|
Nicolas Maduro tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Venezuela. |
Nicolas Maduro tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Venezuela ngày 19/4 tại quốc hội, với sự tham dự của đại diện đến từ hơn 60 quốc gia.
Khởi đầu không suôn sẻ
Trong phiên họp đặc biệt của Quốc hội Venezuela, ông Maduro đã tuyên thệ nhậm chức với sự chứng kiến của 61 đoàn khách quốc tế và 17 nguyên thủ quốc gia.
Các nhà phân tích cho rằng tân Tổng thống Maduro sẽ phải đối mặt với sức ép từ cả bên trong và bên ngoài, sau cái chết của Tổng thống Hugo Chavez vốn là trụ cột tinh thần và linh hồn của cuộc cách mạng Bolivarian.
Nicolas Maduro không có sức thu hút như cố Tổng thống Hugo Chavez. Mặc dù ông từng là Chủ tịch Quuốc hội, Bộ trưởng Ngoại giao và Phó Tổng thống Venezuela, nhưng Tổng thống Chavez mới là người đưa ra hầu hết các quyết định và thực hiện chúng một cách kiên quyết.
Là một “võ sĩ nhẹ cân” so với “võ sĩ hạng nặng” Hugo Chavez, tân Tổng thống Maduro có thể vấp phải kháng cự trong đảng, khi ra quyết định và thực hiện các chính sách.
Đối đầu chính trị nghiêm trọng
Trong những năm gần đây, đối đầu giữa đảng cầm quyền và phe đối lập đang ngày càng trở nên bạo lực hơn, với các cuộc đình công và biểu tình chống chính phủ ngày càng gia tăng.
Cố Tổng thống Hugo Chavez đã kiểm soát được tình hình với một đội quân trung thành và ảnh hưởng cá nhân rất lớn. Điều này đã giúp ông tái đắc cử tổng thống lần thứ tư.
Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử tổng thống mới đây, đảng cầm quyền đã mất gần 700.000 phiếu so với năm ngoái.
Tổng thống tạm quyền Maduro đã giành được 50,75% tổng số phiếu bầu, so với 48,97 % dành cho thủ lĩnh phe đối lập Henrique Capriles, chỉ chênh lệch có 265.000 phiếu bầu.
Sau khi Ủy ban bầu cử quốc gia (CNE) tuyên bố ông Maduro là người chiến thắng, những người biểu tình đối lập tức giận đã xuống đường trên khắp đất nước và đụng độ với cảnh sát cũng như những người ủng hộ chính phủ và cảnh sát, khiến 8 người chết và 63 người khác bị thương.
Tổng thống Maduro cáo buộc thủ lĩnh phe đối lập Capriles mưu toan tiến hành một cuộc đảo chính phát xít, trong khi ông Capriles lại đổ lỗi cho Maduro lừa dối công chúng, gian lận bầu cử và kích động bạo lực.
Trong bài diễn văn nhậm chức ngày 19/4, ông Maduro kêu gọi đối thoại với phe đối lập và cho biết ông sẵn sàng nói chuyện với Capriles để đảm bảo hòa bình trong nước.
Khó khăn trong điều hành đất nước
Phe đối lập đã thu hẹp khoảng cách với đảng cầm quyền và giành được sự ủng hộ của khoảng một nửa cử tri trong nước. Đó chính là dấu hiệu của sự bất mãn và thất vọng trong xã hội, mang lại nhiều áp lực cho chính phủ mới.
Trong suốt nhiệm kỳ 14 năm của mình, cố Tổng thống Chavez có những nỗ lực to lớn trong việc giảm nghèo và cải thiện sinh kế của người dân. Tỷ lệ nghèo đói cùng cực của Venezuela giảm xuống còn 6% trong năm 2012 và nước này xếp hạng thứ 71 trên tổng số ra của 187 quốc gia về chỉ số phát triển con người trên thế giới.
Tuy nhiên, tỷ lệ tội phạm giết người ở Venezuela lại đứng thứ ba trên thế giới. Có tới 79% dân chúng Venezuela lo lắng cho sự an toàn cá nhân và khách du lịch nước ngoài không dám đi ra ngoài vào ban đêm.
Hơn nữa, các chuyên gia tin rằng tỷ lệ lạm phát cao ở mức 20% trong 6 năm qua vẫn còn là một vấn đề. Giá cả hàng hóa và dịch vụ leo cao đã làm giảm sút đáng kể mức sống của dân chúng.
Mặc dù chính phủ Venezuela dự đoán tỷ lệ lạm phát sẽ ở mức 14-16% trong năm nay, các chuyên gia cho rằng “tỷ lệ lạm phát không thấp hơn 25% và có thể lên tới 30%”.
Trong khi đó, sản lượng dầu của Venezuela, một nguồn thu chính của đất nước, cũng đã giảm so với 14 năm trước đây do thiếu đầu tư quy mô lớn.
Các nhà phân tích cho rằng nếu tình hình không được cải thiện đáng kể trong ngắn hạn, phe đối lập có thể bắt đầu một cuộc trưng cầu dân ý theo quy định của hiến pháp để hạ bệ Tổng thống Maduro khi ông hoàn thành một nửa nhiệm kỳ 6 năm của mình.
Do đó, Tổng thống Maduro cần nhanh chóng xây dựng uy tín cá nhân càng sớm càng tốt trong nội bộ đảng cầm quyền và giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội trong nước.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: