Philippines kêu gọi hải quân ASEAN bảo vệ biển đảo

Google News

(Kiến Thức) - Phát biểu trước các vị lãnh đạo hải quân Đông Nam Á, Tổng thống Aquino nhấn mạnh mục tiêu bảo vệ “các vùng biển chung” và đảm bảo tự do hàng hải.

 Tổng thống Philippines Aquino.
Tổng thống Philippines Aquino nhấn mạnh với các vị chỉ huy hải quân rằng lúc này là thời điểm đòi hỏi các quốc gia trong khu vực tìm kiếm các biện pháp để “mở rộng và tăng cường quan hệ đối tác” trên biển.
Ông khẳng định Philippines và các nước còn lại của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) luôn nỗ lực phấn đấu để duy trì “chủ quyền riêng” của mỗi nước, song đồng thời vẫn luôn củng cố và tăng cường “nhận thức về tinh thần đoàn kết trong khu vực”.
“Các quốc gia luôn nêu cao tinh thần đồng thuận, nhất trí và hợp tác thay vì bất hòa, gây hấn và áp đặt”, ông Aquino phát biểu tại Hội nghị lần thứ VII của các chỉ huy hải quân ASEAN tại một khách sạn ở Makati.
Các mục tiêu
Tổng thống Philippines nhấn mạnh, những hội nghị tương tự như Hội nghị lần thứ VII của các chỉ huy hải quân ASEAN lần này với sự tham gia của tất cả các quốc gia Đông Nam Á là cơ hội để củng cố và tăng cường “tình đoàn kết, sự ràng buộc trong việc bảo vệ các vùng biển chung”.
Ông Aquino vạch ra các mục tiêu bao gồm "tự do hàng hải, đảm bảo an toàn cho các tàu thương mại cũng như các hành khách dân sự”.
Những mục tiêu này được xem là rất quan trọng đối với Cộng đồng Kinh tế ASEAN trong thời gian tới.
Hội nghị các chỉ huy hải quân ASEAN là hoạt động thường niên, hội tụ những người đứng đầu lực lượng hải quân của Brunei, Campuchia,Indonesia, Malaysia, Myanmar, Singapore, Thái Lan,Việt Nam và Philippines.
Tranh chấp lãnh thổ gay gắt
Biển Đông đang bị Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền gần như toàn bộ bất chấp các thành viên ASEAN như Philippines , Brunei, Việt Nam và Malaysia từ lâu tuyên bố chủ quyền với một số vùng lãnh hải.
Ba nhóm đảo nằm trong trung tâm tranh chấp, trong đó có quần đảo Trường Sa của Việt Nam - một chuỗi bao gồm 190 đảo, bãi đá ngầm, đá san hô... được cho là chứa trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên dồi dào.
Đặc biệt đáng chú ý là tranh chấp lãnh thổ gay gắt và quyết liệt Philippines-Trung Quốc trên Biển Đông gần đây. Không thể đàm phán với Bắc Kinh, Manila buộc lòng mang tranh chấp ra tòa án quốc tế nhờ can thiệp, giải quyết.
Với sức mạnh kinh tế và quân sự vượt trội, ngày càng gia tăng, Trung Quốc ngày càng lấn lướt, ngang nhiên hành động khiêu khích trên biển, quyết liệt khẳng định quyền tài khóa, đe dọa an ninh và ổn định tại các vùng lãnh hải của các quốc gia trong khu vực. 
ASEAN luôn nỗ lực thúc đẩy việc thành lập Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) thay cho Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Sự ra đời của COC phụ thuộc nhiều vào thiện chí của Trung Quốc. Tuy nhiên, mới đây Bắc Kinh tuyên bố, COC không thể được thông qua ngay và lúc này vẫn chưa phải là thời gian chín muồi.
Trong khi đó, Philippines và Mỹ tuyên bố sẽ đảm bảo tự do hàng hải tại Biển Đông. Trong bài phát biểu tại Hội nghị các chỉ huy Hải quân ASEAN, Tổng thống Aquino bày tỏ lòng tin các lãnh đạo lực lượng Hải quân sẽ chia sẻ với nhau các kinh nghiệm tuần tra hàng hải, các hoạt động tìm kiếm cứu nạn hoặc ngăn chặn cướp biển và các mối đe dọa khác. Ông tuyên bố: “Tiếp nối lịch sử và truyền thống hợp tác giữa các dân tộc chúng ta trong suốt nhiều thế kỷ qua, tôi hy vọng thông qua những cuộc họp như thế này, chúng ta cùng với nhau mở rộng và viết thêm nhiều chương sử mới về sự hợp tác nhằm duy trì một ASEAN hòa bình và thịnh vượng”.
Bạch Dương (Theo Inquirer)

Bình luận(0)