Theo phán quyết ngày 12/7 của PCA , yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong "đường 9 đoạn" là trái với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Trung Quốc không có "tư cách lịch sử" đối với các vùng biển ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "các quyền lịch sử" đối với những nguồn tài nguyên trong "đường 9 đoạn".
|
Theo phán quyết ngày 12/7 của PCA, yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong "đường 9 đoạn" là trái với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). |
Theo PCA, không một đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa tạo cho Trung Quốc quyền có vùng đặc quyền kinh tế. PCA cũng khẳng định thực thể Itu Aba (Ba Bình) thuộc quần đảo Trường Sa là "bãi đá", nên không có vùng đặc quyền kinh tế. PCA cho rằng Bắc Kinh đã làm tổn hại lâu dài và không thể bù đắp được hệ sinh thái san hô ở quần đảo Trường Sa. Phán quyết PCA cũng nhấn mạnh Trung Quốc đã can thiệp vào các quyền đánh bắt truyền thống của Philippines tại bãi Scarborough trên Biển Đông. Theo PCA, những hành động của Trung Quốc đang làm trầm trọng thêm những tranh chấp với Philippines trong lúc đang các bên nỗ lực để giải quyết vấn đề.
Phản ứng của Philippines, Nhật Bản và Mỹ
Vài phút sau khi PCA ra phán quyết, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay cho biết nước ông hoan nghênh phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) đưa ra ngày 12/7 khi tuyên bố rằng Trung Quốc không có "quyền lịch sử" ở Biển Đông. Ông Yasay cũng hối thúc các bên "kiềm chế" sau phán quyết của PCA. Phát biểu với các phóng viên , ông Yasay nêu rõ: "Philippines hoan nghênh phán quyết ngày hôm nay (12/7) về vụ kiện do Philippines khởi xướng liên quan đến vấn đề Biển Đông".
Cùng ngày, Nhật Bản cho rằng phán quyết của PCA là phán quyết cuối cùng và có tính ràng buộc pháp lý, theo đó các bên liên quan tới vụ kiện phải tuân thủ phán quyết này. Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết Nhật Bản kiên định ủng hộ tầm quan trọng của pháp trị và việc sử dụng các phương tiện hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép trong việc tìm cách giải quyết các tranh chấp biển.
Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố khẳng định phán quyết của PCA là "đóng góp quan trọng đối với mục đích chung của giải pháp hòa bình" cho các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Trong tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby bày tỏ "hy vọng và mong muốn" các bên sẽ tuân thủ những nghĩa vụ đối với phán quyết có tính ràng buộc pháp lý về Biển Đông nói trên. Washington đồng thời hối thúc "tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền tránh những tuyên bố hoặc hành động khiêu khích" sau khi PCA ra phán quyết này.
Phản ứng của Việt Nam
|
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình trả lời câu hỏi của các phóng viên. Ảnh TTXVN |
Ngày 12/7, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 trên cơ sở đề nghị của Philippines đã đưa ra phán quyết cuối cùng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:
“Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7/2016. Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết.
Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 5/12/2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa trọng tài.
Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.
Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.