Trung Quốc leo thang xâm phạm Biển Đông

Google News

(Kiến Thức) - Trung Quốc tiếp tục các hành động hiếu chiến ở Biển Đông, thông qua các cuộc tập trận, tuần tra ở những khu vực đang có tranh chấp.

 Tàu Haixun 31 mang máy bay trực thăng tuần tra vùng biển Trường Sa.

Trung Quốc vẫn tiến hành các hành động hiếu chiến nói trên, bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng, đặc biệt là Philippines - nước đã kiện Trung Quốc trước một tòa án trọng tài của Liên Hợp Quốc.

Ngày 22/3, Tân Hoa Xã đưa tin một máy bay trực thăng Trung Quốc đã tuần tra một phần quần đảo Trường Sa. Trang web  của Tân Hoa Xã dẫn lời một quan chức của Cục Quản lý An toàn Hàng hải Quảng Đông như nói rằng chiếc trực thăng nói trên đã giám sát một phần  quần đảo Trường Sa. Trang web trên viết: “Máy bay trực thăng cất cánh từ tàu Hải giám Haixun 31 để theo dõi lưu lượng giao thông hàng hải trong vùng biển gần Dongmen Reef của quần đảo Nam Sa (Trường Sa)”. Cơ quan này nói thêm rằng đây là lần đầu tiên một máy bay trực thăng hàng hải của Trung Quốc đã được cử đến tuần tra Biển Đông.

Tân Hoa Xã nói Haixun 31 là một trong 3 tàu hải giám Trung Quốc đã rời cảng Sanya, tỉnh Hải Nam, ngày 21/3.

Trung Quốc cho biết đợt tuần tra này nhằm tăng cường năng lực thực thi pháp luật biển của Trung Quốc và kiểm tra khả năng phản ứng của đội tuần tra ở Biển Đông.

Theo Tân Hoa Xã, chiếc trực thăng nói trên đã bay trên 800 hải lý, giám sát môi trường hàng hải ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và “tiến hành kiểm tra an toàn đối với hơn 40 tàu Trung Quốc và nước ngoài”.

Ngoài việc tuần tra bằng máy bay trực thăng, Trung Quốc tiếp tục đưa tàu Ngư chính lớn nhất Yuzheng 312 tuần tra trên Biển Đông. Tàu Ngư chính Yuzheng 312 đã rời Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, vào lúc 10h30 ngày 22/3/2013. Nó đang trên đường tới quần đảo Hoàng Sa thể “thực thi pháp luật”.

Tân Hoa Xã cho biết “tuần tra ngư nghiệp thường xuyên” đã được thực hiện xung quanh quần đảo Trường Sa để “bảo vệ lợi ích hợp pháp của ngư dân Trung Quốc”.

Tân Hoa Xã cũng đưa tin một đội tàu chiến của Trung Quốc ngày 19/3 đã hướng tới Biển Đông và Tây Thái Bình Dương để tiến hành tuần tra, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.

Bộ Ngoại giao Philippines ngày 22/3 đã “phản đối mạnh mẽ” việc Trung Quốc tiếp tục các cuộc tập trận hải quân ở “Biển Tây Philippines (Biển Đông)”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez kêu gọi Trung Quốc tôn trọng các vùng biển của Phlippines ở Biển Đông, giữa lúc có tin đồn cuộc tập trận hải quân của Trung Quốc diễn ra trong vùng biển giàu tài nguyên mà Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền toàn bộ.

Tuy chưa xác định vị trí chính xác của các cuộc tập trận nói trên, phát ngôn viên Hernandez nói: “Chính phủ Philippines đang trong quá trình xác định vị trí chính xác của các cuộc tập trận nói trên. Các cuộc tập trận này có thể làm gia tăng căng thẳng hơn nữa, nếu Trung Quốc tiến hành ở những khu vực mà Phlippines và các nước khác  tuyên bố chủ quyền”.

Ông nói rằng việc tàu chiến Trung Quốc xâm nhập các khu vực này là vi phạm một thỏa thuận  năm 2002 giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, trong đó không khuyến khích các quốc gia tuyên bố chủ quyền Biển Đông châm ngòi căng thẳng hay đối đầu.

Ông Hernandez cho biết Cảnh sát biển Philippin sẽ tiến hành một cuộc tuần tra chủ quyền ở Biển Tây Philippines (Biển Đông) để đảm bảo rằng sẽ không có sự xâm nhập của Hải quân Trung Quốc.Ông nói: “Cảnh sát biển Philippines sẽ thực hiện tuần tra…vào thời điểm thích hợp”.

Ông Ricky Carandang - đứng đầu Cơ quan Phát triển và Kế hoạch chiến lược truyền thông của Phủ tổng thống Philippines - nói rằng cơ quan này sẽ cố gắng giải quyết vấn đề thông qua các kênh ngoại giao thông thường.

Chính phủ Philippines đã có thái độ “chờ đợi” khi các nguồn tin quân sự cho biết một tàu Trung Quốc đã  “xâm nhập” vào một trong các hòn đảo nhỏ thuộc nhóm đảo Kalayaan ở Palawan, nằm trong khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines. Các nguồn tin này dẫn lời ngư dân địa phương cho biết  “một tàu lớn của Trung Quốc” đã  bốc dỡ vật liệu xây dựng xuống khu vực này.

Tuy nhiên, phó phát ngôn viên Phủ Tổng thống Abigail Valte phủ nhận tin trên và cho rằng những người dân địa phương đã nhìn thấy một tàu đánh cá, chứ không phải một tàu đổ bộ. Ngày 22/3, Abigail Valte Valte từ chối bình luận thêm về vấn đề khi được hỏi có hay không vụ tàu Trung Quốc đổ vật liệu xây dựng nói trên và nói rằng “chúng ta nên để cho Bộ Ngoại giao xem xét vụ việc”.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Lê Chân (theo Manila Standard Today)

Bình luận(0)