Tàu đổ bộ “khủng” của Trung Quốc tiến sát Malaysia làm gì?

Google News

(Kiến Thức) - Lực lượng đổ bộ Trung Quốc đã khiến cho cả khu vực náo động, khi tiến gần đến bờ biển Malaysia để bảo vệ cái  gọi là chủ quyền ở Biển Đông.

 Tàu đổ bộ Jinggangshan của Hải quân Trung Quốc cùng với tàu chạy đệm khí trong khi huấn luyện tại vùng biển gần tỉnh Hải Nam ngày 20/3/2013.

Theo phóng viên kỳ cựu Greg Torode của tờ “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” (SCMP), lực lượng đổ bộ của Hải quân Trung Quốc (PLAN) được trang bị tàu đổ bộ đệm khí đã đến tận cực Nam của “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh dựa vào để tuyên bố chủ quyền, khiến cho cả khu vực phải “nhíu mày, trợn mắt”.

Một đội 4 tàu chiến do tàu đổ bộ Jinggangshan (Tĩnh Cương Sơn) đã đến tận bãi James (James Shoal) cách bờ biển Malaysia khoảng 80 km và cách bờ biển Brunei chưa đầy 200 km, trong khi cách bờ biển Trung Quốc 1.800 km. James Shoal nằm ở gần cực Nam của cái gọi là bản đồ “đường lưỡi bò” phi lý, mà Trung Quốc dựa vào đó để đòi hỏi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông.

Tân Hoa Xã ngày 26/3 mô tả lính thủy đánh bộ và thủy thủ đoàn trên tàu đổ bộ Tĩnh Cương Sơn - một trong 3 tàu đổ bộ dài tới 200m của Trung Quốc – đã thề “bảo vệ Nam Hải (Biển Đông), duy trì chủ quyền quốc gia và hướng tới giấc mơ Trung Quốc hùng cường”.

Gary Li, một nhà phân tích cấp cao của IHS Fairplay ở London, nói: “Việc cử lực lượng đổ bộ đặc nhiệm này tiến hành cuộc tuần tra khu vực chưa từng có của PLAN, là một thông điệp mạnh bất ngờ. Đó không phải chỉ là một vài con tàu nào đó mà là một tàu đổ bộ khổng lồ mang theo lính thủy đánh bộ và tàu đổ bộ đệm khí, được hỗ trợ bằng các tàu hộ tống hiện đại nhất của PLAN”. Ông nói thêm người ta thấy nhiều máy bay chiến đấu phản lực yểm trợ trên không cho lực lượng đổ bộ đặc nhiệm này.

Nhà phân tích Gary Li nói thêm: “Chúng ta chưa bao giờ chứng kiến một lực lượng tương tự về số lượng, chất lượng và tiến xa về phía Nam... Đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên”.  

Tàu đổ bộ Tĩnh Cương Sơn được coi là một trong số những tàu hiện đại nhất trong Hải quân Trung Quốc và được cho là chìa khóa của bất kỳ chiến lược đánh chiếm Đài Loan nào. Việc triển khai con tàu này thu hút sự chú ý và theo dõi chặt chẽ của các đối thủ trong khu vực. Chiếc đầu tiên của lớp tàu đổ bộ này là  Kunlunshan (Côn Luân Sơn) từng được sử dụng để chống cướp biển ở ngoài khơi vùng Sừng châu Phi.

Những hình ảnh lưu hành trên các trang web của Trung Quốc cho thấy thủy quân lục chiến đổ bộ tấn công một hòn đảo, với sự hỗ trợ của tàu đổ bộ đệm khí và máy bay trực thăng xuất phát từ tàu đổ bộ Jinggangshan, trong đợt tập trận kéo dài nhiều ngày ở tất cả các khu vực mà Trung Quốc đang chiếm giữ ở quần đảo Trường Sa.
 
Hải quân Trung Quốc đã đánh chiếm 6 bãi ngầm và rặng san hô của Việt Nam trong một trận hải chiến cách đây 25 năm.

Tân Hoa Xã cho biết, đội tàu chiến nói trên đã quay trở về phía Bắc, đi qua eo biển Bashi nằm giữa Đài Loan và Philippines vào Tây Thái Bình Dương để tiến hành nhiều cuộc tập trận nữa.

Tin tức về sự xuất hiện của tàu đổ bộ Jinggangshan ở sát bãi cạn James (James Shoal) đêm 26/3 đã gây ra một làn sóng bình luận trong số các quan chức quân sự trong khu vực.

Một tùy viên quân sự nói: “Đó là một hình thức thể hiện chủ quyền, với một lực lượng đổ bộ đặc nhiệm. Điều này đã khiến cho tất cả mọi người xôn xao bàn tán. Quần đảo Trường Sa là một chuyện, nhưng tiến sát James Shoal lại là chuyện khác. Một lần nữa, Trung Quốc đang tỏ ra táo tợn trong việc gửi thông điệp tới khu vực, trong cái năm mà ASEAN do Brunei làm Chủ tịch luân phiên. Việc đưa tàu đổ bộ (Jinggangshan) đến bãi cạn này có tính chất biểu tượng khá mạnh mẽ”.

Việc Hải quân Trung Quốc tiến vào Biển Đông trong năm 2009 và 2010 đã làm dấy lên những lo ngại trong khu vực về sự quyết đoán  của Bắc Kinh. Những lo ngại này đã dẫn đến việc một số quốc gia Đông Nam Á buộc phải đưa tranh chấp Biển Đông vào chương trình nghị sự của khu vực và tiến tới các mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:





Lê Chân (theo SCMP)

Bình luận(0)