|
\Nhóm tác chiến đặc biệt của Hải quân Philippines trên vịnh Subic chào đón tàu chiến BRP Ramon Alcaraz hôm 6/8. |
Theo RT, Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Philippines tuyên bố, việc cho phép quân đội Mỹ tăng cường “sự hiện diện luân phiên” sẽ giúp nước này phát triển “khả năng phòng thủ đáng tin cậy tối thiểu” nhằm củng cố khả năng bảo vệ lãnh thổ. Trong khi, việc thành lập một căn cứ quân sự đầy đủ “là vi hiến”.
"Philippines sẽ sớm tham vấn và đàm phán với Mỹ về một hiệp định khung về vấn đề tăng cường sự hiện diện luân phiên của chúng tôi", Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin và Ngoại trưởng Albert del Rosario viết trong một lá thư.
Theo AP, bức thư còn nêu rõ, Philippines hiện đang tiếp tục nỗ lực để hiện đại hóa quân đội đồng thời tìm kiếm sự hỗ trợ của Mỹ trong khi thực hiện các bước cần thiết. Ông Gazmin khẳng định, quân đội Mỹ sẽ chỉ có quyền tiếp cận các căn cứ quân sự hiện có.
Các cuộc đàm phán liên quan đến việc tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Philippines diễn ra trong thời điểm căng thẳng lãnh thổ giữa Bắc Kinh và Manila trên Biển Đông ngày càng leo thang. Philippines đã tiếp cận Mỹ để tìm kiếm sự hỗ trợ trong việc nâng cấp vũ khí. Mỹ chào đón động thái của Philippines vì muốn đảm bảo ảnh hưởng của họ trong khu vực trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường bành trướng sức mạnh và ngày càng tỏ ra kiên quyết trong các tuyên bố chủ quyền.
|
Binh sĩ Hải quân Mỹ - Philippines tập trận chung.
|
Dù nhiều lần nhấn mạnh không dính líu tới các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông nhưng Mỹ không ngừng giúp Philippines nâng cấp khả năng phòng thủ.
Theo Hiệp định Thăm viếng Quân sự hiện hành được ban hành năm 2002, hàng trăm binh sĩ chống khủng bố Mỹ đã được phép đồn trú ở Nam Mindanao, Philippines để huấn luyện binh sĩ nước này chiến đấu chống lại một nhóm phiến quân liên kết với Al-Qaeda và những kẻ khủng bố nước ngoài.
Theo chương trình tài trợ quân sự của Washington, Manila đã nhận được tàu chiến lớp Hamilton (46 năm tuổi) lớn nhất của Cảnh sát biển Mỹ mà không mất một xu. Tuy nhiên, tàu chiến này tiêu tốn 15 triệu USD cho chi phí vũ khí và nâng cấp radar. Dù vậy, sự kiện này vẫn đánh dấu sự nâng cấp lớn nhất về quân sự của nước này trong thập kỷ qua. Manila không ngại bày tỏ tham vọng xây dựng lực lượng trong bối cảnh cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều tỏ ra quan tâm nhiều hơn tới khu vực.
Ngoại trưởng Albert Del Rosario cho biết, Washington đã thông qua quyết định viện trợ quân sự hàng năm cho Philippines từ 30 triệu USD tới 50 triệu USD hồi cuối tháng 7. Đây là mức viện trợ quân sự cao nhất mà Philippines nhận được từ Mỹ trong suốt 13 năm qua.
Tuy nhiên, việc thành lập các căn cứ quân sự Mỹ tại Philippines lại đang gây tranh cãi. Philippines từng là thuộc địa của Mỹ và hiện Hiến pháp nước này cấm quân đội nước ngoài đóng quân lâu dài trên lãnh thổ của họ.
Philippines là thuộc địa của Mỹ vào năm 1898. Philippines công bố quyền tự chủ một phần năm 1935. Sau đó, nước này bị Nhật chiến đống trong Chiến tranh thế giới thứ 2 sau khi Mỹ thua trận và gánh tổn thất nặng nề. Mỹ công nhận chủ quyền của Philippines năm 1946 dù vẫn tiếp tục duy trì hiện diện trong khu vực.
Hàng chục nghìn binh sĩ đồn trú tại Căn cứ Không quân Clark và Căn cứ Hải quân Subic của Philippines cho đến đầu những năm 1990. Các căn cứ bị bỏ rơi bởi 2 nước không thống nhất được về việc hợp đồng thuê và tình cảm chống Mỹ mạnh mẽ của người dân Philippines. Thượng viện Philippines đã bỏ phiếu đóng cửa các căn cứ quân sự của Mỹ ở Subic và Clark gần thủ đô Manila vào năm 1991.
Hiến pháp nước này cũng cấm các căn cứ thường trú nước ngoài trên lãnh thổ Philippines. Tuy nhiên, Mỹ thường xuyên thực hiện các chuyến thăm ngắn hạn thường kỳ tới Philippines.