Thái tử Saudi Arabia và cơn “sóng ngầm” trong hoàng tộc

Google News

(Kiến Thức) - Một số thành viên trong gia đình Hoàng gia Saudi Arabia tỏ ra thất vọng trước khả năng lãnh đạo của Thái tử Mohammed bin Salman, sau vụ hai cơ sở lọc dầu của nước này bị tấn công hồi tháng trước.
 

Hãng thông tấn Reuters dẫn lời một quan chức ngoại giao cấp cao cùng 5 nguồn tin giấu tên thân cận với hoàng tộc và giới thượng lưu Saudi Arabia cho biết, vụ tấn công nhà máy dầu hôm 14/9 mà Iran bị cáo buộc là thủ phạm đã làm dấy lên lo ngại trong nội bộ gia đình Hoàng tộc Al Saud về khả năng lãnh đạo cũng như bảo vệ đất nước của Thái tử Mohammed bin Salman.
Một số người trong giới tinh hoa thừa nhận mất niềm tin đối với Thái tử kế vị Saudi Arabia, cho rằng ông Salman đã theo đuổi lập trường quá khích đối với Iran.
Thai tu Saudi Arabia va con “song ngam” trong hoang toc
 Thái tử Mohammed bin Salman hiện đang là trung tâm của nhiều sự bất mãn trong nội bộ Hoàng gia Saudi Arabia. Nguồn ảnh: Reuters.
Giải thích về sự cố nhà máy dầu bị tấn công hồi tháng trước, trong cuộc phỏng vấn với đài CBS ngày 29/9, Thái tử bin Salman cho rằng bảo vệ Saudi Arabia là một nhiệm vụ không hề dễ dàng vì đất nước này có diện tích rộng lớn, chưa kể phải đối mặt với vô số những hiểm họa từ bên ngoài.
Vị Thái tử 34 tuổi cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế có những biện pháp mạnh mẽ đối phó Iran, song ông nghiêng về giải pháp hòa bình hơn là sử dụng vũ lực.

Bất mãn âm ỉ từ những "scandal"

Trên thực tế, vụ tấn công vào hai nhà máy dầu của Saudi Arabia chỉ làm tăng thêm những bất đồng vốn có trong hoàng gia đối với vai trò lãnh đạo của Thái tử Mohammed bin Salman.
Chặng đường lên ngôi của ông đánh dấu bằng hàng loạt lệnh bắt giữ những thành viên đối lập với mục đích "dẹp tham nhũng". Bin Salman cũng cho thay thế nhiều thành viên kỳ cựu của chính quyền Saudi bằng những nhân vật trẻ tuổi hơn và được cho là ít kinh nghiệm.
Trong đó, cựu Thái tử Mohammed bin Nayef, người có gần 20 năm kinh nghiệm làm việc trong nội các, đã bị thay thế bởi một người em họ 33 tuổi của Thái tử bin Salman. Theo một số thành viên hoàng tộc, những nỗ lực củng cố quyền lực này của Mohammed bin Salman đã "gây tổn hại đến vương quốc".
Thai tu Saudi Arabia va con “song ngam” trong hoang toc-Hinh-2
Nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia bị tấn công ngày 14/9. Ảnh: Reuters. 
Về mặt ngoại giao, Thái tử Mohammed bin Salman được cho là có chính sách đối ngoại cứng rắn với các nước láng giềng, đặc biệt là với Iran. Ông cũng chịu trách nhiệm cho cuộc chiến tốn kém và thiếu hiệu quả chống lại phiến quân Houthi tại Yemen, gián tiếp gây ra cái chết của hàng chục nghìn người và tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Với những người chỉ trích, đây là những lý do chính khiến cho đồng minh lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông trở thành mục tiêu tấn công của Iran. Họ cũng bày tỏ nỗi bất mãn khi cho rằng thái tử đã hoàn toàn bất lực trong việc ngăn chặn cuộc tấn công dù đã chi tới hàng trăm tỉ USD cho quốc phòng.
Mới đây, vị Thái tử 34 tuổi cũng đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Cái chết của Khashoggi đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh của Thái tử bin Salman cũng như làm hoen ố vị thế ngoại giao của Saudi Arabia trên trường quốc tế.

Quyền lực khó bị lung lay?

Dù gây ra nhiều bất mãn trong nội bộ hoàng gia Saudi Arabia từ khi lên nắm quyền, một nguồn tin được dẫn bởi Reuters cho rằng vị thế của Thái tử bin Salman sẽ khó bị đe dọa, ít nhất là trong thời gian cha ông - Quốc vương Salman, còn sống. Dù một cuộc chuyển ngôi chính thức chưa hề diễn ra, Thái tử bin Salman đã được quốc vương trao cho phần lớn quyền lực thực tế để cai trị Saudi Arabia. 
Thái tử Mohammed bin Salman nhận được sự ủng hộ khá lớn từ người dân Saudi Arabia, đặc biệt là với lớp trẻ. Từ khi nắm quyền, vị lãnh đạo 34 tuổi này đã thực hiện nhiều cuộc cải cách trên khắp đất nước để biến Saudi Arabia trở thành một quốc gia "hiện đại" hơn, ví dụ như trao nhiều quyền hơn cho phụ nữ và hứa sẽ đa dạng hóa nền kinh tế vốn phụ thuộc chính vào dầu mỏ.

Mời độc giả xem thêm video: Thái tử Saudi Arabia trả lời một cuộc phỏng vấn của CBS (Nguồn: CBS Evening News)

Mối "đe dọa" lớn nhất với quyền lực hiện tại vị thái tử trẻ tuổi có lẽ chỉ đến từ Hoàng thân Ahmed bin Abdulaziz, người anh em còn sống duy nhất của Quốc vương Salman, một người có đầy đủ sự ủng hộ từ hoàng tộc, cơ quan an ninh và các cường quốc phương Tây. Hoàng thân Ahmed cũng là 1 trong 3 người duy nhất trong Hội đồng Tận trung đã phản đối việc sắc phong Thái tử bin Salman vào năm 2017.
Tuy nhiên, dư luận vẫn chưa rõ liệu Hoàng thân Ahmed có tham vọng với ngôi vị không khi nhiều nhà quan sát cho biết ông đã cố gắng "ẩn mình" kể từ khi trở về Riyadh vào năm ngoái.
Long Nguyễn

>> xem thêm

Bình luận(0)