Thành công và thất bại trong cuộc chiến chống phiến quân IS

Google News

Cuộc chiến chống phiến quân IS đang có diễn biến tích cực, song việc nhóm này từng bước chiếm các căn cứ quân sự quan trọng khiến nhiều nước lo ngại.

Thành công
Thành phố Kobane được xem là một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược không kích chống tổ chức phiến quân IS của liên minh do Mỹ dẫn đầu ở Syria.
Thanh cong va that bai trong cuoc chien chong phien quan IS
 Người Kurd ăn mừng chiến thắng IS trong trận Kobane. Ảnh: EPA.
Từ nhiều năm qua, Kobane là điểm trung chuyển then chốt mà tàu hỏa và xe tải chở hàng liên tục qua lại giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu chiếm được Kobane, phiến quân IS sẽ kiểm soát cửa ngõ quan trọng tại một khu vực biên giới trọng yếu, thúc đẩy quá trình thành lập một "nhà nước" giống tên gọi của nhóm này.
Từ khi phát động cuộc tấn công tháng 9/2014 và kiểm soát thị trấn tự trị của người Kurd, miền Bắc Syria, IS đã tàn phá hơn 300 ngôi làng và sát hại hàng trăm người bằng những cách thức man rợ. Cuộc tấn công đã khiến hàng nghìn người phải chạy trốn qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ để lánh nạn.
Tuy nhiên, sau 4 tháng chiến đấu, chiến binh từ nhóm các đơn vị bảo vệ người Kurd (YPG) đã đẩy lui quân IS và giành lại quyền kiểm soát 90% lãnh thổ thị trấn Kobane.
Trước thắng lợi đầu tiên của lực lượng người Kurd, chỉ huy Mỹ đã gửi lời chúc mừng và coi sự thất bại của IS ở Kobane như đòn giáng mạnh cho tổ chức khủng bố này trên khắp Trung Đông.
Sau Kobane, liên quân nhắm tới mục tiêu tiếp theo, giành lại thành phố Tikrit. Đây là cuộc chiến chung đầu tiên của liên quân và quân đội Iraq.
Tikrit chỉ cách thủ đô Baghdad 130 km và lãnh thổ thành phố này nằm trọn trên tuyến đường bộ đến thành phố lớn thứ 2 của Iraq, Mosul. Vì vậy, Tikrit được xem là mục tiêu quan trọng trong các cuộc giao tranh tại Iraq. Ngày 11/6/2014, Tikrit chính thức bị phiến quân IS đánh chiếm.
Chiến dịch phản công chiếm lại Tikrit là cuộc hành quân lớn nhất của Iraq từ khi Nhà nước Hồi giáo tự xưng xuất hiện. Hàng nghìn binh sĩ, cảnh sát, lực lượng quân tình nguyện đã tham gia.
Theo CNN, do được quân chính phủ chi viện trong chiến dịch phản công tháng 3 đến 4/2015, các nhóm dân quân Iraq đã quét sạch lực lượng IS ra khỏi thành phố Tikrit. Trên đà thắng lợi này, chính phủ Iraq tuyên bố sẽ triển khai một cuộc phản công quy mô lớn hơn nhằm đẩy lùi nhóm cực đoan khỏi tỉnh Anbar.
Ngày 16/5, chiến dịch chống IS chính thức tạo ra bước ngoặt mới khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết các lực lượng đặc nhiệm nước này đã tiêu diệt Abu Sayyaf, một thủ lĩnh cấp cao của IS và bắt vợ hắn.
Giới quân sự cho biết Tổng thống Barack Obama đã đích thân ra lệnh tiến hành chiến dịch Đông Syria, được lên kế hoạch từ vài tuần trước, dẫn đến việc tiêu diệt Abu Sayyaf cùng hàng chục chiến binh IS. Chiến dịch này đánh dấu một sự thay đổi trong chiến lược của Washington vốn chủ yếu chỉ dựa vào không kích các mục tiêu của chiến binh IS ở Syria.
Từ tháng 8/2014, 18 quốc gia trên toàn thế giới đã tham gia cuộc chiến chống lại phiến quân Hồi giáo. Các quốc gia Trung Đông như Bahrain, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Jordan cũng hỗ trợ cuộc không kích vào các mục tiêu IS.
Tổng thống Mỹ Obama cho rằng những gì liên quân chống IS làm được đã khiến thế giới thấy cuộc chiến với nhóm khủng bố này không chỉ của riêng nước Mỹ.
Thất bại
Gần một năm sau cuộc phát động tấn công nhằm vào vùng Al Anbar và chiếm quyền kiểm soát thành phố lớn thứ 2 Iraq là Mosul, IS một lần nữa tiến đến khu vực này, bất chấp các đợt tấn công mạnh mẽ của binh sĩ Iraq và liên quân.
Phiến quân Hồi giáo chiếm quyền kiểm soát toàn bộ thành phố Ramadi. Đây là một trong những chiến thắng quan trọng nhất của nhóm nổi dậy, buộc quân đội Iraq và các đồng minh phải xem xét lại chiến lược của mình.
Nhà nước Hồi giáo tự xưng hiện kiểm soát gần như toàn bộ vùng Al Anbar và đẩy an ninh của các quốc gia láng giềng như Syria, Jordan, Saudi Arabia trước nguy cơ lớn.
Việc Ramadi thất thủ và rơi vào tay IS cũng được xem là đòn mạnh đối với chính phủ của Thủ tướng Iraq Haider Al Abadi, vốn luôn coi việc giành lại quyền kiểm soát Al Anbar là mục tiêu hàng đầu của quân đội.
Cách Baghdad khoảng 100 km về phía tây, Ramadi cũng có thể trở thành bàn đạp để nhóm nổi dậy tiến đánh thủ đô.
Không chỉ Ramadi, IS cũng đang tìm cách siết chặt vòng vây với Baghdad từ nhiều hướng. Nhóm nổi dậy đang có lợi thế tại khu vực gần thị trấn ngoại ô cách Baghdad 50 km về phía tây, đồng thời kiểm soát thị trấn Juba.
Theo CNN, liên quân chống IS cần tăng cường các biện pháp quân sự để đáp trả IS và đề phòng những động thái bất ngờ mà nhóm này có thể gây ra.
Theo Zing

Bình luận(0)