Sư trụ trì Thiếu Lâm Tự: “Lắm tài, nhiều tật”

Google News

(Kiến Thức) - Cục Các vấn đề tôn giáo nhà nước Trung Quốc bắt đầu điều tra sư trụ trì Thiếu Lâm Tự Thích Vĩnh Tín, sau một loạt cáo buộc chống ông này.

Điều tra các cáo buộc đối với sư trụ trì Thiếu Lâm Tự
Cục các vấn đề tôn giáo Nhà nước Trung Quốc cho biết trong một thông báo ngày 3/8,  những cáo buộc sai phạm đối với sự trụ trì Thiếu Lâm Tự  Thích Vĩnh Tín là vô cùng nghiêm trọng và cơ quan này sẽ nhanh chóng làm rõ sự thật.
Từ cuối tháng 7/2015, sư trụ trì Thiếu Lâm Tự ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, phải đối mặt với nhiều lời chỉ trích sau khi người tố cáo được biết với cái tên Shi Zhengyi đăng một bức thư ngỏ với tựa đề: Ai sẽ xử lý trường hợp của “hổ lớn” Thích Vĩnh Tín. Cụm từ “hổ lớn” được sử dụng để ám chỉ những quan chức cấp cao tham nhũng ở Trung Quốc.
Bức thư bao gồm nhiều cáo buộc đối với sư trụ trì Thiếu Lâm Tự Thích Vĩnh Tín từ những năm 1990, trong đó có việc ông quan hệ tình dục với các ni cô, có con riêng, biển thủ ngân quỹ của chùa,...
Su tru tri Thieu Lam Tu:
Phương trượng Thiếu Lâm Tự Thích Vĩnh Tín.  
Theo tiết lộ của Shi Zhengyi, sư trụ trì Thích Vĩnh Tín từng bị phương trượng Thiếu Lâm Tự Shi Xingzheng đuổi khỏi chùa vào năm 1988 vì vi phạm các quy định nhà chùa. Ngoài ra, vị sư trụ trì 50 tuổi này còn bị tố chuyển cổ phần của một công ty do Thiếu Lâm Tự quản lý cho nhân tình.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện các cáo buộc đối với Thích Vĩnh Tín. Vị “nhà sư CEO” từng gây tranh cãi khi biến ngôi chùa Phật giáo có bề dày 1.500 tuổi thành một “trung tâm thương mại” bằng cách bán thương hiệu Thiếu Lâm Tự cho các bộ phim, chương trình truyền hình và trò chơi điện tử.
Con đường "tu hành" của sư trụ trì Thích Vĩnh Tín
Sư trụ trì Thích Vĩnh Tín quê ở huyện Dĩnh Thượng, tỉnh An Huy, tục danh là Lưu Ứng Thành. Năm 16 tuổi, nghe lời cha mẹ, ông xuất gia đến Thiếu Lâm Tự, bái phương trượng khi đó là Shi Xingzheng làm thầy.
Sau đó, ông đi học ở các tỉnh Giang Tây, An Huy và thành phố Bắc Kinh. Năm 1984, ông quay về Thiếu Lâm Tự và được bầu làm thành viên của Ban quản lý tự viện.
Năm 1986, ông là người đồng sáng lập Hội nghiên cứu quyền pháp Thiếu Lâm Tự và được bầu làm phó chủ tịch hiệp hội; đồng thời, thành lập Đội võ thuật Thiếu Lâm Tự.
Sự nghiệp của Thích Vĩnh Tín tiếp tục thăng tiến. Tháng 8/1987, ông trở thành chủ tịch Ban quản lý tự viện. Hồi tháng 2/1988, ông thành lập quỹ từ thiện đầu tiên mang tên Hội chữ thập đỏ chùa Thiếu Lâm Tự.
Chiến dịch quảng bá Thiếu Lâm Tự của sư trụ trì Thích Vĩnh Tín thực sự bắt đầu vào tháng 6/1989, khi ông cử một đoàn võ thuật tham gia tour biểu diễn  vòng quanh đất nước. Từ đó, Thích Vĩnh Tín lập ra nhiều quỹ từ thiện hơn, mở một công ty sản xuất điện ảnh, tạp chí Phật giáo, công ty xuất bản Thiếu Lâm Tự, một trang web chính thức của chùa Thiếu Lâm Tự, rất nhiều viện nghiên cứu văn hóa và thậm chí là một cuộc thi võ thuật truyền hình trực tiếp.
Tháng 6/1996, ông là thành viên trong đoàn Phật giáo đầu tiên từ Trung Quốc đại lục tới thăm Đài Loan sau hơn 40 năm. Tháng 11/1999, sau khi chính thức trở thành phương trượng đời thứ 30 của Thiếu Lâm Tự, ông đã đến thăm cung điện Buckingham và gặp Nữ hoàng Elizabeth II.
Năm 2008, phương trượng Thích Vĩnh Tín đóng vai trò giám đốc sản xuất của loạt phim The Shaolin Warriors.
Từ năm 2009, Thích Vĩnh Tín đã đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Australia, Canad, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất.
Ngoài ra, sư trụ trì Thích Vĩnh Tín còn nắm giữ nhiều vị trí cao trong chính trường Trung Quốc và trong hoạt động quản lý các công việc tôn giáo của đất nước.
Tháng 10/2014, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Phật giáo Hà Nam và là một trong những nhà sư đầu tiên của Trung Quốc nhận bằng cử nhân.
Nỗ lực thương mại hóa chùa Thiếu Lâm Tự trong 25 năm qua của phương trượng Thích Vĩnh Tin đã đạt được thành công. Báo cáo cho biết, chỉ tính riêng năm 2006, lợi nhuận thu về của ngôi chùa là hơn 100 triệu nhân dân tệ (tương đương 16,1 triệu USD). Lợi nhuận từ các chi nhánh ở nước ngoài của Thiếu Lâm Tự ít nhất là 15 triệu USD mỗi năm, không tính nguồn tiền thu về từ các hoạt động kinh doanh khác dưới danh nghĩa Thiếu Lâm Tự.
Tuy nhiên, cùng với việc Thiếu Lâm Tự "ăn nên làm ra", những năm qua phương trượng Thích Vĩnh Tín cũng đối mặt với nhiều tin đồn và cáo buộc sai phạm.
Su tru tri Thieu Lam Tu:
Người tố cáo đăng tấm hình cậu bé được cho là con trai của sư trụ trì Thích Vĩnh Tín. (Ảnh: DM)
Tin đồn ác ý?
Năm 2009, trang web của Thiếu Lâm Tự hai lần bị tấn công, trong đó có lần thư xin lỗi mạo danh trụ trì Thích Vĩnh Tín cùng danh sách các hành vi sai trái của ông được đăng trên trang web.
Hồi tháng 5/2011, cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ một nghi phạm với cáo buộc tung tin đồn rằng, phương trượng Thích Vĩnh Tín đã bị bắt vì gạ gẫm gái bán dâm. Năm 2013 lại xuất hiện tin đồn ông có một người con rơi đang sống tại Đức và vị trụ trì này còn mở tài khoản ở nước ngoài với tổng tài sản lên tới 2,85 tỷ USD.
Tháng 2/2014, ông gây xôn xao dư luận quốc tế khi thông báo kế hoạch xây dựng khu tổ hợp trị giá 220 triệu USD ở Australia, bao gồm một ngôi chùa, khách sạn, học viện kungfu và sân golf. Thích Vĩnh Tín khi đó bác bỏ mọi chỉ trích bằng biện hộ rằng, thương mại hóa là cách tốt nhất bảo vệ ngôi chùa 1.500 tuổi này và truyền bá tư tưởng Phật giáo.
Cũng có tin đồn khác rằng, Thích Vĩnh Tín từng trả tiền để quan hệ tình dục với một sinh viên Đại học Bắc Kinh. Ông còn sở hữu nhiều biệt thư sang trọng ở Mỹ và Đức.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2014, phương trượng Thích Vĩnh Tín bác bỏ mọi cáo buộc đối với ông, cho rằng đó chỉ là những tin đồn thất thiệt mà thôi.
Thiên An (Theo WCT)

Bình luận(0)