Trong bài bình luận dành cho Sputnik, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin dẫn báo “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” (SCMP) viết tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc mang tên "Sơn Đông" sẽ đóng ở Biển Đông, tại căn cứ tàu ngầm hạt nhân ở đảo Hải Nam.
Tàu sân bay "Sơn Đông" có thể được xem như phiên bản cập nhật của tàu sân bay Liên Xô thuộc dự án 1143.5. Hiện chỉ còn hai tàu được đóng theo dự án này. Đó là tàu sân bay duy nhất của Nga "Đô đốc Kuznetsov" và tuần dương hạm mang máy bay Varyag mà Trung Quốc đã mua của Ukraine và phát triển thành tàu sân bay Liêu Ninh để đáp ứng nhu cầu của hải quân.
|
Tàu sân bay Liêu Ninh, tàu sân bay thứ nhất của Trung Quốc được hoàn thiện từ tàu Varyag mua của Ukraine. Ảnh: Press TV |
Theo chuyên gia Kashin, khác với các tàu sân bay của phương Tây, mục tiêu chính của các tàu thuộc dự án 1143.5 không phải nhằm phô trương sức mạnh trên các đại dương. (Mặc dù chiếc tàu sân bay của Nga đã tham gia trong thời gian ngắn vào chiến dịch quân sự ở Syria cuối năm 2016 - đầu năm 2017). Đáng lẽ, nhiệm vụ chính của tàu sân bay "Đô đốc Kuznetsov" và các tàu tương tự phải là việc đảm bảo an toàn cho các tàu ngầm tên lửa hạt nhân đang tuần tra trên biển. Để làm được điều này, các tàu thuộc dự án 1143.5 cần tạo ra khu vực biển được bảo vệ vững chắc, nơi các tàu ngầm Liên Xô có thể cảm thấy tương đối an toàn. Và đoàn tàu chiến do tàu sân bay dẫn đầu đóng vai trò quan trọng đó.
Nhiệm vụ cụ thể như vậy cho phép triển khai hạn chế các loại chiến đấu cơ trên tàu sân bay. Đó là các máy bay tiêm kích-đánh chặn Su-33 và trực thăng chống tàu ngầm cũng như cho phép tiết kiệm tiền bạc vì thay cho hệ thống phóng máy bay trên tàu bố trí bàn đạp để cất cánh, con tàu được trang bị vũ khí mạnh mẽ (bao gồm cả tên lửa hạng nặng chống hạm "Granit") và các hệ thống bảo vệ.
Trung Quốc không trang bị vũ khí tấn công cho tàu sân bay, nhưng họ vẫn duy trì nguyên tắc cơ bản của nó.
Chuyên gia Vasily Kashin cho rằng nhiều khả năng cụm tác chiến tàu sân bay "Sơn Đông" của Trung Quốc ở Biển Đông có nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho tàu ngầm tên lửa hạt nhân đóng ở đảo Hải Nam "trong giai đoạn căng thẳng gia tăng”. Đồng thời, chiếc tàu sân bay thứ hai này sẽ tăng cường khả năng của Trung Quốc trong việc đối phó với khủng hoảng ở Biển Đông.