Trung Quốc tăng cường các hoạt động đầu tư vào các quốc gia dù có hoặc không có tranh chấp ở Biển Đông đồng thời khoét sâu những mâu thuẫn nội bộ giữa các nước ASEAN.
|
Bên cạnh việc sử dụng "sức mạnh mềm", Trung Quốc ráo riết thâu tóm tài nguyên trên Biển Đông.
|
Hơn một năm qua, kể từ khi
Trung Quốc đẩy nhanh việc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở các vùng biển đang có tranh chấp nhưng giàu tài nguyên thuộc Biển Đông, các quốc gia có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các hoạt động bành trướng của Trung Quốc vẫn đang tìm cách đối phó. Tuy nhiên, sự phụ thuộc của các quốc gia
Đông Nam Á vào nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc và sự chia rẽ giữa các quốc gia thành viên ASEAN đang là rào cản lớn đối với các nước trong việc đạt được sự đồng thuận chống lại sự bành trướng của Trung Quốc.
Hiện khu vực đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nước lớn, Trung Quốc đang tìm cách định hình lại trật tự khu vực, Mỹ công khai tìm cách chứng minh cam kết của mình đảm bảo tự do hàng hải tại Biển Đông cùng với sự can thiệp ngày một lớn của Nhật Bản đối với các vấn đề an ninh khu vực sau hơn 70 năm “ngủ yên”.
Mặc dù Manila đã cam kết với Bắc Kinh sẽ không đưa vấn đề căng thẳng ở Biển Đông vào chương trình nghị sự chính thức của Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Tuy nhiên, một ngày trước khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra, Mỹ tuyên bố sẽ hỗ trợ các quốc gia ven Biển Đông 259 triệu USD để đảm bảo an ninh hàng hải, tương đương mức viện trợ tài chính của Trung Quốc dành cho khu vực này, điều có thể khiến sức mạnh mềm của Trung Quốc tại khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bắc Kinh không muốn xung đột nổ ra trong khu vực nhưng họ vẫn đang từ từ làm thay đổi nguyên trạng tại khu vực để mở rộng vùng đệm trên biển, bảo vệ các tuyến đường thương mại và loại bỏ sự chi phối của hải quân Mỹ trong khu vực.
Để ngăn các nước ASEAN có mối quan hệ thân thiết với các cường quốc bên ngoài, Trung Quốc đã triển khai chiến lược “chia để trị” nhằm phá vỡ sự gắn kết giữa các quốc gia. Trên thực tế, Trung Quốc thường tăng cường các hoạt động đầu tư vào các quốc gia dù có hoặc không có tranh chấp biển đảo đồng thời khoét sâu những mâu thuẫn nội bộ giữa các quốc gia có tuyên bố chủ quyền. Bắc Kinh cũng lảng tránh các cuộc đàm phán đa phương, tìm cách làm suy yếu vai trò của Mỹ trong các diễn đàn và khối thương mại, sử dụng lợi ích kinh tế để lôi kéo các quốc gia tham gia các sáng kiến nhằm đưa các nước vào một trật tự do Trung Quốc dẫn đầu, chẳng hạn như việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIBB) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Bắc Kinh hy vọng với các biện pháp này cùng với khả năng vượt trội về quân sự so với các quốc gia Đông Nam Á và sự thiếu kiên quyết của Mỹ trong khu vực sẽ buộc các quốc gia ASEAN phải phục tùng Trung Quốc. Hầu hết các quốc gia thành viên ASEAN đều xem các công trình xây dựng của Trung Quốc tại Biển Đông là vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Tuy nhiên, ASEAN vẫn đang lúng túng trong việc đưa ra được một phản ứng đồng thuận đối với các hoạt động vi phạm của Trung Quốc. Tại Hội nghị cấp cao hồi tháng 5/2015, ASEAN đã đưa ra một tuyên bố được cho là mạnh nhất khi tuyên bố rằng ASEAN phản đối các công trình xây dựng của Trung Quốc tại Biển Đông, nhưng tuyên bố trên vẫn không đề cập đích danh các công trình của Trung Quốc. Hội nghị các bộ trưởng quốc phòng ASEAN vừa kết thúc cũng không đưa ra được bất kỳ tuyên bố chung nào, điều này cho thấy sự chia rẽ trong ASEAN.
Tranh chấp tại Biển Đông đang đẩy khu vực vào cuộc chạy đua vũ trang. Trung Quốc là nước có sức mạnh quân sự vượt trội so với các nước hiện đang có tuyên bố chủ quyền chồng lấn. Bắc Kinh hiện vẫn đang không ngừng tăng cường phát triển hải quân và các lực lượng giám sát bờ biển. Chi tiêu quốc phòng của các nước ASEAN cũng đã tăng trung bình 44% kể từ năm 2010. Các hoạt động quyết đoán của Trung Quốc đang thúc đẩy các nước thành viên ASEAN tăng cường quan hệ quân sự với nhau và với các cường quốc bên ngoài, cụ thể là với Mỹ và Nhật Bản.
Hồi tháng 10/2014, Washington đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Việt Nam cũng đã cùng các quốc gia thành viên ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nakatani cũng đã có chuyến thăm Việt Nam. Nhật Bản cũng cam kết sẽ tăng cường đầu tư và hỗ trợ Việt Nam hàng trăm triệu USD trong lĩnh vực hàng hải.
Bên cạnh những hoạt động hợp tác chặt chẽ với Mỹ, Philippines cũng đã không ngừng tăng cường hợp tác với Nhật Bản. Tokyo và Manila dự kiến sẽ đạt được thỏa thuận khung cho phép Nhật Bản tặng trang thiết bị quân sự được sử dụng cho Philippines. Philippines cũng đang xây dựng mối quan hệ với các đối tác trong khu vực đồng thời nỗ lực hiện đại hóa quân đội. Đáng chú ý nhất là quyết định của Tòa án Tối cao Philippines về Hiệp định Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (EDCA) dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 12 năm nay. Nếu được thông qua, thỏa thuận này sẽ cho phép hai nước Mỹ-Philippines tăng cường hợp tác quân sự, cho phép quân đội và các trang thiết bị của Mỹ tăng cường hiện diện ở Philippines, Philippines có thể tiếp cận các hỗ trợ từ phía Mỹ, cùng Mỹ khởi công các công trình mới…
Malaysia, Indonesia trước đây là những nước thể hiện quan điểm trung lập mặc dù cũng có những tuyên bố chủ quyền chồng lấn với khu vực nằm trong “đường lưỡi bò” do Trung Quốc vẽ ra. Mới đây, hai nước cũng đã có xu hướng phản đối các hoạt động tôn tạo của Trung Quốc ở Biển Đông. Singapore mặc dù không có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc nhưng lại đang hưởng lợi lớn từ tự do hàng hải tại Biển Đông và quốc đảo này sẽ luôn bảo vệ quyền tự do này.