Mưu đồ bá chủ Đông Nam Á của Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) - Khi trật tự thế giới thay đổi nghiêng về phía có lợi cho Trung Quốc, Bắc Kinh không ngại điều chỉnh lập trường để dễ bề thao túng Đông Nam Á.

 Ngoại trưởng TQ Vương Nghị (trái) và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.


Theo Phó giáo sư Pavin Chachavalpongpun của Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (Đại học Kyoto), sự điều chỉnh này là một phần tham vọng của Trung Quốc nhằm duy trì ảnh hưởng độc tôn trong khu vực.

Chính sách “chia để trị”


Hơn 10 năm, Bắc Kinh đã thành công trong việc xâm nhập một số nước ở khu vực Đông Nam Á, với mục đích chính là thao túng chính sách của các nước này theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

Hiện tại, mối quan hệ mạnh mẽ giữa Trung Quốc và một số nước, đặc biệt là các nước ở lục địa Đông Nam Á, đã có tác động đáng kể đến sự thống nhất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

 Vương Nghị đã ca ngợi Thái Lan đóng vai trò “quan trọng” trong việc thúc đẩy quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN.

Trong chuyến đi Bangkok đầu tháng này, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã ca ngợi Thái Lan đóng vai trò “quan trọng” trong việc thúc đẩy quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN.

Hai bên đã nhất trí tăng kim ngạch thương mại song phương lên tới 100 tỷ USD vào năm 2015. Trong năm 2012, thương mại hai chiều Trung Quốc-Thái Lan đạt gần 70 tỷ USD. Thái Lan là nước thành viên ASEAN đầu tiên ký kết Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Trung Quốc.

Khi ở thăm Thái Lan, ông Vương Nghị nhấn mạnh: “Các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Thái Lan sẽ đóng một vai trò gương mẫu cho việc phát triển các mối quan hệ Trung Quốc-ASEAN”. Đáng chú ý là trong năm nay, Thái Lan giữ cương vị điều phối viên quan hệ Trung Quốc-ASEAN.

Trong khi đó, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các đồng minh, Bộ trưởng Thái Lan và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc gặp nhau và cam kết sẽ mở rộng quan hệ quân sự. Lính thủy đánh bộ của hai nước đã tổ chức một cuộc tập trận chung hai năm một lần mang tên "Blue Strike".

Trung Quốc đã hậu thuẫn chính trị cho chính quyền quân sự Myanmar. Tuy Myanmar tiến hành cải cách chính trị và đa dạng hóa các mối quan hệ, nhưng Trung Quốc vẫn là nhà đầu tư lớn nhất ở nước này.

Bắc Kinh đã tạo dựng được mối quan hệ thân thiết với Phnom Penh. Chính mối quan hệ mật thiết này đã khiến cho ASEAN lần đầu tiên trong 45 năm không đưa ra được Tuyên bố chung tại Hội nghị cấp cao ASEAN ở Phnom Penh. Việc không ra được Tuyên bố chung khiến dư luận tập trung sự chú ý vào mối quan hệ mật thiết Trung Quốc-Campuchia và tranh chấp biển đảo ở Biển Đông, nơi Trung Quốc áp dụng chính sách “lần lượt bẻ từng chiếc đũa” trong bó đũa ASEAN với sách lược đàm phán song phương.

Mặc dù có lợi ích kinh tế rất lớn ở Trung Quốc, Singapore vẫn khuyến khích các cường quốc khác - đặc biệt là Mỹ - can dự vào khu vực để làm đối trọng với sức mạnh của Trung Quốc.

Điều này giải thích lý do vì sao Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã chọn đến thăm Singapore và Indonesia, sau Thái Lan. Chuyến thăm này chủ yếu là để nhắc lại chính sách hữu hảo của Trung Quốc đối với hai nước này.

Duy trì ảnh hưởng, thực thi “quyền lực mềm”

Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã chọn đến thăm Singapore và Indonesia, chủ yếu là để nhắc lại chính sách hữu hảo của Trung Quốc đối với hai nước này.

Trong năm 2005, nhà phân tích David Shambaugh từng nhận định rằng sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng tăng, ảnh hưởng chính trị sâu rộng của Trung Quốc cũng như việc Bắc Kinh ngày càng can dự vào các tổ chức đa phương trong khu vực là những diễn biến quan trọng trong các vấn đề châu Á.

Thế chủ động mới của Trung Quốc ở khu vực này được phản ánh trong hầu hết các chính sách kinh tế, ngoại giao và quân sự, đồng thời với việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động trên trường quốc tế.

Lợi ích của Trung Quốc ở Đông Nam Á là tối thượng và do đó, Trung Quốc tìm mọi cách duy trì ảnh hưởng ở khu vực này. Các nước Đông Nam Á là thị trường hấp dẫn cho các sản phẩm của Trung Quốc, là nguồn cung nguyên liệu cũng như các điểm đến đầu tư-du lịch hấp dẫn đối với Trung Quốc. Mối liên kết văn hóa lâu đời với khu vực này là thế mạnh vượt trội để Trung Quốc duy trì ảnh hưởng và tăng cường thực thi “quyền lực mềm” .

Đông Nam Á cũng là một cửa ngõ sống còn đối với Trung Quốc, đặc biệt trong iệc tiếp cận các cung nguồn năng lượng ở Trung Đông.

Chiến lược Biển Đông chính là một phần quan trọng trong chiến lược biển đảo của Trung Quốc. Ngay cả khi tranh chấp lãnh thổ với một số nước Đông Nam Á, Trung Quốc vẫn nhận thức được sự cần thiết phải giải quyết xung đột thông qua các kênh ngoại giao vì điều này  phục vụ lợi ích của tất cả các bên.

Đông Nam Á đã từ lâu đã trở thành nơi gặp gỡ của các cường quốc bên ngoài. Việc Trung Quốc tăng cường mức độ ảnh hưởng ở khu vực này là phản ứng trực tiếp đối với mức độ can dự ngày càng tăng của các cường quốc khác - trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.

Sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc trong thế kỷ 21 khiến người ta nhớ lại mối quan hệ bất bình đẳng ngày xưa với “Thiên triều”. Đông Nam Á lâm vào một tình thế khó xử, vừa muốn được hưởng lợi từ sự trỗi dậy của Trung Quốc nhưng lại sợ sức mạnh quân sự ngày càng khủng khiếp của nước này.

Chuyến đi Đông Nam Á của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị không chỉ nhằm “tái quảng bá” hình ảnh Trung Quốc như một cường quốc đang lên có trách nhiệm, mà còn để đảm bảo địa vị bá chủ khu vực, khi nước này phải đối mặt với một môi trường khu vực đang thay đổi.

TIN LIÊN QUAN:

ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Lê Chân (theo Japan Times)

Bình luận(0)