Trung Quốc có “khôn” nhưng... chưa “ngoan”

Google News

(Kiến Thức) - Mỗi năm, Trung Quốc đổ hàng tỷ USD vào các chiến dịch tuyên truyền đối ngoại, nhưng vẫn bị nhiều tai tiếng trên toàn cầu.

 Hình ảnh "con rồng Trung Hoa" đang xấu đi trong con mắt thế giới.

Trên tờ The New York Times, David Shambaugh - hiện giảng dạy môn Khoa học chính trị và ngoại giao quốc tế ở trường Đại học George Washington - có bài phân tích về hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới.

Theo tác giả Shambaugh, vào lúc trở thành cường quốc mới của thế giới, Trung Quốc bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của hình ảnh của mình trên toàn cầu, và thấy cần tăng cường “sức mạnh mềm”.

Trung Quốc tìm hiểu dư luận trên khắp thế giới về nước này và đầu tư lớn vào mở rộng dấu ấn văn hóa, “củng cố tuyên truyền ra bên ngoài” và ngoại giao với công chúng. Thật không may, như thế vẫn không đủ.

Kết quả thăm dư luận của Dự án Thái độ toàn cầu của Trung tâm nghiên cứu Pew kết hợp với BBC cho thấy, hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới được liệt vào dạng mờ nhạt, có hay có dở.

Và cách nhìn tiêu cực ngày càng lan rộng. Trong suốt gần một thập niên, thái độ người dân châu Âu đối với Trung Quốc vẫn là tiêu cực nhất trên thế giới, nhưng giờ đây cả châu Mỹ và châu Á cũng vậy.

Một số dấu hiệu cho thấy cái nhìn tiêu cực đang tăng dần ở Nga. Nhìn bề ngoài, Nga có mối quan tâm đáng kể và khá tích cực đối với Trung Quốc. Nhưng bên trong, người Nga vẫn có những nghi ngờ do lịch sử, do mâu thuẫn trong thương mại, trong buôn bán vũ khí Nga sang Trung Quốc. Kế đó là tranh cãi về nhập cư và tranh giành ảnh hưởng ở khu vực Trung Á.

Danh tiếng của Trung Quốc cũng bị hoen ố ở Trung Đông do ủng hộ Syria và Iran cũng như cung cách đối xử với người thiểu số theo Hồi giáo ở miền Tây nước này.

Thậm chí ở châu Phi, nơi mối quan hệ nhìn chung vẫn tích cực, hình ảnh của Trung Quốc đã bị xấu đi trong vòng ba năm qua, do sự đổ bộ ồ ạt của các doanh nhân Trung Quốc, lòng tham khai thác dầu khí và tài nguyên tự nhiên khác, cùng với những dự án cứu trợ mà có vẻ làm lợi cho các công ty xây dựng Trung Quốc cũng như chính phủ các nước được nhận trợ giúp… và Mỹ Latinh cũng xảy ra cái điều tương tự.

Và cuối cùng, mối quan hệ quan trọng nhất của Trung Quốc là với Hoa Kỳ cũng có khá nhiều rắc rối. Mối quan hệ  này kết hợp giữa phụ thuộc lẫn nhau, “vừa hợp tác, vừa cạnh tranh” và có nhiều nghi kỵ.

Vì sao hình ảnh Trung Quốc xấu đi?

Uy tín của Trung Quốc ngày càng sút giảm trên toàn cầu, với nhiều lý do khác nhau: mỗi vùng, một khác.

Thặng dư mậu dịch khổng lồ của Trung Quốc đóng góp một cách trực tiếp và gián tiếp vào tình trạng thất nghiệp trên khắp thế giới, nhưng điều này đặc biệt nghiêm trọng ở châu Âu, Mỹ Latinh và Mỹ - nơi Trung Quốc nổi lên như một “mối đe dọa” về kinh tế.

Trong khi đó, việc Bắc Kinh hiện đại hóa quân đội và các động thái “lên gân” ở châu Á lại làm hoen ố hình ảnh của Trung Quốc trong con mắt của các nước láng giềng.

Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, uy tín của Trung Quốc giảm sút ở bên ngoài xem ra không phải là một vấn đề quá lớn. Nhưng về thực chất, điều này rất quan trọng.

Hình ảnh Trung Quốc dần trở nên xấu xí đã khiến cho tân Chủ tịch Tập Cận Bình và nhóm làm chính sách đối ngoại của ông đang phải đối mặt với ngày càng nhiều thách thức và khó khăn về chính sách ngoại giao, cả trên phương diện nhận thức và chính sách lâu dài.

Biện pháp khắc phục

Về chính sách ngoại giao, Trung Quốc nên tham gia các cuộc thương lượng đa quốc gia về Công ước LHQ về Luật Biển để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, thương thuyết với Nhật Bản về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang có tranh chấp; gây sức ép đối với Triều Tiên và Iran để đình chỉ các chương trình vũ khí hạt nhân.

Trung Quốc cần cố gắng chứng tỏ sự minh bạch trong các chương trình viện trợ nước ngoài và ngân sách quân sự và cũng nên tôn trọng hơn các nước đang phát triển mà Trung Quốc đang khai thác tài nguyên ở đó.

Nếu làm được những điều nay, hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới sẽ được cải thiện rất nhiều, hơn là việc bơm hàng tỷ USD vào các chiến dịch tuyên truyền thiếu thuyết phục ở nước ngoài như hiện nay.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Văn Bình

Bình luận(0)