưa bộ binh vào Syria, ngoài một số lượng nhỏ lực lượng đặc biệt.
Các quốc gia vùng Vịnh bao gồm Ả-rập Xê-út và UAE cho biết họ sẵn sàng đóng góp lực lượng mặt đất như một phần của một liên minh quốc tế chống Nhà nước Hồi giáo, với điều kiện chiến dịch trên bộ này phải do Mỹ cầm đầu.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ tập trung đánh các đơn vị của YPG có nghĩa là nước này có thể không nhất thiết phải dựa vào sự hỗ trợ của NATO, một liên minh quân sự đang kín đáo khuyên can Ankara ngừng pháo kích người Kurd Syria và tránh làm gia tăng nguy cơ leo thang xung đột với Nga.