Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sáng 13/10 (theo giờ Mỹ) đã chính thức bổ nhiệm cựu Thủ tướng Bồ Đào Antonio Guterres trở thành người đứng đầu Liên Hợp Quốc.
Trước đó vào ngày 6/10, Hội đồng Bảo an đã đề nghị Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc xem xét đề cử cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Atonio Guterres làm tân Tổng thư ký.
Ông Guterres, 67 tuổi, sẽ thay thế Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đương nhiệm là ông Ban Ki-moon - 72 tuổi, người Hàn Quốc sẽ mãn nhiệm vào cuối năm nay. Ông Antonio Guterres sẽ trở thành Tổng Thư ký thứ 9 của Liên Hợp Quốc với nhiệm kỳ kéo dài từ 1/1/2017 đến 31/12/2022.
|
Tân Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: Reuters. |
Ông Guterres từng là Thủ tướng Bồ Đào Nha từ năm 1995-2002 và là Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người Tị nạn từ năm 2005-2015.
Việc chọn lựa ông Guterres được nhiều người nhất trí là sự lựa chọn đúng đắn, hợp lý cho chiếc ghế tân Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, kết quả này cũng đã khiến nhiều người cảm thấy tiếc nuối vì họ từng đặt nhiều rằng vị trí này sẽ dành cho nữ giới.
Tiếc nuối
Kể từ khi bắt đầu cuộc đua tranh cử vào chiếc ghế Tổng thư ký Liên Hợp Quốc vào tháng 4/2016, 60 nước đứng đầu là Colombia đã lên tiếng ủng hộ một nữ Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đầu tiên kể từ năm 1945 đến nay.
Nhiều thành viên của Liên Hợp Quốc đã hy vọng, năm 2016 sẽ là một năm bước ngoặt trong việc trao quyền cho phụ nữ trên thế giới.
Trong số 13 ứng cử viên vào vị trí Tổng thư ký Liên Hợp Quốc năm 2016, đã có 7 ứng cử viên là nữ, một số người thậm chí còn được cho rằng có nhiều kinh nghiệm hơn ông Guterres.
Lúc đó, có 2 nữ ứng cử viên sáng giá được đặt nhiều kỳ vọng nhất là bà Irina Bokova - Tổng Giám đốc đương nhiệm của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), cựu Ngoại trưởng Bulgaria; và bà Helen Clark - người đứng đầu Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), cựu Thủ tướng New Zealand.
|
Cựu Ngoại trưởng Bulgaria Irina Bokova từng được kỳ vọng trở thành nữ Tổng thư ký đầu tiên của Liên Hợp Quốc. (Ảnh: AP). |
Bà Irina Bokova đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển bền vững của nền khoa học, giáo dục thế giới. Bà cũng nhận được sự ủng hộ của Nga khi Moscow ủng hộ một ứng viên đến từ một nước Đông Âu vì đây là khu vực duy nhất chưa có đại diện nào ngồi vào chiếc ghế lãnh đạo Liên Hợp Quốc.
Còn đối với cựu Thủ tướng New Zealand, bà Helen Clark được ghi nhận đã cống hiến được nhiều thành tựu cho đất nước trong các lĩnh vực như y tế công cộng, bình đẳng giới, tạo việc làm… Tại Liên Hợp Quốc, trong 7 năm qua, bà Clark cũng đã và đang lãnh đạo UNDP một cách hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề đói nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao vị thế cho phụ nữ và trẻ em.
Đầu tháng 8/2016, ông Ban Ki-moon từng lên tiếng kêu gọi, đã đến lúc Liên Hợp Quốc cần có một người phụ nữ lên làm Tổng thư ký sau 8 đời Tổng Thư ký trước đó đều là nam giới.
Trong phát biểu được đưa ra ngày 15/8, ông Ban nhấn mạnh, phụ nữ chiếm một nửa dân số thế giới và chính vì vậy họ cần được trao quyền và “cơ hội bình đẳng”. Ông Ban cũng khẳng định, trên thế giới đã có nhiều phụ nữ là những nhà lãnh đạo xuất sắc, họ có thể tạo nên sự thay đổi lớn lao và có thể tham gia tích cực cùng với các nhà lãnh đạo khác.
Những tưởng việc lựa chọn ra một người phụ nữ làm Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã gần như rất thuận lợi, với nhiều cánh cửa mở rộng; thế nên khi kết quả về ông Guterres được công bố, đại diện cho nhóm tổ chức chiến dịch Elect a Woman UN Secretary-General (Tạm dịch: Bầu một nữ Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc) đã gọi đây là một “thảm họa cho sự bình đẳng giới”.
Trong một tuyên bố, đại diện nhóm tổ chức chiến dịch nói trên cho rằng: “Có 7 nữ ứng cử viên xuất sắc nhưng rốt cuộc họ chưa bao giờ được xem xét một cách nghiêm túc”.
Một trong các nữ ứng cử viên, Christiana Figueres, kiến trúc sư trưởng của thỏa thuận thay đổi khí hậu toàn cầu đã ký kết tại Paris năm ngoái, gọi là kết quả này là sự "buồn vui lẫn lộn".
Cuộc đua lành mạnh?
Nếu theo dõi sát sao cuộc đua vào vị trí Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, có thể thấy kết quả ông Guterres được chọn không phải là điều bất ngờ.
Trong 2 cuộc thăm dò không chính thức hồi tháng 8 tại Liên Hợp Quốc trước khi kết quả cuối cùng được đưa ra, ứng cử viên nữ nhận được sự ủng hộ cao nhất, bà Irina Bokova cũng chỉ đứng thứ 3 trong khi cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Guterres liên tục dẫn đầu cả 2 cuộc thăm dò nói trên.
|
Phiên chất vấn ứng viên của Liên Hợp Quốc. |
Một trong số các ứng cử viên, bà Susana Malcorra, cựu Ngoại trưởng Argentina đã phàn nàn vào tháng trước rằng, phụ nữ không có cơ hội ở Hội đồng Bảo an.
“Đấy không phải là trần nhà bằng kính; đó là trần nhà bằng thép”, bà Malcorra nói với tờ Foreign Policy.
Vào ngày 5/10, sau khi chúc mừng ông Guterres, bà Malcorra đã khẳng định lại trên trang Twitter của mình rằng, giới tính vẫn là một vấn đề trong cuộc chạy đua vào vị trí Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, các nữ ứng cử viên khác lại cho rằng, giới tính trong cuộc đua lần này không phải là điều cản trở họ.
Bà Helen Clark, cựu Thủ tướng New Zealand, khẳng định với Guardian rằng: “Nếu bạn đang tự hỏi liệu có phải phụ nữ đang bị phân biệt đối xử - câu trả lời là không”.
“Có rất nhiều yếu tố cần phải được cân nhắc như là cần chọn nhà lãnh đạo phía đông hay tây, phía nam hay bắc? Cần một nhà lãnh đạo cứng rắn hay cần một nhà lãnh đạo nhẹ nhàng? Tất cả các yếu tố đan xen và không ai biết được điều gì sẽ đến trong cuộc đua”, bà Helen Clark cho biết.
Trong cuộc lựa chọn ra Tổng thư ký Liên Hợp Quốc năm nay, các ứng cử viên phải trải qua các phiên chất vấn công khai được giới truyền thông mô tả giống như một cuộc “phỏng vấn xin việc” trực tiếp trước toàn thế giới, thay vì quy trình lựa chọn kín do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thực hiện như trước đây.
Việc công khai chất vấn, được xem là bước tiến nhằm tăng cường tính minh bạch, đảm bảo sự công bằng cho tất cả các quốc gia trong khả năng tạo ảnh hưởng đối với quá trình tuyển chọn ứng cử viên.
Đại sứ Mỹ ở Liên Hợp Quốc, bà Samantha Power khẳng định, cuộc đua hoàn toàn lành mạnh và chọn lựa ra được một Tổng thư ký Liên Hợp Quốc hoàn toàn phù hợp với các tiêu chí đề ra.
“Vào phút cuối, chỉ có một ứng cử viên có kinh nghiệm, tầm nhìn và linh hoạt trong nhiều lĩnh vực đã thuyết phục được tất cả mọi người. Chúng tôi đều thống nhất rằng, ông Atonio Guterres là người đã gây ấn tượng trong suốt quá trình tranh cử”, bà Samantha Power nói.
Được biết, trong quá trình tranh cử vào chức Tổng Thư ký, ông Guterres nhận được sự tin tưởng của 13 trong 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an và không có thành viên có quyền phủ quyết nào (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc) phản đối việc ông trở thành Tổng Thư ký tiếp theo.
Cần thay đổi
Kết quả chạy đua vào vị trí Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc tuy đã rõ ràng, nhưng những nữ giới vẫn còn nhiều cơ hội để chứng tỏ được vị trí của họ trên chính trường thế giới.
Đáng buồn là hiện nay chỉ có 22% số đại biểu Quốc hội tại các quốc gia là nữ giới. Trong số đó, chỉ có khoảng 21 người đóng vai trò là người đứng đầu vùng/lãnh thổ hoặc chính phủ. Trong khi tỷ lệ nữ giới trên thế giới là trên 50% thì con số phụ nữ làm lãnh đạo như nêu trên cho thấy sự chênh lệch rất rõ ràng.
Một cuộc đua khác đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang nóng lên từng ngày. Nữ ứng cử viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton hiện đang tạm dẫn đầu trong các cuộc thăm dò trước khi cuộc bầu cử chính thức diễn ra vào tháng 11/2016.
Bà Sheryl Sandberg, một trong những giám đốc điều hành của Facebook, cho rằng đã đến lúc phải thay đổi. Bà nói: “Đàn ông vẫn điều hành thế giới - tôi không chắc điều này sẽ tốt… Và cho đến khi chúng ta khắc phục được, tất cả mọi người vẫn sẽ phải chịu ảnh hưởng về điều này. Nó có nghĩa là chúng ta chưa khai thác được đầy đủ tiềm năng của con người, nhất là người phụ nữ”.